Đến Hậu Giang, chứng kiến cuộc sống của người dân nông thôn nơi đây chúng tôi nhận thấy Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường thật có ý nghĩa. Tuy nhiên, số lượng hộ dân được thụ hưởng từ chương trình này trên địa bàn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của người dân.
Nhu cầu vay vốn để đầu tư hệ thống nước sạch đang là nhu cầu cấp thiết của nhiều hộ dân nông thôn Hậu Giang. Ảnh: Hà Vy |
Người dân “khát” nước sạch
Xã Đông Thạnh là một xã nông thôn mới của huyện Châu Thành. Tuy nhiên, hệ thống nước sạch nơi đây chưa được đầu tư đúng mức. Ông Nguyễn Phước Thảo, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho biết, hiện trong xã có 4 trạm cung cấp nước mini đặt tại 3 ấp Thạnh Long, Thạnh Thới và Phước Thạnh, nhưng các trạm cung cấp nước sạch lại giao cho người dân quản lý (trạm cung cấp nước đặt trên đất của hộ dân nào thì do hộ dân đó quản lý và chịu trách nhiệm đi thu tiền nước hàng tháng theo giá quy định của nhà nước và họ được hưởng chiết khấu phần trăm).
“Khi xây dựng các trạm cung cấp nước sạch tỉnh đều có khảo sát, thử nghiệm nguồn nước đảm bảo an toàn mới cho người dân sử dụng. Tuy nhiên trong quá trình giao về cho các hộ dân quản lý, nhiều hộ còn thiếu kinh nghiệm nên có khi cháy môtơ nên xảy ra hiện tượng cúp nước vài ngày liền, các hộ dân rơi vào cảnh “khát” nước sạch” – ông Thảo cho biết.
Chị Lê Thị Kim Mãnh, Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Thạnh Thuận, kể, trước đây người dân chỉ sử dụng nước sông không đảm bảo vệ sinh, vì thế hầu hết người dân đều mong chờ có nguồn nước sạch để sử dụng. Năm 2005, khi chương trình cho vay xây công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được triển khai (mỗi hộ được vay 4 triệu đồng /công trình), người dân vô cùng phấn khởi.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân tại xã Đông Thạnh cho biết để làm nhà vệ sinh hợp vệ sinh, tính riêng công thợ cũng mất hơn cả triệu đồng; tiền làm nền, hố xí... gói gém cũng hơn 6 triệu. Riêng công trình nước sạch, do không có đường ống đi qua hầu hết người dân phải khoan cây nước, chi phí mua ống bơm, ống khoan đã hết 4 triệu nên muốn hoàn thiện phải bù thêm tiền. Đó là chưa kể nước bơm lên trực tiếp để lâu có màu đục nên phải đưa qua bồn lắng, phát sinh thêm bạc triệu.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó phòng tín dụng NHCSXH Hậu Giang, từ khi có tiền khoan cây nước đến nay, mọi sinh hoạt của gia đình các hộ dân thoải mái hơn. Tuy nhiên, nước khoan lẻ tẻ từ các hộ dân chỉ tạm gọi là nước hợp vệ sinh chứ chưa thể nói là nước sạch. Nếu đảm bảo nguồn nước phải thông qua bồn lắng lọc, nhưng để làm được đều này thì cần phải có thêm tiền, từ khâu khoan giếng đến khâu xử lý, hoàn thành ít cũng khoảng gần 7 triệu đồng.
Nguồn vốn chỉ đáp ứng 50% nhu cầu
Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành, cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng nước sạch và VSMT của người dân rất cao, thế nhưng nguồn vốn được phân bổ lại quá ít. Cụ thể, năm 2011 phòng giao dịch huyện được phân bổ 3 tỷ đồng, tháng 4/2012 được phân bổ đợt 1 là 1,5tỷ đồng.
Theo tính toán của ông Việt, 1 tỷ đồng chia đều 9 xã, trong đó ưu tiên xã xây dựng nông thôn mới, như thế mỗi xã chẳng được bao nhiêu. “Với nguồn vốn hiện tại, cộng vốn thu hồi cho vay luân chuyển cũng chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng của người dân, ngân hàng đang có kế hoạch sẽ đề xuất tăng thêm vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân”, ông Việt cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Xã đoàn xã Đông Thạnh, do nguồn nước dưới sông ngày càng ô nhiễm nên nhu cầu của người dân trong việc sử dụng nước sạch rất cao. Vì thế, để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và đảm bảo các hộ có nhu cầu đều được vay vốn từ chương trình, địa phương thống nhất ưu tiên trước cho chương trình nước sạch, còn chương trình VSMT sẽ xét sau.
Ông Nguyễn Phước Thảo, chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, thì cho hay: “Quan điểm của địa phương chủ yếu là vận động người dân có điều kiện tự đầu tư các công trình nước sạch và VSMT nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên đối với các hộ nghèo không thể tự làm thì vẫn xét cho vay”.
Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang, cho biết mục tiêu của ngân hàng là phấn đấu mỗi hộ đều được vay song song 2 công trình nước sạch và VSMT. Thế nhưng, nguồn vốn được phân bổ mỗi năm ít, trong khi nhu cầu vay vốn của người dân lại quá cao. Hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 1.000 hộ là được xét vay song song hai chương trình. Hiện phía ngân hàng cũng đang có kiến nghị xin tăng thêm vốn bổ sung, đồng thời tăng thêm vốn vay cho công trình nhà vệ sinh để người dân xây dựng đúng quy cách.
Hà Vy