Ông Sơn được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản là chiếc xe ô tô Mazda BKS 75A-029.86 mà trước đó ông Hồ Nam Định nhờ vợ chồng ông Sơn đứng tên vay 928 triệu đồng (cả gốc và lãi suất). Do không có khả năng trả nợ nên hai bên kiện nhau ra tòa.
Theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 112 ngày 5/9/2016 của TAND TP Huế, ông Định có nghĩa vụ trả 928 triệu cho ông Sơn và Chi cục THADS TP Huế đã ban hành Quyết định thi hành án số 746/QĐ-CCTHADS ngày 6/3/2018 theo yêu cầu của ông Sơn. Tài sản được xác định là chiếc xe Mazda nói trên.
Tuy nhiên, ông Định bị cho là đã âm thầm ủy quyền cho người khác bán chiếc xe ô tô cho một người tên Bắc. Ông Sơn cho rằng ông Định đã cố tình tẩu tán tài sản, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho mình khi quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Theo ông Sơn, để thực hiện việc tẩu tán tài sản, ông Định đã bàn bạc để nộp 463,6 triệu vào Ngân hàng để tất toán khoản nợ với ngân hàng rồi lấy giấy đăng ký xe bán cho ông Bắc giá 657,5 triệu đồng. Hợp đồng mua bán được công chứng tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian làm thủ tục sang tên thì chiếc xe bị Chi cục THADS TP Huế phát hiện và tạm giữ, kê biên để đảm bảo thi hành khoản nợ của ông Định với vợ chồng ông Sơn.
Theo Bản án sơ thẩm số 66/2019/DS-ST ngày 10/12/2019 của TAND TP Huế, Hợp đồng mua bán ô tô lập ngày 21/3/2018 tại Phòng Công chứng số 1 được ký giữa ông Nhân và ông Bắc đã tuân thủ các điều kiện về hình thức và nội dung để giao dịch phát sinh hiệu lực sau khi công chứng. Tuy nhiên, giao dịch mua bán tài sản giữa các bên đã vi phạm điều cấm quy định tại Điều 123 BLDS năm 2015 do ông Định đã cố tình che giấu không nói rõ chiếc xe ô tô là tài sản đảm bảo THA.
Xác định giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba nên bị vô hiệu theo khoản 2 Điều 124 BLDS, TAND TP Huế quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên nguyên đơn, tuyên Văn bản công chứng hợp đồng mua bán xe vô hiệu, Hợp đồng mua bán giữa ông Định, bà Hương, ông Nhân với ông Bắc vô hiệu. Buộc ông Định, bà Hương, ông Nhân phải liên đới trả lại cho ông Bắc 657,5 triệu.
Về chiếc xe, TAND TP Huế quyết định: Chi Cục THADS TP Huế tiếp tục việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản theo quy định.
Tuy nhiên, điều khiến ông Sơn cho rằng quyền lợi của ông bị ảnh hưởng là việc ưu tiên thanh toán cho ông Bắc khi chiếc xe được phát mãi. Theo ông Sơn, do giao dịch mua bán xe là giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba nên vô hiệu. Vì thế, các bên phải chịu hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu theo Điều 131 BLDS, ông Định phải trả lại số tiền cho ông Bắc và nhận lạixe.
“Đáng lẽ, chiếc xe sẽ được cơ quan THA giải quyết theo quy định của pháp luật để đảm bảo cho người được THA là tôi”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã không chấp nhận đề nghị này và cho rằng nguyên nhân dẫn đến giao dịch vô hiệu lỗi 100% do ông Định. Ông Bắc hoàn toàn không có lỗi và là người đã bỏ ra số tiền 463,6 triệu đồng để tất toán khoản nợ tại ngân hàng thay ông Định nên mới lấy được xe ra để thực hiện việc mua bán. Nay xe bị tạm giữ, ông Bắc cũng không được sở hữu chiếc xe nữa thì ông Bắc phải được quyền ưu tiên thanh toán khi cơ quan THA xử lý xe chứ không phải ông Sơn.
Không chấp nhận, ông Sơn đã kháng cáo, khẳng định số tiền 463,6 triệu không phải ông Bắc bỏ ra mà là của ông Nhân cho ông Định vay để thanh toán với ngân hàng. “Bản án sơ thẩm đang có vi phạm, vì thế ở cấp phúc thẩm hy vọng HĐXX sẽ xem xét kỹ lưỡng nội dung vụ việc và đưa ra những quyết định khách quan nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên”, ông Sơn nói.