Sự việc bắt nguồn từ việc ông Đặng Ngọc Lam (trú TP Vĩnh Yên) bị phạt vi phạm hành chính về xây dựng nhà cấp 4 ở khu địa chất Chùa Hà (xã Định Trung). Khi nhận được biên bản vi phạm, ông Lam cho biết, ngôi nhà cấp 4 không phải của ông mà là của ông Nguyễn Cường Trung (cũng trú tại TP Vĩnh Yên) cho ông mượn. Do đó, UBND TP Vĩnh Yên đã hủy biên bản phạt vi phạm hành chính với ông Lam. Ngay sau đó, UBND xã Định Trung “đi tìm” chủ ngôi nhà này.
Trong 3 tờ thông báo niêm yết công khai “xác định chủ công trình xây dựng trái phép tại khu địa chất Chùa Hà” của UBND xã Định Trung đều có dòng thông tin “ông Đặng Ngọc Lam cho biết ông có mượn đất… người cho mượn đất là ông Nguyễn Cường Trung (thỏa thuận bằng miệng)”. Tuy nhiên, biết rõ thông tin như thế nhưng UBND xã được cho là không làm việc đích danh với chủ nhà mà chỉ dán niêm yết công khai tìm chủ nhà tại nhà văn hóa khu Chùa Hà.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Sái Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã cho biết, có giao cho ban chuyên môn liên lạc với ông Trung, mời lên làm việc nhưng ông Trung không lên. Trong khi đó, ông Trung cho rằng không hề nhận được bất cứ thông báo hay giấy mời nào của UBND xã Định Trung.
Các thông báo niêm yết công khai được dán trong vòng 10 ngày, chia làm 3 lần, thời gian dán niêm yết công khai không liên tiếp. Theo ông Trung, không đưa ra các văn bản xác minh, niêm yết kiểu “cho có”, mà nhanh chóng xử lý phá dỡ công trình vi phạm cùng các công trình tường rào của gia đình ông khiến ông không đồng ý.
Ngày 20/3/2020, UBND xã Định Trung đã tiến hành xử lý áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “nhà không chủ” với ngôi nhà cấp 4. Tại thời điểm cơ quan chức năng chuẩn bị cưỡng chế, ông Trung được người dân thông báo và xuất hiện tại công trình, đồng thời xác nhận là chủ sở hữu công trình và mang theo giấy tờ chứng minh. Tuy nhiên, xã vẫn huy động máy móc, phương tiện san bằng ngôi nhà này.
Ông Trung nói: “Khi cưỡng chế tôi đã có mặt và yêu cầu xã làm đúng quy trình, lẽ ra xã phải dừng ngay việc triển khai và lập lại hồ sơ xử lý vì công trình này không phải là công trình không có chủ. Thế nhưng, xã Định Trung vẫn tiến hành cưỡng chế, khiến gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề. Thậm chí, khi phá dỡ cũng không có biên bản kiểm kê tài sản”.
Trái lại, Chủ tịch xã cho rằng có biên bản kê khai nhưng do ban chuyên môn đang đi vắng nên chưa có hồ sơ cung cấp đầy đủ.
Ông Trung cho biết, một phần diện tích đất gia đình ông xây căn nhà là diện tích đất khai hoang của các hộ dân và được gia đình ông mua lại. Năm 1994, UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đã giao cho Công ty Nhân Nghĩa quản lý để trồng rừng và trồng cây lâm nghiệp với tổng diện tích 120ha đất rừng, nhưng không hiểu vì sao có phần diện tích khai hoang gia đình ông đã mua.
Theo ông Trung: “Nếu tôi chứng minh được quyền lợi của mình thì việc đền bù này sẽ do ai chịu trách nhiệm?”. Cũng theo ông Trung, đất này hiện thuộc quyền quản lý của Trung tâm Quản lý quỹ đất tỉnh thì phải làm rõ nguồn gốc đất, phần nào của Nhà nước, phần nào của dân khai hoang. Nếu thu hồi thì phải có phương án bồi thường, phải làm rõ nguồn gốc đất trước khi tiến hành phá dỡ công trình.