Số lần hiến máu lớn hơn số tuổi
Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm thiết thực mang ý nghĩa nhân đạo, xã hội sâu sắc. Theo thời gian, người dân ý thức và hiểu được tầm quan trọng của việc hiến máu nên hàng ngàn người đã được cứu sống từ “lưỡi hái tử thần” nhờ số người tham gia hiến máu ngày càng tăng.
Nhưng người hiến máu 45 lần như anh Tuấn Anh thì không nhiều. Anh đã trở thành “gương mặt thương hiệu” cho công tác hiến máu nhân đạo của TP Hà Tiên nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.
Nói về nghĩa cử cao đẹp của mình, anh Tuấn Anh cho biết, anh bắt đầu hiến máu từ khi học cấp 3, lúc đó anh là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình và luôn đi đầu trong các phong trào Đoàn. “Thấy hiến máu là việc làm có ý nghĩa nên tôi tham gia”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, điều mọi người khâm phục ở anh là đã duy trì đều đặn nghĩa cử cao đẹp này trong gần 20 năm qua. Dù không còn ở lứa tuổi thanh niên nhưng tinh thần nhiệt huyết, tình nguyện vì cộng đồng vẫn “cháy” mãi trong anh.
Cách đây khoảng 20 năm, khi khái niệm hiến máu tình nguyện vẫn còn rất xa lạ đối với mọi người, thậm chí nhiều người còn suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực cho rằng hiến máu sẽ có hại cho sức khỏe thì chàng cán bộ đoàn Giang Tuấn Anh chỉ mới 20 tuổi đã mạnh dạn xung phong tham gia hiến máu.
Số lần hiến máu nhân đạo của anh Giang Tuấn Anh (bên trái) nhiều hơn cả tuổi đời |
Nhớ lại lần đầu tiên tham gia hoạt động ý nghĩa này, anh Tuấn Anh cho biết, không những không cảm thấy sợ hãi mà ngược lại còn rất hào hứng. Vì anh suy nghĩ: “Không quan tâm hay nghĩ mình mất hay được cái gì mà chỉ đơn giản người ta cần thì mình cho thôi”.
Ngoài ra, theo anh, “hiến máu là cứu người, một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Nói về việc nhiều người cho rằng hiến máu sẽ ảnh hưởng sức khỏe, anh Tuấn Anh cười nói: “Không biết mọi người thế nào chứ tôi thấy sức khỏe mình ngày càng tốt, tinh thần ngày càng phơi phới”.
Hiến máu không đơn thuần là cho máu
Chính vì xuất phát từ lòng thương người cũng như nhận thức được tầm quan trọng, mục đích của hoạt động hiến máu, nên mỗi năm anh đều tham gia hiến máu đều đặn từ 1 - 2 lần. Năm nay, anh đã hiến máu đến lần thứ 3.
“Hiến máu không đơn giản là cho máu mà nó còn thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia giữa người với người. Thương người như thể thương thân, xem người ta cũng như mình. Máu chảy trong người mình là để duy trì sự sống cho mình.
Máu mình chảy trong người người khác sẽ truyền sự sống, tiếp thêm sức khỏe, cơ hội và hy vọng cho người đó. Thật sự khi mình càng cho đi, càng cảm thấy trong người mình như có lửa, có năng lượng”, anh Tuấn Anh tâm sự.
Không chỉ tham gia mà anh còn sẵn lòng phục vụ công tác hiến máu, vận động bạn bè, người thân cùng chung sức vì cộng đồng. Với những đóng góp đó, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao tặng bằng khen, kỉ niệm chương để ghi nhận và tuyên dương lòng nhân ái của người con xứ thập cảnh này. Có thể nói, đây là tấm gương đẹp trong công tác hiến máu tình nguyện trên địa bàn TP Hà Tiên.
Ngoài ra, với cương vị là Trưởng phòng Tư pháp TP Hà Tiên, anh Tuấn Anh cũng đã chủ động xây dựng, tham mưu cho UBND, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP ban hành các kế hoạch, văn bản để chỉ đạo, điều hành các UBND xã, phường thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác Tư pháp trên địa bàn.
Từ đó, nhiều lĩnh vực công tác đạt kết quả tích cực như: Xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; Quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác trợ giúp pháp lý; phổ biến giáo dục pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực Tư pháp... góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Trong năm 2018, Phòng Tư pháp Hà Tiên đã thực hiện khá tốt công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần xoa dịu mâu thuẫn trong xã hội. Hiện, TP Hà Tiên có 28 tổ hòa giải ở cơ sở tại 28 ấp, khu phố với tổng số 218 hòa giải viên.
Năm 2018 đã hòa giải 77 đơn thư, đạt tỷ lệ 100%, trong đó hòa giải thành chiếm 74%. Đồng thời, tích cực xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, Câu lạc bộ pháp luật và các hình thức PBGDPL ở cơ sở.
Hiện nay, toàn TP tổng cộng có 52 tủ sách. Việc đặt tủ sách pháp luật tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho cán bộ và nhân dân tìm hiểu thêm về chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, anh còn quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện các văn bản pháp luật, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các phòng ban chuyên môn.
Như vậy, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò của một người cán bộ tư pháp, một người lãnh đạo luôn hết mình với công tác tư pháp, anh còn là người công dân gương mẫu, tích cực hỗ trợ cộng đồng, làm việc có ích cho xã hội.