Và rồi, anh giật mình trước một comment rất đỗi nặng nề: “Tao không ngờ mày lại là đứa như thế, quan điểm lệch lạc, coi khinh người nghèo!”. Anh giật mình nhìn lại, đó là nick một ông anh, một người bạn rất thân. Họ từng cùng khởi nghiệp với vị trí rất thấp. Sau đó cũng nỗ lực phát triển, mỗi người giờ đây đi theo một con đường khác nhau, nhưng vẫn coi nhau như anh em thân thiết, vẫn một tháng đôi lần hẹn bạn, hẹn bè ra “chén chú chén anh”.
Thế mà nay, chỉ vì anh đăng bài viết, bày tỏ quan điểm của mình về một người dân vi phạm pháp luật, anh nhận được lời bình luận nặng nề đến thế từ người anh em thân thiết của mình.
Anh cáu tiết trả lời ngay: “Đùa như thế là như nào? Em không đồng tình việc phạm luật vì bất cứ nguyên nhân nào chẳng lẽ là sai sao? Bộ người nghèo là được phạm pháp sao?”.
Chưa đầy 3 phút, chuông báo bình luận mới vang lên, anh thấy người anh thân thiết lại comment trả lời, lần này còn căng thẳng hơn cả lần trước: “Mày không có trái tim à? Mày có đọc lý do người ta phạm luật không? Mày không nghĩ nếu đặt mày vào trường hợp đó thì mày có làm như vậy hay không à? Hay bây giờ mày giàu rồi, mày mất đi lòng cảm thông với con người rồi?".
Anh giận dữ đáp trả: “Nếu tôi không có trái tim thì chắc là anh có não? Hễ nghèo, khổ, bị đối xử bất công thì được phép vi phạm pháp luật à? Anh đừng so sánh tôi như thế, bởi nếu là tôi, tôi cũng chẳng bao giờ làm vậy. Chỉ có người bộp chộp nóng nảy không phân phải trái như anh mới có hành xử đó mà thôi”.
Ngưng một lát, bên kia đáp lại: “Với suy nghĩ như thế này, tao tin lính mày chẳng sung sướng gì khi làm việc với mày, mày chắc bóc lột bọn nó nên trò. Đứng trên cao đúng là thích phán như thánh. Giàu mà đánh mất tình thương con người thì cũng như không!”.
Cuộc cãi nhau còn kéo dài hàng chục câu chửi bới qua lại, mà câu sau thô lỗ, giận dữ hơn câu trước. Cho đến lúc anh mệt nhoài vì tức giận, tay chân run rẩy, anh tắt máy đi nằm.
Sáng hôm sau, anh lên mạng, đập vào mắt anh là bài post mới trên trang cá nhân của người anh thân thiết ấy, với nội dung ắt hẳn nhắm vào anh: “Xưa anh em đồng cam cộng khổ, cứ tưởng nó là anh em cả đời. Ngờ đâu giờ nó giàu, mở công ty, nó coi khinh người nghèo khổ, nói chuyện láo lếu, bạc bẽo. Thôi tao đành tạm biệt một thằng em, từ nay đường ai nấy đi”.
Cơn nóng giận trong anh lại bùng dậy. Anh viết ngay không cần suy nghĩ: “Khỏi tạm biệt, để tôi tiễn anh trước nhé, đồ đạo đức giả!”. Xong, anh chặn nick ông anh. Thế là một mối quan hệ gắn bó 15 năm chính thức kết thúc.
Ngày tháng trôi, có lẽ sự bận rộn cuốn đi khiến anh chỉ giữ sự tức giận và bận tâm khoảng một tuần, rồi thôi. “Đời còn bao chuyện để làm, bao bạn để vui”, thi thoảng, nhớ đến mối quan hệ đã đánh mất, anh tự nhủ như vậy. Cho đến một hôm, vợ anh khẽ hỏi: “Mai mình có gửi quà cho cháu Tú không anh”, anh mới giật mình. Hóa ra là ngày sinh nhật con trai của người anh nọ, đứa bé mà anh đã nhận làm cha đỡ đầu. Từng hứa sẽ thương như con cháu trong nhà.
Và anh nhớ lại, rằng người anh ngày xưa từng bao lần “đỡ đòn” cho anh khi bị sếp “đì”. Sau này, bươn ra làm ăn, những đồng vốn đầu tiên cũng có phần từ tiền mượn của người anh. Nhớ những lúc buồn bực, áp lực, rủ người anh đi nhậu, tâm sự chút là thấy lòng nhẹ nhàng ngay. Rồi những chuyến hai gia đình rủ nhau đi chơi chung, đi ăn, cùng nấu nướng... Anh chợt nhìn rõ lòng mình, hoá ra, người anh ấy không phải như bao mối quan hệ khác, được thì đến không được thì đi, mà còn là bạn thân, tri kỉ, đời người đâu dễ gặp?
Thế mà, anh và người anh ấy đã tự tay xô đổ tình nghĩa bao năm, với một cuộc đấu khẩu giản đơn. Phải, là đấu khẩu chứ không phải tranh luận. Ở cuộc đấu khẩu ấy, họ, những người trưởng thành, có học thức đã không bình tĩnh đưa ra ý kiến cá nhân để tranh luận cho sáng tỏ vấn đề mà ra sức giành phần thắng về mình. Họ đã để cho cái tôi và cơn nóng giận áp chế tất cả.
Họ, thay vì phân tích cho rõ vấn đề, lại đi “bỏ bóng đá người”, quay sang công kích cá nhân, lôi nghề nghiệp, tính cách, quá khứ đối phương ra mà thêm mắm dặm muối, hạ nhục lẫn nhau. Trong khi, gắn bó với nhau gần 15 năm, họ thừa hiểu được bản tính đối phương là như thế nào, nhưng trong lúc bốc đồng, vẫn ném vào nhau những lời cay độc, sai sự thật.
Họ, một đôi bạn thân đồng cam cộng khổ, đã vì những lời nói quá khích trên mạng xã hội mà đánh mất tình bạn, làm trò cười cho thiên hạ.
Nhưng nói cho cùng, khởi điểm câu chuyện chỉ là “chuyện của người ta”, cả hai người đều đâu thực sự biết bên trong như thế nào?
Anh thấy lòng mình chùng xuống, nghe ân hận, mất mát tràn về. Lời đã nói ra như tên bật khỏi cung, người này đã làm tổn thương người kia nặng nề quá. Tình bạn ấy như viên đá đã bị ném vỡ, biết làm sao cho lành lặn lại?