Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI quyết định Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 với nhiều nội dung quan trọng. Bản Dự thảo Chiến lược là kết quả của trí tuệ của Đảng, của nhân dân ta. Với khuôn khổ bài báo, tôi xin góp ý quan điểm “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược”.
Đây là quan điểm thứ nhất trong 5 quan điểm phát triển của Đảng. Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa với điểm xuất phát thấp, so với các nước, chúng ta bị tụt hậu khá xa trên nhiều mặt. Do vậy, phát triển nhanh là để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CNXH, đồng thời rút ngắn sự tụt hậu, đưa nước ta tiến kịp với các nước. Nhưng ở nước ta hiện nay kinh tế vĩ mô còn mất cân đối, kỹ thuật công nghệ lạc hậu, trình độ tổ chức quản lý yếu kém, chất lượng nhân lực thấp, sản xuất theo chiều rộng, chạy theo số lượng, chưa chú ý đến chất lượng… Nếu phát triển nhanh thì sẽ khó đi đôi với bền vững, ngược lại sẽ làm cho tài nguyên cạn kiệt, tàn phá môi trường. Vì vậy, chỉ cần phát triển bền vững, có hiệu quả là đủ. Với quan điểm này, tôi xin đề xuất ba vấn đề sau đây:
- Thay đổi tư duy phát triển
Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu không thể không làm, không được chậm trễ. Bài học về đổi mới tư duy của Đảng ta từ Đại hội VI, trước hết là tư duy kinh tế đã đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, ổn định và phát triển. Trong điều kiện ngày nay, chúng ta phải thay đổi tư duy xơ cứng theo kiểu cơ cấu, tư duy nhiệm kỳ theo sự năng động, linh hoạt, mềm dẻo của cơ chế thị trường; thay đổi chiến lược tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; thay đổi tư duy chạy theo số lượng bằng tư duy chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Trong việc khai thác, sử dụng các nguồn lực phải xóa bỏ bệnh thành tích, chạy theo số lượng bằng việc lựa chọn khai thác lợi thế so sánh; thay vì hằng năm báo cáo thành tích đã xuất khẩu bao nhiêu triệu tấn than, tấn dầu thì hãy tìm cách để làm giảm bớt sự tổn thất, tiêu hao tài nguyên trong quá trình khai thác, sử dụng. Thay cho cung cách làm ăn riêng lẻ, tự phát, cục bộ địa phương bằng sự liên kết hợp tác, phân công để khai thác lợi thế của nhau, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả.
- Chuyển chiến lược tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu
Tăng trưởng theo chiều rộng là việc gia tăng sản phẩm đầu ra tỷ lệ thuận với gia tăng các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên. Tăng trưởng theo chiều rộng thì sản phẩm có tăng nhưng hiệu quả thấp, làm mất cân đối trong nền kinh tế, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, tàn phá môi trường. Ở nước ta, để có tốc độ tăng trưởng 7 - 8% GDP phải có tỷ lệ vốn đầu tư trên 40% GDP, đây là mức đầu tư khá lớn. Để tăng sản lượng than từ 30 lên 40 triệu tấn/năm phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị, tăng thêm nguồn năng lượng, gỗ chống lò. Tăng thêm điện thì sẽ bị thiếu hụt ở các đơn vị khác, tăng thêm gỗ chống lò phải khai thác rừng… Do vậy, phát triển theo chiều rộng thì hiệu quả thấp mà không bền vững.
Tăng trưởng theo chiều sâu là việc gia tăng sản phẩm hàng hóa dịch vụ nhưng không tăng thêm các yếu tố vật chất đầu vào, hoặc có nhưng tăng ít do sử dụng công nghệ và hàm lượng chất xám trong sản xuất; hoặc giảm mức tiêu hao năng lượng, nguyên liệu trên một đơn vị sản phẩm để tăng năng suất lao động nhờ áp dụng công nghệ hiện đại. Ở Việt Nam, tăng 1% GDP phải tiêu tốn thêm 2% năng lượng. Trong khi đó EU trong 10 năm, GDP tăng 50% nhưng tiêu hao năng lượng không tăng (1).
Thay đổi chiến lược tăng trưởng là vấn đề khó khăn, lâu dài cần chuẩn bị các điều kiện đồng bộ như nâng cao nhận thức, phát huy năng lực nội sinh, nhất là khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vô hình, xây dựng kết cấu hạ tầng cứng và mềm, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các lĩnh vực ưu tiên, tập trung đầu tư cho giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, nâng cao tiềm lực khoa học-công nghệ và ứng dựng thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến; lựa chọn các ngành mũi nhọn đầu tư có trọng tâm trọng điểm, thực hiện chính sách khấu hao nhanh để đổi mới công nghệ, tránh hao mòn vô hình, tăng giá trị gia tăng…
- Có kế hoạch khai thác, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả
Đối với các nguồn lực nước ngoài, cần thu hút vốn, công nghệ cao và trình độ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước. Hiện nay, cả nước có hơn 4.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng công nghệ trung bình và lạc hậu khoảng 70%. Từ nay về sau, cần phải biết từ chối những dự án công nghệ trung bình, lạc hậu, chọn công nghệ cao, công nghệ nguồn trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với các nguồn lực trong nước, có kế hoạch đầu tư phát triển gắn với việc khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả. Đầu tư cho việc bảo vệ, tái tạo, phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đầu tư phát triển nguồn nhân lực và khoa học-công nghệ. Phải thật sự coi giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu để tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong việc khai thác, sử dụng các nguồn lực, cần có chính sách, biện pháp để khai thác nguồn vốn vô hình và tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cần có kế hoạch giữ gìn, bảo vệ, nhất là những loại tài nguyên có tầm chiến lược. Hạn chế khai thác, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước ta hiện nay sẽ có những lợi thế sau đây:
Thứ nhất, ta có trong tay nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng có thể tạo ra nhiều sản phẩm mà các nước đang khan hiếm hoặc đã cạn kiệt. Trong thế kỷ XX, loài người đã từng chứng kiến những thời kỳ khủng hoảng năng lượng, nguyên liệu như dầu mỏ, khí đốt, than đá và khủng hoảng lương thực. Do đó nếu giữ gìn, bảo vệ được các nguồn tài nguyên thiên nhiên thì đây là lợi thế của chúng ta.
Thứ hai, giữ được tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thay vì phải nhập khẩu. Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2013, Việt Nam phải nhập khẩu than đá mới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước nhưng hiện tại, mỗi năm lại xuất khẩu 20 triệu tấn than. Dầu mỏ, khí đốt, than đá, quặng kim loại là tài nguyên hữu hạn nên cần phải được giữ gìn, bảo vệ và sử dụng hợp lý. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất đai ở nước ta bị thoái hóa, bạc màu, bị ô nhiễm, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp.
Quỹ đất nông nghiệp cả nước có 9,3 triệu ha, trong đó đất lúa 4,1 triệu ha. Từ 2001-2007 đã giảm đi 500.000 ha đất nông nghiệp, riêng đất trồng lúa giảm 50.000 ha/năm (2). Đất nông nghiệp bị thu hẹp đe dọa đến an ninh lương thực và nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, tác động xấu đến lao động, việc làm và an sinh xã hội, chứa đựng những mầm mống gây bất ổn về chính trị, xã hội. Vì vậy, giữ gìn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở nước ta có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội.
Thứ ba, chuyển sang các nguồn lực khác, hạn chế việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ giữ cho Việt Nam khỏi rơi vào “Bẫy thu nhập trung bình” như một số nước. Thông thường, các nước nghèo tiến hành công nghiệp hóa, giai đoạn đầu dựa chủ yếu vào nguồn lực trong nước, nhất là các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhưng nếu không dịch chuyển nguồn lực, vẫn tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên thì phát triển chậm chạp, khó khăn, sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bởi vì các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng đã bị giới hạn.
Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.063 USD, vượt ngưỡng nhóm nước thu nhập thấp, nhưng nếu không dịch chuyển nguồn lực và thay đổi chiến lược phát triển sẽ khó tránh khỏi rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế chỉ là con số ảo nếu chỉ dựa chủ yếu vào việc khai thác, bóc lột quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
PGS.TS Phạm Thanh Khiết
(1) Nguồn: Báo Nhân Dân, ngày 11-12-2007, trang 1, 7.
(2) Nguồn: Tạp chí Cộng sản, số 790, 8-2008, trang 62.