Nghĩa vụ thi hành án cấp dưỡng thường được xác định theo kỳ, mức độ cấp dưỡng thì tùy theo thỏa thuận hoặc theo cách xác định của Tòa án trong từng trường hợp cụ thể dựa trên những nguyên tắc đã được pháp luật quy định. Số tiền cấp dưỡng thường có giá trị không lớn, khoảng vài trăm nghìn trên 1 tháng. Tuy nhiên mức cấp dưỡng có giá trị nhỏ cũng là một hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành.
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS thì việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, hoặc không có thu nhập thì việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án thường gặp nhiều khó khăn do khoản phải thi hành án quá nhỏ so với giá trị tài sản.
Theo khoản 6 Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS: đối với bản án, quyết định về cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng thì Thủ trưởng Cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án đối với những nghĩa vụ đã đến hạn hoặc sẽ đến hạn trong năm thi hành án. Quá trình thi hành án, người phải thi hành án chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ đã đến hạn trừ trường hợp người có nghĩa vụ tự nguyện thi hành cả nghĩa vụ chưa đến hạn.
Khi có bản án, quyết định của Tòa án chấp nhận yêu cầu của đương sự về thay đổi mức cấp dưỡng, người cấp dưỡng mà vụ việc đang được Cơ quan THADS tổ chức thi hành thì Thủ trưởng Cơ quan THADS ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án đã ban hành và ra quyết định thi hành án theo bản án, quyết định mới.
Theo đó, với nghĩa vụ cấp dưỡng, cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với các kỳ cấp dưỡng đã đến hạn hoặc sẽ đến hạn trong năm thi hành án. Còn khi các đương sự có thỏa thuận cụ thể về việc tự nguyện thi hành án cho cả những kỳ hạn sau, thì cơ quan THADS sẽ chấp nhận yêu cầu và ra quyết định thi hành toàn bộ nghĩa vụ cấp dưỡng.
Với việc ủy thác nghĩa vụ cấp dưỡng, Mục 3.2 Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 ngày 30/3/2017 của Tổng cục THADS đã hướng dẫn: Trường hợp bản án, quyết định tuyên thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo các định kỳ, thời hạn khác nhau, theo đó, một số nghĩa vụ đến hạn đã được ra quyết định thi hành án, tiến hành ủy thác đến cơ quan THADS nơi khác, cơ quan THADS nơi nhận ủy thác đã tổ chức thi hành xong hoặc đã ra quyết định đình chỉ thi hành án.
Tuy nhiên, việc ủy thác nghĩa vụ cấp dưỡng hiện nay đều thực hiện theo từng kỳ hạn (Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC). Việc ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án được tiếp tục thực hiện tại cơ quan THADS có thẩm quyền ban đầu theo quy định tại Điều 35 Luật THADS. Theo đó người được thi hành án phải trở lại cơ quan thi hành án có thẩm quyền ban đầu để làm đơn yêu cầu thi hành án với những kỳ hạn mới. Trong khi đó cơ quan thi hành án ban đầu sau khi ra quyết định thi hành án, lại phải tiếp tục ủy thác đến nơi có tài sản hoặc có điều kiện thi hành dẫn đến việc tổ chức thi hành án bị kéo dài.
Do đó, đề xuất bổ sung quy định: Đối với việc thi hành án cấp dưỡng và các việc thi hành án theo định kỳ mà cơ quan thi hành án nhận ủy thác vẫn đang tổ chức thi hành vụ việc, thì cơ quan thi hành án hướng dẫn đương sự làm đơn yêu cầu thi hành án tại chính cơ quan đó để tiếp tục ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành đối với những kỳ hạn tiếp theo theo yêu cầu của người được thi hành án. Hoặc có thể quy định: Đối với các nghĩa vụ thi hành án theo định kỳ, việc ủy thác thi hành án sẽ được thực hiện với toàn bộ nghĩa vụ theo bản án, quyết định. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi yêu cầu thi hành án và rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án đối với các vụ việc này.