Quyền của người tiêu dùng (NTD) được quy định khá cụ thể trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng hơn một năm nay, nhưng nhiều NTD vẫn chưa nhận thức đầy đủ, chính vì vậy, vẫn luôn chịu phần thua thiệt…
Theo báo cáo của Hội bảo vệ NTD TP. Hồ Chí Minh tại hội nghị “Một năm thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng” diễn ra hôm 29/11, thì sau hơn một năm luật có hiệu lực, hầu hết NTD chưa biết hết 8 quyền của mình trong việc tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa dịch vụ, cũng như chưa hiểu được nghĩa vụ của mình trong việc tự bảo vệ quyền lợi của chính mình và lợi ích của cộng đồng.
Không chỉ NTD, mà ngay cả nhiều doanh nghiệp khi được mời lên tham gia hòa giải vì có sản phẩm bị NTD khiếu nại cũng một mực cho rằng họ hoàn toàn không biết có luật này. Thậm chí đã có doanh nghiệp còn kiện ngược lại NTD vì cho rằng NTD đã làm mất uy tín của DN, dù thực tế sản phẩm của họ không đảm bảo chất lượng theo quy định.
Hơn một năm qua, Văn phòng giải quyết khiếu nại thuộc Hội Bảo vệ NTD thành phố đã tiếp nhận hơn 100 vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, nhóm dịch vụ có sự gia tăng về số vụ khiếu nại, đặc biệt là trong bảo hiểm. Có những sản phẩm thương hiệu lớn, được coi là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” trên thị trường Việt Nam cũng bị NTD khiếu nại nhưng không chịu giải quyết, gây nên sự bức xúc trong nhân dân.
Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu- Trưởng Văn phòng giải quyết khiếu nại NTD thành phố thì nguyên nhân dẫn đến khiếu nại xuất phát từ cả hai phía. Về phía NTD, nhiều khi không đọc thông tin hướng dẫn nên khi sử dụng đã gây nên một số sự cố cho sản phẩm, hoặc không kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, thậm chí không coi lại khi đưa vào sử dụng như xi măng, gạch lót nền… Đặc biệt, không loại trừ trường hợp do thiếu hiểu biết hoặc vì lòng tham nên đã lợi dụng luật này để đưa ra những điều kiện khó chấp nhận.
Luật gia Phan Thị Việt Thu - Trưởng Văn phòng giải quyết khiếu nại NTD TP.Hồ Chí Minh |
Về phía doanh nghiệp thì thường không cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng. Tiêu biểu như trường hợp của chị Phạm Ngọc Anh ở quận Tân Bình. Khi đến một showroom của Công ty gạch Đồng Tâm để mua gạch lót vì nghĩ đây là thương hiệu có uy tín, được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Tuy nhiên tại đây chỉ trưng bày hàng mẫu.
Vì tin tưởng nên chị đã chọn mua, đến khi lót thì xong mới thấy sự khác nhau giữa gạch bán cho chị với gạch mẫu. “Xây được căn nhà đâu có phải dễ. Vậy mà khi lót xong thấy vừa xấu vừa dơ nên tôi đã khiếu nại đòi bồi thường. Công ty nói đây là một kiểu mô phỏng theo phong cách châu Âu? Sau đó họ hứa sẽ hỗ trợ 10%, nhưng họ lại đưa ra điều kiện là… hãy tháo hết số gạch đó đưa đến cho họ???”.
Bắt buộc mua bảo hiểm sản phẩm với một số ngành hàng ?
Một số vi phạm phổ biến khác đến từ doanh nghiệp, như không cung cấp chứng từ, hóa đơn khi bán hàng, phổ biến nhất là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Hay như trong việc thẩm định chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để NTD có cơ sở đòi bồi thường khi xảy ra sự cố thật không hề dễ dàng. Ví dụ như với xe máy, khi người mua phát hiện ra tiếng kêu bất thường thì nhân viên kỹ thuật nói rằng đó là bình thường. Trong lĩnh vực giải khát, sữa, internet… cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Đáng chú ý, hiện nay các ngành hàng vốn kinh doanh chủ yếu dựa vào uy tín, như vàng bạc, đá quý cũng gây bức xúc trong dư luận. Các cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng bạc, đá quý bán sản phẩm cho NTD với giá cao nhưng khi người NTD bán lại cho chính họ thì giá lại rớt xuống thê thảm với hàng nghìn lý do “trời ơi”. Tình trạng này thực sự là “bắt chẹt” khách hàng như như một tựa đề Báo Pháp luật Việt Nam đã đề cập riêng.
Luật đã có nhưng để đi vào thực tế không hề đơn giản. Muốn được giải quyết triệt để thì NTD chỉ còn cách đâm đơn ra tòa. Tuy nhiên việc này khó như… lên trời, bởi lẽ hầu hết người dân e ngại tới kiện cáo, tốn kém thời gian, tiền bạc để đeo đuổi vụ kiện. Hơn nữa khi nộp đơn kiện, NTD còn phải đóng án phí. Đó là chưa kể bao nhiêu rắc rối, phiền hà, khó dễ từ người có trách nhiệm. Cuối cùng NTD đành ngậm đắng nuốt cay, chịu thiệt thòi rồi bỏ qua trong sự uất ức.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh thì Luật Bảo vệ người tiêu dùng được xem là bước ngoặt quan trọng để bảo vệ quyền lợi NTD trong bối cảnh thiết chế thị trường chưa hoàn thiện, tính minh bạch chưa được đảm bảo. Nhưng luật có hiệu lực hơn một năm, song thực trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn tồn tại và ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng hàng nhái, hàng giả cũng đang là vấn đề nóng… Cho đến nay, NTD vẫn không rõ nên gửi đến cơ quan nào khi muốn khiếu nại, tố cáo. Chế tài xử phạt trong vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn quá nhẹ chưa dủ sức răn đe.
Nhằm bảo vệ quyền lợi NTD được tốt hơn, theo Luật sư Hậu thì cần tạo tính minh bạch cho các quy phạm pháp luật về bảo vệ NTD. Nên bắt buộc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, vật nuôi, cây trồng phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho sản phẩm. Nâng cao mức xử phạt các hành vi khi vi phạm quyền lợi NTD. Ngoài ra cần hoàn thiện các công cụ hỗ trợ NTD, tăng cường phát triển các Hội bảo vệ NTD, hình thành các quỹ bảo vệ NTD…
Ngọc Quý