Bó máy trên ô tô còn được gọi là bó piston hay lup-pe. Đây là hiện tượng piston di chuyển khó khăn hoặc bị kẹt cứng trong xylanh do động cơ bị quá nhiệt. Kết quả khiến piston làm bằng kim loại bị giãn nở, gây kẹt dẫn tới động cơ không hoạt động hoặc hoạt động khó khăn.
Tình trạng bó máy thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng như kẹt xy-lanh, cong tay biên (dên), có thể bị gãy biên dẫn đến hỏng động cơ và nhiều bộ phận liên quan,… rất mất thời gian khắc phục và tốn tiền bạc.
Dưới đây là những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này:
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng bó máy là quên kiểm tra và thay dầu nhớt. Ô tô bị thiếu dầu hoặc đã quá lâu không được thay dầu sẽ gặp vấn đề này.
Các hãng sản xuất luôn khuyến cáo thay dầu nhớt ở mốc 5.000 km đầu tiên và sau đó là mỗi 5.000 km/lần. Ngay cả khi ô tô ít đi, vẫn nên thay dầu theo định kỳ vì dầu nhớt để lâu cũng sẽ biến chất và đóng cặn. Tuy nhiên, nhiều người thường quên hoặc “lười” thay nhớt, có những người sử dụng ô tô 2-3 năm mà không thay dầu.
Để đề phòng, chủ xe nên thay dầu nhớt theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thường xuyên kiểm tra xem có rò rỉ dầu hay không và kiểm tra mực dầu cũng như chất lượng dầu máy.
Không kiểm tra nước làm mát cũng là một sai lầm dẫn đến việc xe bị bó máy.
Nước làm mát có vai trò rất quan trọng với động cơ. Nếu lượng nước bị hao hụt, động cơ sẽ không được làm mát hiệu quả, nhiệt độ tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ piston giãn nở và gây bó máy.
Để tránh tình trạng này, trong quá trình sử dụng, đặc biệt là dưới thời tiết nắng nóng hay khi lái xe quãng đường dài, tài xế nên thường xuyên kiểm tra mực nước làm mát để đảm bảo hiệu suất vận hành của động cơ, đặc biệt là piston.
Chủ xe cũng nên sử dụng những loại nước làm mát chuyên dụng, tránh dùng nước lọc.
Chỉ cần chú ý và tuân thủ các khuyến cáo về bảo dưỡng, chủ xe có thể tránh được những sai lầm tai hại này và giữ cho xe ô tô luôn vận hành ổn định.