Sự tăng tốc quá trình đô thị hóa trong thời gian gần đây đã có tác động nhiều chiều đến văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam, nhất là ở các đô thị lớn. Tuy vẫn còn mang nặng tính chất quá độ từ nông thôn sang đô thị, nhưng văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam ngày nay đang biến đổi nhanh hơn theo hướng hiện đại.
Các điều kiện sống của cư dân đô thị, nhất là thu nhập, mức sống vật chất được cải thiện rất nhiều so với trước đây khiến cho chất lượng cuộc sống của họ cao hơn đáng kể so với các vùng nông thôn. Cư dân đô thị ngày càng sử dụng nhiều hơn các loại dịch vụ với chất lượng không ngừng được nâng cao,… Cơ cấu tiêu dùng của họ rất đa dạng và biến đổi nhanh hơn theo hướng chi tiêu nhiều hơn cho các nhu cầu văn hóa-xã hội như giáo dục, y tế, giải trí… Tuy vậy, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang đối đầu với nhiều vấn đề khá nan giải mà nếu không được lưu tâm giải quyết các vấn đề sau:
Vấn đề thứ nhất là phần lớn đô thị Việt Nam hiện nay vẫn có kết cấu hạ tầng yếu kém, chắp vá, xuống cấp,… chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một đô thị văn minh, hiện đại cũng như đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội đô thị hiện nay.
Vấn đề thứ hai là công tác quản lý đô thị ở Việt Nam vẫn rất yếu kém trong điều kiện ý thức tuân thủ pháp luật và văn hóa pháp luật của người dân đô thị Việt Nam còn ở trình độ rất thấp.
Đô thị là một xã hội phức tạp, đa tầng cấp, đa văn hóa, đa nghề nghiệp, đông dân cư, nếu không được quy hoạch và quản lý tốt thì các vấn nạn như ô nhiễm môi trường sinh thái, hỗn loạn môi trường nhân văn, kết cấu hạ tầng xuống cấp và quá tải, nạn kẹt xe, nạn nhân mãn, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự không bảo đảm,… sẽ bùng phát nhanh, mạnh hơn nông thôn và do đó chất lượng sống đô thị sẽ không đồng hành cùng đô thị hóa. Văn hóa và lối sống đô thị văn minh, tiến bộ chỉ có được nếu như quá trình đô thị hóa được lập kế hoạch đúng theo một chiến lược phát triển đô thị tối ưu và tất nhiên phải được quản lý tốt.
Để xây dựng văn hóa và lối sống đô thị văn minh, tiến bộ, các chủ thể quản lý xã hội cần hết sức chủ động sáng tạo. Bởi vì một hệ thống chính sách dù chi tiết đến mấy không phải bao giờ cũng đáp ứng đầy đủ và sát hợp với những yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đổi thay hằng ngày, hằng giờ. Vì vậy, phát huy sự sáng tạo của các chủ thể lãnh đạo, quản lý cũng như của nhân dân luôn là điều cốt lõi để thực hiện thành công các chủ trương, chính sách.
Văn hóa và lối sống đô thị văn minh, tiến bộ không thể xây dựng trong một xã hội kinh tế kém phát triển, mức sống vật chất của người dân thấp kém, kết cấu hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân. Cho nên, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, vừa tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, không ngừng nâng cao thu nhập, mức sống của người dân, vừa thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt của người dân đô thị… phải được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện chiến lược đô thị hóa hiện nay.
Trong phát triển kinh tế-xã hội đô thị, cần tiếp tục chú trọng đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, nhưng chú ý phát triển một cách đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng “cứng” và kết cấu hạ tầng “mềm”, cũng như phát triển một cách hợp lý các ngành kinh tế khác theo thế mạnh của từng đô thị. Quá trình phát triển này phải được đặt trong tầm nhìn chiến lược, gắn với một quy hoạch đô thị khoa học, hoàn chỉnh, theo các tiêu chí phát triển bền vững. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển đô thị bền vững và tránh được những vấn nạn mà các đô thị lớn ở Việt Nam cũng như các “siêu đô thị” ở thế giới thứ ba đã gặp phải. (1)
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng cần tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý Nhà nước trong các đô thị. Gấp rút hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị để áp dụng rộng rãi vào thực tế nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý đô thị, nhất là các đô thị lớn trực thuộc Trung ương. Cùng với việc này, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đô thị, liên quan đến đô thị và nâng cao hiệu lực hoạt động quản lý Nhà nước trong các đô thị, có các chính sách cụ thể điều chỉnh ngay các vấn đề như di cư tự do vào đô thị, quản lý nhân khẩu đô thị, đô thị hóa tự phát, ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự đô thị, phát triển các dịch vụ công, v.v…
Trong xây dựng văn hóa, lối sống đô thị cần chú trọng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, nâng cao văn hóa pháp luật cho người dân, trong đó phát huy vai trò của hệ thống giáo dục-đào tạo vốn là thế mạnh của các đô thị. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở và phát huy tinh thần tự quản của người dân tại các địa bàn dân cư.
Trong công cuộc xây dựng văn hóa, lối sống đô thị, các lực lượng xã hội như Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò hết sức quan trọng. Nếu phát huy tốt vai trò của các lực lượng này sẽ tạo ra được sự đoàn kết và đồng thuận xã hội cao-một tiền đề quan trọng để sự nghiệp xây dựng văn hóa, lối sống đô thị thành công.
Xây dựng văn hóa, lối sống đô thị văn minh, tiến bộ là một lĩnh vực hết sức rộng lớn, là một nhiệm vụ đầy khó khăn, gian khổ nên các cấp ủy Đảng cần phải phát huy vai trò lãnh đạo của mình đối với sự nghiệp này, phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Xây dựng lối sống đô thị văn minh, tiến bộ không phải là một công việc nhất thời mà là công việc phải làm thường xuyên, liên tục, lâu dài từ giai đoạn này đến giai đoạn khác với những bước đi và cách làm phù hợp theo từng giai đoạn và bối cảnh.
(1) Phát triển bền vững là khái niệm được áp dụng rộng rãi khi hoạch định các chính sách, kế hoạch và chiến lược phát triển hiện nay. Phát triển bền vững chính là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của xã hội hiện tại nhưng có tính đến cả các nhu cầu của các thế hệ tương lai. Như vậy, phát triển đô thị bền vững chính là kiến tạo một đô thị mà trong đó tất cả các cư dân của nó có thể thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của họ mà không làm nguy hại việc thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Nói một cách dễ hiểu phát triển đô thị bền vững tức là tạo ra một đô thị sống tốt không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai.
PGS.TS. TRƯƠNG MINH DỤC, TS. LÊ VĂN ĐỊNH
(Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 3)