Một phút tội lỗi, một đời day dứt: Bài 5: Thủ phạm vụ án mạng vì vài cọng rác xin được xử án tử hình

Nhóm PV Báo Pháp luật Việt Nam gặp phạm nhân Kha tại Trại giam Yên Hạ. Ảnh: Hồng Quân
Nhóm PV Báo Pháp luật Việt Nam gặp phạm nhân Kha tại Trại giam Yên Hạ. Ảnh: Hồng Quân
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một dịch giả nổi tiếng Việt Nam từng đúc kết ra một kinh nghiệm, đại ý có khi những sự kiện làm biến đổi cuộc đời chúng ta, lại gắn liền với những điều rất đơn giản tầm thường. Đúc kết này có vẻ đúng với Nguyễn Văn Kha (tên phạm nhân và nạn nhân trong bài đã thay đổi; SN 1966, hiện đang thụ án chung thân về tội “Giết người” tại Trại giam Yên Hạ, Bộ Công an). Chỉ vì mâu thuẫn liên quan vài cọng rác, 17 năm qua phạm nhân này day dứt.

Mâu thuẫn “bùng nổ” vì vài cọng rác

Phạm nhân Kha dáng cao, gầy, nước da ngăm đen, khuôn mặt hằn lên những nét khắc khổ, từng sống tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, có bà hàng xóm tên Lan từ lâu nay hai nhà “khó chịu” với nhau nhưng bên nào cũng làm căng, không chịu hòa giải mâu thuẫn vặt.

Hồ sơ cho thấy ngày 3/10/2007, Kha đi cắt cỏ, khoảng 10h về nhà, nghe vợ mách: “Cái Lan vứt cỏ, lá ngô ra trước cửa và gốc bí nhà mình”. Kha lên cơn nổi giận: “Con này muốn gây sự à, đã thế tao chặt ngô nhà mày”. Kha vác dao chặt 3 cây ngô vườn nhà hàng xóm. Bà Lan thấy vậy lao ra lớn tiếng mắng mỏ.

Hàng xóm ùa ra can ngăn, đẩy Kha về nhà đóng cửa lại. Nhưng bà Lan bị cho là vẫn lớn tiếng văng ra những lời tục tĩu. Cơn giận bốc lên mờ mắt, mờ lý trí, Kha đạp cửa lao ra nơi người hàng xóm đang lớn tiếng, vung dao vào vùng cổ khiến nạn nhân ngã xuống đất. Trong cơn điên cuồng, Kha tiếp tục vung thêm 4 nhát vào người nạn nhân. Tất cả xảy ra nhanh như một cơn gió, không ai kịp can ngăn. Kha buông hung khí, tự đi đến trụ sở công an.

Lời khai các nhân chứng cho thấy nguyên nhân sâu xa của vụ án là hai bên hàng xóm đã không ưa nhau, nhưng đã không hóa giải mâu thuẫn, nên sự “ức chế” giữa hai bên cứ tích tụ lớn dần. Rồi từ chuyện chỉ vài cọng rác, dẫn đến cãi chửi nhau, Kha đã được mọi người can ngăn bằng cách nhốt vào nhà khóa trái cửa lại, nhưng nạn nhân vẫn không dừng lại, tiếp tục chửi bới rất tục tĩu, là “mồi lửa” khiến cơn điên của Kha bùng lên. TAND tỉnh Điện Biên xử phạt Kha án tù chung thân.

Kể lại những tháng ngày đầu tiên sau khi gây án, Kha nói: “Ngày đó, bản án của tôi là chung thân, nhưng tôi tự nguyện xin với Hội đồng xét xử được nhận án tử hình. Bởi vì tôi quá ân hận áy náy với tội lỗi của mình”. Lẽ ra nếu suy nghĩ theo lối thông thường, Kha đã có thể thiện chí, thậm chí “xuống nước” nói chuyện với người hàng xóm để hai bên bàn cách làm lành với nhau. Nếu người hàng xóm vẫn “quá đáng”, Kha có thể nhờ đến chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể vào cuộc hòa giải.

Nhưng ở đây, cả hai đã cùng sai lầm, đã ngấm ngầm “leo thang chiến tranh” với nhau, cứ giữ suy nghĩ sai lầm “mình nhịn “nó” lần này thì rồi cả đời “nó” leo lên đầu lên cổ mình”. Những quan niệm sai lầm, lối ứng xử lệch lạc ấy đã dẫn đến kết cục bi thương bên mất mạng, bên án chung thân.

Còn một điều day dứt nữa khiến Kha tự nguyện xin nhận án tử hình, là những câu hỏi giày vò “mình là đàn ông, nhưng chỉ vì chuyện chấp vặt chuyện mấy cọng rác, lại xách dao chém phụ nữ”. Tất nhiên HĐXX không chấp thuận lời thỉnh cầu xin bị tử hình của bị cáo Kha.

Sai lầm phải trả giá bằng cả đời người

Phạm nhân Kha chia sẻ, 17 năm nay, nhiều đêm vẫn suy nghĩ về hành động mình đã gây ra, không chỉ cướp đi mạng sống của nạn nhân, không chỉ khiến mình phải chấp hành bản án chung thân, mà những người thân của nạn nhân và của Kha cũng bị ảnh hưởng.

“Tôi xấu hổ vì đã gây án, xấu hổ vì chẳng còn giúp đỡ được gì người thân nữa”, Kha nói. Vì vậy, phạm nhân này luôn nhắc người thân trong gia đình: “Hạn chế tới thăm thôi”. “Tôi không bao giờ gọi điện về rồi mong gia đình lên thăm, mà thường chỉ hỏi một câu “Gia đình nội ngoại tất cả đều ổn chứ?”. Chỉ cần nói gia đình yên ổn là tôi mới yên tâm”, mắt người đàn ông rưng rưng khi kể chuyện năm 2012 người cha qua đời mà đứa con không được nhìn mặt lần cuối, rưng rưng khi nhắc người mẹ năm nay đã 90 tuổi vẫn mòn mỏi ngóng con...

Hôm gặp chúng tôi, phạm nhân Kha đếm rành rọt đã về Trại giam Yên Hạ 14 năm 1 tháng 10 ngày. Nhớ chính xác như vậy, nghĩa là ông ta đã đếm từng ngày. Người xưa có câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (Dịch nôm na: Một ngày trong nhà giam thì dài bằng nghìn năm ở bên ngoài), có lẽ đúng với tâm trạng phạm nhân Kha. Ông ta tâm sự lấy công việc làm niềm vui, ổn định tinh thần, phân tán sự căng thẳng, cải tạo thật tốt, để còn có ngày trở về với gia đình, xã hội.

Phạm nhân Kha nhắn gửi, nếu câu chuyện được phản ánh lên báo, thì gửi giúp lời thăm hỏi: “Vợ à! Tôi ở trong này rất khỏe, tôi chúc bà ở nhà cũng phải thật khỏe mạnh. Các con à! Bố ở trong này vẫn thế, các con phải giữ sức khỏe, cố gắng công tác tốt nhé”.

Phạm nhân Kha tâm sự, từ một khoảnh khắc sai lầm cuộc đời mình, mới rút ra được bài học đau đớn. Đó là hãy nhẫn nhịn, hòa giải, hòa đồng; đừng vì những chuyện vặt vãnh ti tiện như vài cọng rác, như va quệt trên đường, như chấp vặt một vài lời nói, như một ánh nhìn không hài lòng hay “thái độ coi thường”… mà xảy ra mâu thuẫn đến trầm trọng, rồi trả giá bằng cả đời người. Tiếng chuông thông báo của trại giam vừa reo, cũng là lúc kết thúc cuộc trò chuyện, người đàn ông đôi tay run run vì xúc động, theo các cán bộ trở về buồng giam, vẫn ngoái đầu lại mong gửi lời thăm hỏi của mình đến người thân, mong bài học sau sai lầm của đời mình sẽ được sẻ chia.

Đọc thêm

Nhà hát Đại Dương JBY bị phạt 50 triệu đồng

hình ảnh phản cảm cắt từ clip
(PLVN) - UBND TP Hạ Long vừa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng với Công ty TNHH Nhà hát Đại Dương JBY (Cty Đại Dương) có trụ sở tại Tổ 6, khu 2, phường Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tiền tỷ ngân sách dùng vào… trả nợ tiếp khách

Công an làm việc với một đối tượng trong vụ án. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - “Rút ruột” công trình, quyết toán khống, “vẽ” dự án... là cách 17 cán bộ ở huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) lấy 3,4 tỷ đồng ngân sách để trả nợ quán nhậu, làm chi phí chúc Tết, thăm viếng.