Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, 50% người Việt Nam tại các vùng khác nhau có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em, học sinh. Tỷ lệ trẻ em nhiễm giun ở khu vực phía Nam là 10 - 50%, trong khi ở miền Bắc - vùng thói quen canh tác còn sử dụng phân tươi bón ruộng đất khá phổ biến - thì có nơi đến hơn 80% trẻ nhiễm giun sán.
"Ước tính hằng năm người dân mất 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun. Nhiễm giun gây nên những bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Các triệu chứng, các biểu hiện không rầm rộ như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính nên dễ bị lãng quên, chưa được quan tâm", tiến sĩ Dương nhấn mạnh.
Đối với một quốc gia đang phát triển và nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa như dịch tả, dịch tiêu chảy cấp, các bệnh ký sinh trùng đường ruột là khá cao. Đặc biệt nhu cầu trong bữa ăn của người Việt thường tiêu thụ nhiều chất xơ có trong rau, củ quả là rất lớn. Nếu các loại rau quả này không đảm bảo vệ sinh, không loại trừ được các mầm bệnh sẽ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khả năng nhiễm các bệnh về giun tại cộng đồng.
Các bệnh liên quan đến giun ký sinh gây nên nhiều tác hại khác nhau như thiếu máu, thiếu các vi chất, suy dinh dưỡng, gây bệnh ở gan mật, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần cho người bệnh đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ có thai. Nghiêm trọng hơn là các triệu chứng, biến chứng do các bệnh giun đường ruột, các bệnh sán lá gan, sán lá phổi, bệnh ấu trùng sán lợn gây lên như viêm đường mật, viêm tụy cấp, tắc ruột, tổn thương gan, xơ gan, tổn thương hệ thần kinh… Với những người có sức đề kháng cơ thể yếu thì bệnh lý ngày càng xấu và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Nhằm giúp người dân sẽ có đủ kiến thức chủ động tẩy giun ít nhất 6 tháng một lần cho chính bản thân và cả gia đình bằng các thuốc tẩy giun, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương đã bắt đầu chương trình “Tẩy giun cộng đồng 6116”. Để người dân dễ dàng ghi nhớ lịch tẩy giun định kỳ, chương trình đề xuất 2 ngày tẩy giun trong năm là ngày 6/1 và ngày 1/6.
Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm... Do đó việc tẩy giun không nên tẩy đơn lẻ cho mỗi cá nhân mà phải tẩy giun cho cả gia đình vì khả năng tái nhiễm trứng giun từ môi trường, cộng đồng là rất cao. Đối với trẻ trên một tuổi, các phụ huynh có thể tẩy giun cho bé bằng những loại thuốc có mùi vị thơm để khuyến khích sự hợp tác của bé.
Ở những khu vực nằm trong vùng dịch tễ bệnh, vùng có tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm cao giun cao, nhiễm phối hợp nhiều các loại giun đường ruột, vùng nhiễm giun móc nhiều, có thể 4 tháng tẩy giun một lần theo khuyến cáo của WHO. Ngoài ra, cần kết hợp những biện pháp chống giun thông thường như giữ gìn vệ sinh môi trường sống, chỉ ăn uống những loại thực phẩm đã được nấu chín, rửa rau dưới vòi nước sạch, không đi chân đất…