Quyền sử dụng đất nông nghiệp là tài sản của cả hộ gia đình. Tuy nhiên, trong nhiều vụ án, các thành viên khác trong hộ gia đình lại bị bỏ “quên" trong quá trình xét xử, thi hành án.
Sổ đỏ là tài sản chung của hộ gia đình, do chủ hộ đứng tên |
Chuyện xảy ra vào năm 2009, ông Nguyễn Văn Hủ (ngụ ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) ký hợp đồng vay 1 tỷ 430 triệu đồng của chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất (tạm gọi tài sản chung), do UBND thị xã Cao Lãnh (nay là TP. Cao Lãnh) cấp cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hủ (diện tích 10.472m2). Ngoài ra, trong hợp đồng tín dụng này, ông Hủ còn thế chấp hai quyền sử dụng đất và một căn nhà khác cho Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam. Do không trả được khoản vay nên đầu năm 2010, Ngân hàng Công thương Việt Nam khởi kiện ông Hủ và bà Chen ra tòa. Kế đó, TAND TP. Cao Lãnh giải quyết bằng Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự. Theo đó, ông Hủ, bà Chen đồng ý trả nợ cho ngân hàng. Nhưng đến hạn, ông Hủ không trả được nợ nên cơ quan thi hành án dân sự TP. Cao Lãnh ra quyết định cưỡng chế thi hành để phát mãi tài sản thu hồi nợ cho ngân hàng. Thay vì chỉ bán đấu giá phần quyền sử dụng đất của hai thành viên trong hộ ông Hủ (là ông Hủ, bà Chen) trong số phần tài sản chung của cả hộ theo qui định tại Điều 74 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008, thì Chi cục này đã bán toàn bộ 10.472m2 đất đã cấp cho cả hộ gia đình.
Theo quy định trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, cơ quan thi hành án phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung; Nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.
Ngoài ra, Theo Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010, nhằm hạn chế khiếu nại, tố cáo và đảm bảo việc bán tài sản chung công khai, đúng pháp luật, cơ quan thi hành án cần căn cứ vào Điều 233 Bộ luật Dân sự “yêu cầu người phải thi hành án, người được thi hành án thống nhất giá bán tài sản chung và các điều kiện khác về bán tài sản để thông báo cho người có có tài sản chung với người phải thi hành án thực hiện quyền ưu tiên mua tài sản trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản; kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện. Chưa hết, các quyết định thi hành án, cưỡng chế, đấu giá, các thông báo… cũng không được cơ quan này đề cập đến hai thành viên khác trong hộ là anh Nguyễn Thanh Liêm và chị Nguyễn Thị Bích Liễu (là con trai và con gái ruột của ông Hủ, bà Chen). Trong khi tại quyết định số 90/2010/QĐST-DS, TAND TP. Cao Lãnh cũng đã xác định, anh Liêm và chị Liễu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Ông Nguyễn Phú Thiện - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Đồng Tháp cho biết, trường hợp anh Nguyễn Thanh Liêm hiện ông đã yêu cầu cơ quan THADS TP. Cao Lãnh rà soát xem xét lại vụ việc để giải quyết theo đúng tinh thần luật định.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Điệp - Đoàn Luật Sư TP.HCM cho biết: “Căn cứ Điều 43 khoản 3 mục b của Nghị định 181 ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai qui định: “Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất là tài sản chung của cả hộ gia đình thì giấy chứng nhận chỉ ghi tên chủ hộ”. Tương tự, tại các Điều 106, Điều 108 và Điều 109 BLDS năm 2005, “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, tài sản do các thành viên cùng nhau tạo lập...; “Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ 15 tuổi trở lên đồng ý”.
Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện trong quan hệ dân sự. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình. Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình và chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.
Vì vậy, “nếu chỉ có một thành viên mang GCNQSDĐ cấp cho hộ gia đình đi giao dịch mà không có giấy ủy quyền của các thành viên (từ 15 tuổi trở lên) còn lại trong hộ thì giao dịch đó sẽ không thể thực hiện được toàn phần” – một Chấp hành viên tại TP.HCM góp lời.
Trần Song Lý