Sau nhiều công đoạn giấy tờ và chờ đợi, rồi tôi cũng được một lần xuống “âm phủ”, từ mà các nhà báo hay dùng để chỉ hầm than. Nhiều đỉnh núi cao tôi đã chinh phục, nhưng không ngờ để xuống được hầm than lại rắc rối đến vậy.
Tuy nhiên, lúc chuẩn bị lên đường, tôi mới hiểu vì sao một việc tưởng như đơn giản là đi xuống hầm lò một buổi rồi đi lên, lại khó khăn đến vậy. Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam đã cử hẳn một cán bộ xuống Quảng Ninh để tôi được… vào lòng đất.
Tuy nhiên, lúc chuẩn bị lên đường, tôi mới hiểu vì sao một việc tưởng như đơn giản là đi xuống hầm lò một buổi rồi đi lên, lại khó khăn đến vậy. Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam đã cử hẳn một cán bộ xuống Quảng Ninh để tôi được… vào lòng đất.
Bộ phận sàng tuyển nằm ngày trước lò Công ty Than Vàng Danh |
Đến Quảng Ninh rồi, đã ngồi trong phòng làm việc của ông Khuất Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Than Vàng Danh, tôi vẫn mang nỗi lo canh cánh rằng sẽ không được xuống hầm. Ông Thắng kể lể hàng chục viễn cảnh có thể dẫn đến việc mất mạng. Trong các loại ngành nghề, có lẽ ngành khai thác than là nguy hiểm nhất. Xem tivi, báo chí, chẳng mấy tuần không thấy có tin tai nạn hầm lò. Tin trong nước thì một vài người chết, còn tin thế giới thì vài chục đến cả trăm người. Ông Thắng đề xuất cho nhà báo đi… quanh miệng hầm.
Anh Nguyễn Văn Tài, cán bộ của Tập đoàn TKV phân trần mãi, rồi ông Thắng cũng đồng ý cho tôi được xuống hầm lò, nhưng với điều kiện đi ngắm cho… vui, không được chụp ảnh. Ôi trời! đi làm báo, nhất là xuống hầm lò, mà không có ảnh thì đi làm gì. Điều kiện ông Thắng đưa ra khiến tôi ỉu xìu.
Phóng viên trong trang phục xuống hầm than |
Ban đầu, tôi tưởng cấm chụp ảnh vì sợ làm lộ bí mật quốc gia, bí mật công ty, nhưng sau mới hiểu rằng, chiếc máy ảnh, điện thoại, hoặc bất cứ thiết bị điện tử nào, có điện, có sóng, có từ trường, là có thể trở thành... kíp nổ. Dưới lò than, không khí lúc nào cũng đậm đặc các loại khí độc, nguy hiểm nhất là mêtan, khí gas. Chỉ cần có sự “kích thích”, các loại khí này sẽ biến thành bom. Bùm một cái là tính mạng của hàng trăm, hàng ngàn thợ dưới lòng đất, và cả tôi nữa, sẽ bị đe dọa. Lúc này, tôi mới hiểu, lý do của sự khó khăn khi xuống hầm lò.
Có một cách giải quyết, ấy là công ty sẽ cho tôi mượn chiếc máy ảnh chụp phim. Máy chụp phim không dùng flas, không chạy bằng điện, có thể dùng dưới hầm lò. Một đồng chí cán bộ được cử đi lấy máy ảnh. Tuy nhiên, chiếc máy để cả năm không dùng, chiếc lẫy lên phim han gỉ, kéo mãi không lên. Thế là hỏng bét.
Kiểm soát viên kiểm tra kỹ lưỡng xem có ai mang vật cấm vào hầm lò không. |
Sau quá trình bàn bạc, rồi cuối cùng tôi cũng được mang chiếc máy ảnh kỹ thuật số xuống hầm, nhưng với điều kiện mở máy trong sự giám sát của cán bộ. Tức là, chỉ khi nào đồng chí cán bộ đi kèm cho phép, mới được bật máy. Tất nhiên, khi chụp ảnh, tuyệt đối không được dùng đèn.
Cùng kèm cặp tôi xuống hầm lò là anh Nguyễn Văn Tài và kỹ sư Lâm Hồng Quang (Phòng Kỹ thuật Khai thác, Công ty Than Vàng Danh). Tôi muốn xuống lò với tư thế một công nhân, cùng làm công việc đào than, để cảm nhận rõ nhất về công việc của những con người dưới lòng đất này: sự vất vả và nguy hiểm.
Thủ tục cuối cùng để xuống lòng đất là khám sức khỏe. Nếu bị huyết áp cao hoặc thấp, tim mạch, thì chắc chắn bị loại. Dưới lòng đất thiếu dưỡng khí, nên mắc bệnh tim mạch sẽ rất dễ đi đời.
8h sáng, chúng tôi đứng cạnh con đường nhựa nhuộm màu than trước Công ty Than Vàng Danh chờ xe buýt đưa đón công nhân. Trước ca làm việc chừng một tiếng, công nhân từ các xóm quanh vùng tụ tập ra ven đường để xe buýt của Công ty đón lên hầm mỏ. Từ trụ sở Công ty đến hầm mỏ còn mấy cây số nữa. Chúng tôi cũng trèo lên xe đi cùng anh em công nhân. Anh em trên xe nói chuyện rổn rảng. Anh em đều tưởng chúng tôi là công nhân mới.
Hết ca, công nhân rời khỏi hầm lò |
Chúng tôi rồng rắn xếp hàng vào phòng thay đồ. Phòng thay đồ rộng chừng 100 mét vuông. Có 5 nhân viên nữ làm công việc phát quần áo, ủng, tất, mũ, khẩu trang. Công nhân cả già lẫn trẻ hồn nhiên thay đồ trước mặt chị em cứ như chốn không người
Thấy tôi ngại ngần, một cô bụm miệng cười: “Gớm, có gì mà ngại. Nhà báo cho bọn em xem có đen hơn công nhân vùng mỏ không!”. Mấy cô cùng cười nghiêng ngả.
Đường xuống... âm phủ. |
Thấy tôi vẫn mặc áo gió bên trong, khoác chiếc công nhân bên ngoài, các cô lại cười. Mùa đông thế này, lại mặc mỗi chiếc áo công nhân, có mà chết rét. Nhưng nghĩ đi bộ mấy km trong hầm, lại làm việc hùng hục, chắc là sẽ nóng, nên tôi cũng chỉ mặc một chiếc áo màu xanh như anh em công nhân.
Giầy, tất, mũ mão, quần áo xong rồi, tôi tiếp tục xếp hàng nhận đèn pin. Căn phòng rộng cả trăm mét vuông rặt là đèn pin. 4 cô nhân viên trong phòng này có mỗi việc phát, thu và sạc đèn. Đèn treo trên trán, ắc-quy treo ở hông. Ngoài ra, thứ bất di bất dịch, lúc nào cũng phải mang bên người là bình cứu hộ.
Chiếc bình cứu hộ có kiểu dáng như chiếc bi đông đựng nước của bộ đội ngày xưa. Bình này do Trung Quốc sản xuất. Tôi được cô nhân viên quản lý bình cứu hộ tập huấn kỹ càng. Nếu xảy ra cơ sự cháy nổ, sập hầm, hoặc hệ thống cấp gió trục trặc, hầm thiếu ôxi, đậm đặc khí độc, thì giật nắp bình, lấy chiếc khẩu trang đặc chủng trong bình để bịt mũi. Chiếc khẩu trang đặc chủng này sẽ lọc được các loại khí độc trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Thứ cuối cùng phải mang là chiếc cuốc chim và chiếc xẻng cán ngắn. Chiếc cuốc chim trông như cái rìu, nhưng to bản hơn, dùng để bổ vào vỉa than. Chiếc xẻng ngắn để cào than ra máng.
Công đoạn xếp hàng để xuống hầm mỏ còn nghiêm ngặt hơn cả lên máy bay. Nhìn những khẩu hiệu đỏ chót, chi chít nơi cửa hầm đủ biết vấn đề an toàn được đặt cao hàng đầu. Nào là: “Hãy tự kiểm tra an toàn”, “Chú ý làm đúng thao tác”, “An toàn nơi làm việc”, “Phải quan sát kỹ tín hiệu trước khi xuống hầm”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”… Biển hiệu có chữ “cấm” thì nhiều vô kể. Chiếc biển cuối cùng trước khi vào lò, tôi nhìn thấy là: “Chúc các bạn vào ca sản xuất an toàn”.
Công việc của người thợ lò |
Dù đã được Ban giám đốc thông tin trước, song những cán bộ kiểm soát ở cửa hầm vẫn làm đúng thủ tục với chúng tôi. Họ kiểm tra, sờ nắn rất kỹ túi quần, túi áo, thậm chí tháo cả ủng để kiểm tra xem có mang theo thuốc lá, bật lửa, hoặc bất kỳ thiết bị điện tử nào không. Những công nhân làm nhiệm vụ nổ mìn bị kiểm tra kỹ lưỡng nhất. Chiếc máy ảnh đã được Ban giám đốc đồng ý, nên tôi được mang vào. Trước khi xuống hầm, tôi được phát một chiếc thẻ, mà anh em thợ lò gọi vui là “thẻ sinh tử”. Hết ca, nếu cán bộ kiểm soát đếm đủ thẻ thì không sao, nhưng thiếu thẻ thì có hai khả năng xảy: Công nhân lạc, hoặc sập hầm, đã mất mạng, không ra được.(Còn tiếp)…
Theo Phạm Ngọc Dương
VTC news
VTC news