Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo, xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình trục lợi từ dịch nCoV, đảm bảo sức khoẻ người dân được đảm bảo, không để lây lan trong cộng đồng.
Tổng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế
Thực hiện chỉ đạo trên, theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong ngày 1/2/2020, lực lượng QLTT trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý đồng thời vận động các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế thực hiện việc niêm yết giá bán, ký cam kết không vi phạm về giá, nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Tính đến cuối ngày, đã có 85 cửa hàng bị kiểm tra, xử lý với số tiền vi phạm gần 89 triệu đồng.
Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT đã xử lý 85 cửa hàng vi phạm với tổng số tiền 88.700.000 đồng. Tạm giữ 4.870 khẩu trang có dấu hiệu vi phạm.
Đặc biệt, đối với số khẩu trang có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và số khẩu trang đang tạm giữ tại TP HCM, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT TP HCM xử lý và đưa ngay số hàng này ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.
Ghi nhận trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, tại nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng, thu gom, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.
Liên quan tới việc đáp ứng nhu cầu khẩu trang của người dân, sáng 2/2, Đoàn công tác của Bộ Công Thương gồm đại diện Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với một số doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất, đánh giá năng lực và khả năng cung ứng mặt hàng khẩu trang ra thị trường phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp (virus Corona).
Các doanh nghiệp đều khẳng định ý thức đối với cộng đồng trong việc sản xuất mặt hàng này, sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc kết nối nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung về vải để có thể sản xuất được khẩu trang đủ số lượng yêu cầu.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục để công nhận sản phẩm khẩu trang đạt yêu cầu chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật.
Đoàn công tác sẽ tổng hợp các thông tin, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương và đề xuất các giải pháp đảm bảo sản xuất, cung ứng mặt hàng khẩu trang ra thị trường và phân phối, lưu thông hiệu quả, cung cấp đủ khẩu trang có chất lượng cho người dân, góp phần bình ổn thị trường và phòng, chống dịch bệnh.
Tiệm thuốc Thiện Tâm (đường Kim Giang, Hà Nội) bán một hộp khẩu trang giá 500.000 đồng, tăng gấp 10 lần nên bị công an đóng cửa, niêm phong chờ xử lý |
Bộ Y tế thành lập 4 đoàn công tác trọng điểm
Cũng trong sáng qua (2/2), Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Mạnh Cường đã ký quyết định thành lập 4 đoàn công tác trọng điểm.
Theo đó, 4 đoàn công tác là Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa để kiểm tra, nắm tình hình phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới Corona gây ra. Trong đó, có bao gồm nội dung liên quan công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuốc, hóa chất, khẩu trang... phục vụ công tác phòng chống dịch.
Ngày 1/2/2020, Bộ Y tế tiếp tục có công văn hỏa tốc lần 2 yêu cầu các cơ sở sản xuất vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch trước 16 giờ ngày 2/2 khẩn trương báo cáo tình trạng sản xuất, năng lực sản xuất thực tế, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng tồn kho và khả năng đáp ứng phục vụ cho công tác phòng chống dịch nCoV.
Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 363/BYT-TB-CT ngày 28/01/2020 gửi các đơn vị đề nghị khẩn trương báo cáo tình trạng sản xuất, năng lực sản xuất thực tế, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng tồn kho và khả năng đáp ứng phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, đến hết ngày 1/2/2020 mới chỉ có 20/39 đơn vị đã gửi báo cáo về Bộ Y tế, có 19/39 đơn vị chưa gửi nội dung báo cáo hoặc nội dung báo cáo chưa đầy đủ thông tin theo yêu cầu.
Bộ Y tế cho biết sẽ phối hợp với các Sở Y tế xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch không gửi hoặc gửi báo cáo không đúng thời hạn về tình trạng sản xuất, năng lực sản xuất thực tế, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng tồn kho và khả năng đáp ứng phục vụ cho công tác phòng chống dịch nCoV.
Báo cáo của Tổng cục QLTT, tại Quảng Ninh rất khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và đang tạm giữ 200.000 chiếc được các đối tượng thu gom để xuất sang Trung Quốc. Hiện các cơ quan xem xét phương án xử lý nhằm sớm đưa số khẩu trang này ra phục vụ nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, tại nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng, thu gom, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.
Tại Lạng Sơn, hầu hết cửa hàng kinh doanh sản phẩm y dược đều không có khẩu trang để bán. QLTT phối hợp các cơ quan chức năng khu vực biên giới tuần tra, kiểm soát chống xuất lậu vật tư y tế sang bên kia biên giới.
Ở một số địa phương như Hòa Bình, Hải Dương, TP HCM và một số tỉnh phía Nam, nhiều quầy thuốc, nhà thuốc chỉ có một vài hộp. Bởi vậy, một số nơi hạn chế số lượng bán ra (5-10 chiếc mỗi người). Giá bán tăng và được người bán giải trình là do tăng giá từ đầu vào. Một số nơi đã hết hàng, trong khi đó nguồn cung cấp sản phẩm khan hiếm, không nhập được về thêm. Trước nhu cầu tăng cao, nhiều người bán hàng online cũng tranh thủ quảng bá sản phẩm khẩu trang y tế trên mạng xã hội nên rất khó kiểm soát.
Tại hầu hết tỉnh miền Trung, nhu cầu mặt hàng khẩu trang y tế tăng cao. Giá bán một số nơi vì vậy cũng tăng, song nhiều nơi không đủ hàng để bán.