Một nét Park Hang Seo

HLV Park Hang Seo cùng ông Lê Huy Khoa, Trợ lý ngôn ngữ đội tuyển bóng đá Việt Nam
HLV Park Hang Seo cùng ông Lê Huy Khoa, Trợ lý ngôn ngữ đội tuyển bóng đá Việt Nam
(PLVN) - Hai năm ở đội tuyển Việt Nam, ông Park mang lại hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho người hâm mộ bóng đá, còn học trò của ông thì cũng mang lại cho ông hết lần này đến lần khác sự ngạc nhiên về một ý chí chiến đấu quật cường trong mọi hoàn cảnh.

Từ “Nhận thức mục tiêu rõ ràng”…

“Hồi ấy, mẹ và mọi người đi thanh niên xung phong, thực sự là cũng chẳng hiểu vì sao mình lại làm việc đó. Thấy cả nước đi, thanh niên trong làng trong xóm đi thì mình đi, nghe cảnh báo thì xuống hầm, nghe bom nổ xong thì lại ngoi lên mặt đất làm tiếp. Sau cảnh bom nổ là tan hoang, nhà cửa đổ nát, rồi người ngã xuống… mẹ vẫn không hiểu thời ấy, mình lấy đâu ra sức để làm những việc tưởng như không tưởng, dũng cảm và đồng lòng đến thế”. 

Tôi vẫn nhớ lời mẹ kể khi bắt đầu bước vào tuổi thanh niên. Những câu chuyện mộc mạc của mẹ cũng là câu hỏi của một người sống trong hòa bình như tôi: “Sức mạnh ấy đâu ra, tinh thần có từ bao giờ và nó rốt cuộc là gì? Và khi nào thì mình lại nhìn thấy nó?”.

Ông Park Hang Seo (sau đây xin gọi là ông Park) sang Việt Nam và tôi may mắn là người làm việc với ông từ ngày đầu tiên. Những ngày đầu bỡ ngỡ, từ tìm hiểu dò dẫm, từ sơ đồ chiến thuật… Bây giờ, hai năm trôi qua, ông Park và tuyển Việt Nam không nói về chiến thuật nữa, mà nói về một khái niệm tinh thần khác, tiềm ẩn từ sâu xa trong tinh thần những người Việt Nam.

Ông Park vẫn thỉnh thoảng “khích tướng” bằng những câu từ chạm đến trái tim: “Lịch sử giữ nước, các anh thắng cả những đối thủ sừng sỏ thì lý do gì các anh phải sợ ai”, đại loại thế. Nhưng tôi cũng không thể nghĩ rằng, một người nước ngoài lại có thể đúc kết và nhận biết rõ giá trị tinh thần của một dân tộc khác như ông. 

Vào tháng 8/2018, khi chuẩn bị lên đường tham dự Asiad 2018, ông Park đột ngột hỏi cả đội khi đang họp chiến thuật: “Tôi hỏi các anh một chút, con người bóng đá và con người Việt Nam trong các anh có những đặc tính gì?”.

Công Phượng nhanh nhảu: “Chơi hết mình, vào sân là chiến thôi”! 

- Còn gì nữa, Tiến Dũng?: “Dạ, đoàn kết”!

- Vậy Anh Đức, có gì nữa nhỉ?: “Sứ mệnh thôi, làm phải có trách nhiệm”.

- Vậy chứ Hồng Duy, còn gì nữa?: “Dạ. Thử thách”.

- Các anh nói được 4 rồi, tôi xin chỉ nói thêm: Đó là nhận thức mục tiêu rõ ràng!

Bốn cầu thủ được hỏi thuộc những thế hệ và xuất thân, vùng miền khác nhau. Câu trả lời của họ và năm yếu tố đó đã trở thành tinh thần Việt Nam trong bóng đá của tuyển Việt Nam suốt hai năm qua. Nhưng có lẽ, đó cũng chỉ mới là giai đoạn ông Park định hình, khái lược chứ không phải là đúc kết hay khẳng định rõ ràng, có lẽ ông đang tìm hiểu. 

“Tinh thần Việt Nam” bùng cháy 

Hai năm ở đội tuyển Việt Nam, ông Park mang lại hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho người hâm mộ bóng đá, còn học trò của ông thì cũng mang lại cho ông hết lần này đến lần khác sự ngạc nhiên về một ý chí chiến đấu quật cường trong mọi hoàn cảnh.  

Từ những đúc kết ban đầu ấy, bây giờ thì ông đã có thể hoàn toàn khẳng định trước truyền thông trong nước, truyền thông nước ngoài, người hâm mộ cả nước; rằng một trong những thành công của bóng đá Việt Nam dựa vào một nền tảng văn hóa, đó chính là “Tinh thần Việt Nam”.

“Tinh thần Việt Nam” trở thành một từ ngữ xuất hiện rất nhiều trong các buổi họp của đội, khi thì nhắc nhở về thái độ thi đấu, khi thì khích lệ tinh thần, khơi gợi sức mạnh; khi thì nhắc nhở cho sự thiếu tập trung, khi thì nhắc nhở việc phải hoàn thành mục tiêu đặt ra. 

Nếu nói cụ thể thì trước trận đấu sẽ là: “Chúng tôi tin các anh, hãy phát huy tinh thần Việt Nam để chiến thắng”. 

Giữa trận đấu, dù có bất lợi về thế trận hay tỷ số thì sẽ là: “Các anh có nghĩa vụ phải chứng minh tinh thần Việt Nam mà các anh đã làm từ xưa đến nay và tôi hỏi tinh thần Việt Nam của các anh đi đâu hết rồi mà để thế trận như vậy?”. 

Và sau trận đấu đó là họp báo, hay tất cả trả lời cho chiến thắng sẽ là: “Nhờ Tinh thần Việt Nam quả cảm mà chúng ta có kết quả tốt hôm nay”. 

Tuyển Việt Nam hiện nay không phải mạnh lên nhờ có những con người xuất sắc mới xuất hiện. Vẫn là con người cũ, nhưng với tinh thần thi đấu và kiểu cách vận hành mới, đội bóng Việt Nam chơi bóng bằng tổ chức, bằng tinh thần một đội rất rõ ràng: Hỗ trợ nhau, nhắc nhở nhau, bọc lót cho nhau, sai sót của người này sẽ có người kia gánh đỡ. Sai sót cá nhân sẽ là sai sót của tất cả mọi người và sẽ được quy về hệ thống. Chơi bóng đồng đội hơn, chặt chẽ hơn. 

HLV Park Hang Seo trong tiệc sinh nhật một thành viên đội bóng
 HLV Park Hang Seo trong tiệc sinh nhật một thành viên đội bóng

Và tổ chức lối chơi của đội tuyển Việt Nam chặt chẽ đến mức ghi hai bàn trở lên vào lưới đội tuyển Việt Nam là điều rất khó, trừ sai sót. 

Đội tuyển chúng ta cũng sẵn sàng dám thử thách, chơi ngang ngửa với những đội mạnh mà không ngán ngại hay e sợ. Với ý thức mục tiêu quyết thắng, các cầu thủ đồng lòng quyết chiến, không còn cảnh phe này, không nói chuyện vùng miền, không ganh tị, nhắc nhở cái xấu của nhau, khích lệ động viên nhau trên sân, tự giữ gìn và tuân thủ kỷ luật, giữ gìn sức khỏe. Họ trở thành một khối thống nhất, một tinh thần quật cường, không sợ, không e ngại bất cứ một điều gì. 

Những đêm bùng nổ “đi bão” mừng chiến thắng, có lẽ không chỉ đơn thuần là chia vui vì bóng đá. Một nhà sử học từng nói rằng, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, thì người dân mới đổ ra đường để chào đón và hân hoan như thế.

Nhìn những biển người cùng nín thở, cùng bùng nổ, cùng hào hứng, cùng hò hét và cổ vũ, cùng đổ ra các nẻo đường, phải nói rằng, trong họ có những khát khao tiềm chứa nào đó. Phải có một tình yêu nào đó chưa có dịp thổ lộ, một sự chờ đợi chực chờ nào đó về mặt tinh thần và đang chờ bùng nổ thì mới có được xúc cảm như thế. Và bóng đá chỉ là ngòi nổ, chỉ là chất xúc tác để kích cho “Tinh thần Việt Nam” bùng cháy.

Đường đến chiến thắng

Ba năm nay 2018, 2019 và 2020 này, bóng đá mang lại cho chúng ta những cái Tết đầy phấn chấn về tinh thần. Và có lẽ cũng 3 năm qua, dù còn rất khó khăn nhưng Việt Nam chúng ta cũng đã có rất nhiều những thành tựu về phát triển kinh tế, về đời sống xã hội. Phải chăng tất cả những điều đó cũng đã khởi nguồn từ tinh thần quyết liệt, đoàn kết, sứ mệnh, dám làm, dám thử thách và cùng xác định mục tiêu rõ ràng xuất hiện từ bóng đá? 

Thể thao là văn hóa, là kinh tế… và các cường quốc trên thế giới đều là cường quốc về thể thao. Bóng đá không phải chỉ là bóng đá, nó chứng minh tiềm năng và đặc tính của một dân tộc, khơi gợi những sức mạnh và giá trị tiềm ẩn. Nó là tấm gương để nói rằng, chúng ta có thể làm được mọi điều nếu chúng ta quyết tâm. 

Bóng đá Việt Nam đã tiên phong trong việc khơi dậy sức mạnh Việt Nam khi tìm lại và định nghĩa lại khái niệm “Tinh thần Việt Nam”. Và đó chính là câu trả lời mà tôi và mọi người đang đi tìm sau khi liên kết đến câu chuyện mẹ tôi kể 50 năm trước và những thành tích bóng đá ngày nay. 

Niềm vui chiến thắng của đội bóng đá Việt Nam tại SEA Games 30
 Niềm vui chiến thắng của đội bóng đá Việt Nam tại SEA Games 30

Tôi xin ghi lại những dòng khích lệ của ông Park dành cho cầu thủ trước trận đấu chung kết với Indonesia để họ quyết tâm giành huy chương vàng SEA Games sau 60 năm lịch sử chờ đợi:  

“Tôi cũng xin nói với các anh rằng, không phải chúng ta đá bóng giỏi mới trở thành cầu thủ quốc gia. Đó là điều đương nhiên. Đá bóng giỏi chỉ là một phần, điều quan trọng nữa đó là sứ mệnh, là nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng với vinh dự đó, phải thể hiện ra hành động.

Tôi tuy là người Hàn Quốc, nhưng tôi thỉnh thoảng tâm sự với chính những trợ lý người Hàn Quốc của tôi rằng: Tôi thực sự tôn kính cái tinh thần chiến đấu mà chỉ các bạn mới có. Tôi tin các bạn chỉ cần trang bị và phát huy đúng tinh thần đó, các bạn có thể làm được tất cả những gì các bạn muốn”.

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh về sự bừng tỉnh, ánh mắt háo hức, khuôn mặt, ý chí quyết tâm và xúc động của tất cả các cầu thủ và thành viên ban huấn luyện khi những câu nói chạm vào trái tim, chạm vào “Tinh thần Việt Nam” đang ẩn chứa trong người họ. Và hai tiếng sau đó là hình ảnh hân hoan chiến thắng. Tất nhiên, đó là hình ảnh mà tôi đã thường chứng kiến trong suốt bao nhiêu trận đấu trong hai năm vừa qua. 

“Tinh thần Việt Nam” đã trở thành một khái niệm, cần phải tiếp tục khơi gợi và lan tỏa trong tương lai.

Đọc thêm

Sự nghiệp dư ở V.League

CLB Sông Lam Nghệ An đang khởi đầu mùa giải rất tệ (Ảnh SLNA)
(PLVN) - Việc đến hay không đến của Công Vinh với Sông Lam Nghệ An cho thấy sự nghiệp dư của giải đấu.