Để tăng cường hơn nữa năng lực đấu tranh phòng, chống khủng bố (PCKB), giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về PCKB, trong đó việc có ban hành Luật PCKB, được xác định là yêu cầu khách quan, cấp bách. Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Luật PCKB đã được trình lấy ý kiến để xem xét, thông qua trong thời gian tới.
Liệt kê cụ thể các hành vi khủng bố
Theo Dự án Luật PCKB trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, một số từ ngữ có tính chuyên ngành, bao gồm “khủng bố”, “tài trợ khủng bố”, “phòng ngừa khủng bố”, “chống khủng bố”, đã được giải thích trong Dự thảo Luật. Trong đó, đáng chú ý là khái niệm “khủng bố” vẫn chưa được khái quát.
Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật – Bộ Công an lý giải: Trên cơ sở quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành của Nhà nước ta về tội phạm khủng bố, quy định của các điều ước quốc tế, khu vực về chống khủng bố mà Việt Nam đã và sẽ tham gia, tham khảo pháp luật của một số nước về lĩnh vực này, việc đưa ra một khái niệm khái quát về khủng bố là không có tính khả thi. Do vậy, Dự thảo Luật chỉ đưa ra khái niệm khủng bố theo cách liệt kê các hành vi cụ thể được coi là thuộc nhóm hành vi khủng bố.
Về khái niệm “tài trợ khủng bố”, để phù hợp với các quy định của pháp luật trong nước, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và phân biệt với hành vi đồng phạm khủng bố, thì Dự thảo Luật đã đưa ra khái niệm có tính khái quát.
Theo đó, tài trợ khủng bố là “hành vi hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc cho tổ chức, cá nhân khác mà biết tiền, tài sản đó sẽ được chuyển cho tổ chức, cá nhân khủng bố”. Trường hợp huy động, hỗ trợ tiền, tài sản để thực hiện một hoặc một số hành vi khủng bố cụ thể thì không coi là tài trợ khủng bố mà là hành vi khủng bố.
Công an Hải Phòng diễn tập chống khủng bố hôm 12 tháng 12 vừa qua |
Ưu đãi tổ chức, cá nhân tham gia PCKB
Để tạo sự thống nhất, hiệu quả của công tác PCKB, nguyên tắc PCKB được đặt lên hàng đầu là hoạt động PCKB đặt dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia của toàn xã hội, trong đó lực lượng Công an nhân dân chủ trì phối hợp với Quân đội nhân dân là nòng cốt.
Bên cạnh đó, chúng ta chủ trương lấy phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời cá nhân, tổ chức khủng bố, tài trợ khủng bố, đồng thời bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức trong PCKB, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Về chính sách của Nhà nước trong PCKB, Dự thảo Luật nhấn mạnh Nhà nước sẽ bảo vệ, ưu đãi, tổ chức, cá nhân tham gia PCKB cũng như khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia PCKB.
Cùng với việc lên án và nghiêm trị mọi cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố và lực lượng khác tham gia chống khủng bố.
Công Thành