237 HSSV được Quỹ BHYT chi trả chi phí KCB từ 200 triệu trở lên
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm học 2017-2018 vừa qua, Quỹ BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho 237 trường hợp học sinh sinh viên (HSSV) với số tiền từ 200 triệu trở lên.
Trong đó, có một học sinh trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng đã được Quỹ BHYT chi trả 1,8 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh. Được biết, học sinh này bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, phải dùng các thuốc chuyên khoa, đặc trị, trong đó có thuốc Kedrigamma. Nhờ tham gia BHYT nên qua quá trình điều trị 6 đợt tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, học sinh này đã được chi trả với số tiền như trên, trong đó riêng tiền thuốc Kedrigamma được BHYT thanh toán khoảng 720 triệu.
Trường hợp này chưa phải là mức chi trả khám chữa bệnh BHYT cao nhất nhưng là mức cao nhất chi trả cho đối tượng HSSV trong thời gian qua. Trước đó, đã có bệnh nhân ở Quảng Ninh cũng điều trị bệnh về máu được BHYT chi trả số tiền 2,6 tỷ đồng.
“Theo chúng tôi tính toán, hiện nay HSSV đóng BHYT với mức kinh phí 525.000 đồng/năm (70%) và Nhà nước hỗ trợ 30%. Vậy với mức chi trả 1,8 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh cho học sinh trên thì phải có 3.426 học sinh đóng BHYT nhưng không hưởng chế độ ốm đau, thăm khám gì thì mới đủ chi phí chi trả cho bệnh nhân này. Đây là thể hiện sự chia sẻ rủi ro, nguyên tắc bù trừ trong việc tham gia BHYT. Điều này cũng thể hiện sự ưu việt của chế độ BHYT, giúp các em học sinh, sinh viên không may bị ốm đau, bệnh tật giảm được áp lực tài chính lên gia đình. Do đó, người dân cần tích cực tham gia BHYT để được chia sẻ về tài chính” - ông Trung nói.
Tiếp tục đẩy mạnh BHYT HSSV năm học 2018-2019
Nhờ những ưu việt mà BHYT mang lại, trong thời gian qua số lượng HSSV tham gia BHYT tăng đáng kể, từ khoảng 85% năm học 2013-2014 lên khoảng 93,5% năm học 2017 -2018. Việc cấp, đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH được triển khai quyết liệt, đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định.
Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia chưa đồng đều, tại một số tỉnh, thành phố số tham gia chưa cao (mới đạt khoảng 70-80%), việc cấp, đổi thẻ BHYT còn để xảy ra sai thông tin. Theo đó, để khắc phục những tồn tại và tiếp tục triển khai hiệu quả BHYT HSSV năm học 2018-2019, BHXH Việt Nam đã có công văn yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV với các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Trong đó, BHXH Việt Nam yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi; đưa tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố cũng phải thực hiện rà soát, phân loại danh sách HSSV chưa tham gia BHYT và sắp hết hạn trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phối hợp với các trường học vận động HSSV tham gia BHYT đầy đủ. Cùng với đó, thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ quá trình tham gia, quyền lợi hưởng, thời điểm đủ 5 năm liên tục và thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH.
Đối với trường hợp HSSV đã được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH khi tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH thực hiện ghi giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT vào cơ sở dữ liệu và in danh sách cấp thẻ BHYT (mẫu D10a-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH) gửi cho các trường học, thẻ BHYT đã cấp theo mã số BHXH tiếp tục được sử dụng.
Đối với trường hợp HSSV chưa được cấp mã số BHXH thực hiện kê Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS ban hành theo Quyết định 888/QĐ-BHXH).