Ý tưởng… để đời
Dương Hùng Đỗ là người rất vui tính, nhiệt tình và đam mê trong công việc… Tình cờ gặp ông trao đổi về hiệu quả sử dụng phân bón Địa Long của nông dân tỉnh Đồng Tháp, tôi nói: “Chỉ có một bộ phận nông dân ở huyện Tam Nông, Châu Thành và Tháp Mười bước đầu sử dụng đạt hiệu quả trên lúa, ớt và cây ăn trái, nhưng vẫn chưa sử dụng mạnh”. Thế là ngày hôm sau, ông Dương Hùng Đỗ đã có mặt tại huyện Tam Nông để tìm hiểu thực tế và quyết định mở hội thảo tại xã Phú Đức, huyện Tam Nông rồi sau đó mở tiếp tại xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành và xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Không chỉ vậy, ông còn cùng bà con nông dân và các cán bộ địa phương đi tham quan thực tế điểm trình diễn là cánh đồng sản xuất lúa, nếp và vườn trồng cây thanh long sử dụng hiệu quả phân bón Địa Long. Đích thân ông trình bày, giải đáp từng câu hỏi của nông dân liên quan đến phân bón Địa Long và tận tình hướng dẫn cách sử dụng phân bón Địa Long trên cây trồng các loại…
Tiếp sau đó, ông Đỗ còn tổ chức các điểm trình diễn bón phân Địa Long cho cây lúa, nếp trên đất phèn ở vùng Đồng Tháp Mười, khu Tứ giác Long Xuyên. Qua các buổi hội thảo và trình diễn bón phân Địa Long, các nhà khoa học và nông dân đều đánh giá rất cao khi sử dụng loại phân này. Ông Nguyễn Văn Ba ở xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành vui mừng cho biết: Trong một vụ lúa phải bón 4 lần phân như: 10 ngày sau sạ, giai đoạn lúa đẻ nhánh, giai đoạn lúa làm đòng và trước khi lúa trổ. Còn phân Địa Long chỉ sử dụng có 1 lần bón lót 50kg/1.000m2. Tính ra, 10.000m2 cho năng suất tương đương 7 tấn, giá bán 4.500đ/kg, thu nhập trên 36 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, tôi còn lời hơn 16 triệu đồng…”.
Chú Trần Văn Chính trồng 8.000m2 cây nhãn Ido từ 2 - 5 năm tuổi ở ấp Phú Hòa, xã An Phú Thuận cũng hớn hở khoe: “Trước đây, tôi chỉ bón phân hóa học như NPK, Ure thì thấy lá nhãn có màu xanh đen, bông, trái đậu không nhiều. Từ khi bón phân Địa Long, bông dài, mập chồi hơn, đổ bông có nhụy liền, tôi cuốc đất lên thấy rễ cây đâm ra trắng và rất mập, còn lá chuyển sang màu xanh rất đẹp… Tôi thấy, phân bón Địa Long tốt, tôi mê rồi đó. Bởi, giá thành phân bón Địa Long rẻ hơn phân hóa học, bón phân ít hơn nên chi phí đầu tư giảm từ 10 - 15% và hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa tiết kiệm được tiền của, công sức, vừa bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe và chất lượng sản phẩm nâng lên, an toàn hơn cho người tiêu dùng…”.
Ông Trần Văn Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Phân bón Địa Long này trước nhất là nó bổ sung chất hữu cơ và vi sinh vật cho đất hoạt động để mùn hóa làm cho đất tốt hơn so với bón phân hóa học thuần túy. Kết quả cho thấy năng suất lúa tăng từ 5 - 10%, chất lượng lúa cũng tốt hơn. Một điều đặc biệt nhất là cải tạo lại môi trường sinh thái trên đồng ruộng. Phân bón Địa Long là loại trung, vi lượng, khi sử dụng sẽ giảm trên 20% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ được thiên địch, tạo cho đồng đất mình có nhiều chất dinh dưỡng bền vững hơn, làm cho cây trồng dễ hấp thu và sinh trưởng mạnh hơn, tính kháng bệnh tốt hơn… Tôi khuyến cáo nông dân nên sử dụng rộng rãi phân bón Địa Long trên cây lúa, hoa màu và ứng dụng cho vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Điều khẳng định là nó có chất hữu cơ làm cho đất tơi xốp, giảm phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, nâng cao chất lượng cây trồng, bảo đảm vệ sinh môi trường và bảo vệ sức khỏe người nông dân…”.
Mang màu xanh ra đảo
Không ngại khó, ngại khổ, doanh nhân Dương Hùng Đỗ tận tình hướng dẫn và hỗ trợ phân bón Địa Long miễn phí cho nông dân phòng trị bệnh cho cây ớt, cây tiêu bị bệnh. Ông Nguyễn Thanh Hải ngụ khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp có 4.000m2 đất trồng ớt. Khi cây ớt bị bệnh, được ông Đỗ hỗ trợ phân bón Địa Long miễn phí và tận tình hướng dẫn quy trình trị bệnh nên cây ớt nhanh chóng hồi phục và cho thu hái được hơn 11 tấn ớt thương phẩm, bán giá bình quân 16.000 đồng/kg. Ông Hải có thu nhập trên 180 triệu đồng, trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình ông Hải còn lãi gần 114 triệu đồng. Đặc biệt, doanh nhân Dương Hùng Đỗ còn cứu thành công đặc sản bưởi Đoan Hùng ở tỉnh Phú Thọ, giải cứu thành công vườn tiêu đang héo tàn ở vùng đất Tây Nguyên.
Doanh nhân Dương Hùng Đỗ chia sẻ: “Tình cờ nghe tin người dân trồng tiêu ở tỉnh Gia Lai đang khốn khổ vì nhiều diện tích tiêu bỗng dưng trơ gốc, lá héo úa hàng loạt. Muốn giúp đỡ bà con nên tôi đã lặn lội tới đây tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để nghiên cứu loại thuốc cứu chữa vườn tiêu. Đến mảnh đất Chư Sê, tỉnh Gia Lai, tôi phát hiện ra bà con nơi đây chăm sóc tiêu hoàn toàn trái khoa học. Tôi nhận ra, tiêu chết hàng loạt là do bà con sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện. Do đó đã khiến cây tiêu không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng, gây ra các bệnh “chết nhanh, chết chậm, tiêu điên”. Ngay lập tức, tôi bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu biện pháp cứu chữa những vườn tiêu cằn cỗi”.
Theo nhận xét của một lãnh đạo Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê: “Sản phẩm phân bón của ông Đỗ là một bước tiến mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghiên cứu của ông không chỉ giúp ích cho cây hồ tiêu mà còn có công dụng với nhiều loại cây trồng khác. Chính vì vậy, phân bón của ông được nhiều người dân tin dùng và phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Nhiều người dân ở Gia Lai đã tạc tượng bán thân của ông Đỗ nhằm ghi nhớ công ơn ông!”.
Với mong muốn đưa chế phẩm vôi lân Địa Long ra huyện đảo Trường Sa để góp phần phủ màu xanh cây trái tại vùng hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc, doanh nhân Dương Hùng Đỗ đã trao tặng 7 tấn phân vôi lân Địa Long cho quân dân huyện đảo Trường Sa… Thực tế, ông đã hỗ trợ nhiều nông dân khắp mọi miền đất nước trở thành tỷ phú ngay trên quê hương mình. Niềm vui của họ là thành công của doanh nghiệp. Doanh nhân Dương Hùng Đỗ luôn cho rằng sản phẩm phục vụ nông nghiệp thì phải đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu, thành quả từ những mùa vàng bội thu của nông dân cũng chính là thành công của doanh nghiệp…