Khi Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh sự việc trên, ngày 22/4/2019 Cty Điện lực Phú Thọ đã phối hợp với UBND huyện Lâm Thao, Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ, UBND xã Hợp Hải, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Điện năng Hợp Hải tổ chức kiểm tra thực tế tại hiện trường.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra đã kết luận: đường dây điện cấp cho hộ ông Nguyễn Đắc Khoa không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện, phần dây dẫn điện đi qua cống thoát nước tại vị trí Km19+270 quốc lộ 32C chưa được cấp phép thi công, vi phạm về các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đườngbộ. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Điện năng Hợp Hải ngừng cấp điện cho hộ ông Nguyễn Khắc Khoa từ 07h30 ngày 23/4/2019.
Hộ ông Khoa có trách nhiệm khắc phục các tồn tại trên, khi nào hộ ông Khoa hoàn thiện các thủ tục cấp phép thi công trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ và thực hiện xây dựng hệ thống đường điện đảm bảo kỹ thuật an toàn thì sẽ cấp điện trở lại cho hộ ông Khoa để phục vụ sản xuất kinh doanh… Hiện nay, toàn bộ sai phạm trên đã được khắc phục, người dân xã Hợp Hải đã không còn phải sống trong nỗi lo bởi nguy hiểm tiềm ẩn từ đường dây điện mất an toàn gây ra.
“Đường dây điện được mắc trên các cột điện thấp, người bình thường có thể dễ dàng với tới chẳng biết tai họa sẽ ập tới bất cứ lúc nào, người dân chúng tôi đã nhiều lần gửi ý kiến lên UBND xã nhưng sự việc vẫn không hề chuyển biến. Nếu không có Báo Pháp luật Việt Nam vào cuộc tìm hiểu, phản ánh thì có lẽ đến nay sự việc chưa chắc đã được giải quyết thỏa đáng và chấn chỉnh kịp thời. Giờ chúng tôi phấn khởi lắm, đi lại thoải mái không còn phải lo đường điện mất an toàn nữa, qua bài viết của Báo Pháp luật Việt Nam đã đem lại niềm tin cho người dân chúng tôi vào việc thực thi luật pháp và sự công bằng, nghiêm minh cho xã hội”, người dân xã Hợp Hải vui mừng chia sẻ.
Một câu chuyện khác cũng đem lại cho chúng tôi niềm động viên nho nhỏ. Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nguyên cảm xúc thương cảm khi tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị Liễm (trú tại xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), khi bà tìm đến Ban Pháp luật — Bạn đọc với một tờ đơn trên tay và trình bày trong nước mắt về việc gia đình bà bị một số cán bộ xã o ép, gây khó khăn khi thu lại diện tích ao đã thầu khoán hơn chục năm để giao cho hộ khác.
Cùng với đó là việc tranh chấp giữa gia đình bà và hộ dân bên cạnh. Ngay sau khi nhận đơn, Báo Pháp luật Việt Nam đã vào cuộc tìm hiểu, phản ảnh và chuyển những thông tin bạn đọc đến chính quyền địa phương đề nghị giải quyết và nhận được những phản hồi tích cực. Khi đó, niềm vui mà chúng tôi nhận được hơn cả bằng khen hay bảng vàng thành tích đó là những cuộc điện thoại đến Ban Pháp luật — Bạn đọc thông báo kết quả với tiếng nói vui mừng của bà Liễm, chứ không còn những tiếng khóc nấc lên từng hồi như buổi chiều hôm ấy bà tìm đến Báo.
Và những ngày đầu tháng 6 vừa qua, bà Liễm đã có thư cảm ơn gửi đến Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam vì sự quan tâm và giúp đỡ của quý báo trong thời gian qua đối với sự việc của gia đình bà. Sự quan tâm và những phản hồi tích cực đó từ bạn đọc chính là nguồn động viên lớn để chúng tôi vượt qua mọi trở ngại và giữ vững nhiệt huyết với nghề.