Môn học Giáo dục công dân đang “mất giá” một cách thê thảm với những tiết học “giá như không có thì hơn” hoặc tệ hơn bị học trò coi là lúc để... xả hơi. Vì sao?
Các bất cập trong việc dạy - học môn Giáo dục công dân đang khiến giáo viên và học sinh đua nhau “kêu khổ” ở ngoài đời và... trên internet!
Điểm số môn GDCD có phản ánh chính xác hạnh kiểm của học sinh? Ảnh minh họa |
9,8 điểm Giáo dục công dân, đạt... hạnh kiểm yếu?
Cách đây ít lâu, trên trang mạng Facebook, một chủ đề đã được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia bàn luận. Mặc dù có cái tên gây sốc là “Tôi ghét nền giáo dục Việt Nam”, nhưng ở khía cạnh tích cực, chủ đề này đã khơi gợi được rất nhiều suy nghĩ, trăn trở, ý tưởng của không ít bạn trẻ Việt Nam về nền giáo dục nước nhà. Môn Giáo dục công dân (GDCD) được bàn luận nhiều nhất khi người tham gia đưa ra những nhận xét hoặc kể các câu chuyện trong lớp khi học môn học này.
Giải thích xong các khái niệm là vừa vặn hết giờ Về nguyên lý, muốn môn GDCD tránh được sự nhàm chán thì chương trình phải dành nhiều thời giờ cho học sinh hoạt động thực tiễn, trao đổi. Nhưng hiện nay, môn học này khá nhàm chán vì chương trình học và SGK vẫn còn nặng về lý thuyết khô cứng, học sinh ít được hoạt động trong giờ học. Thậm chí, ở phần học triết, giáo viên phải tập trung để giải thích nhiều hơn là học sinh phải hoạt động. “Nhiều lúc giải thích xong hết các khái niệm cũng vừa vặn hết giờ”, một giáo viên GDCD một trường THPT ở Hải Phòng cho biết. Bên cạnh đó, các phương tiện hỗ trợ giảng dạy không nhiều và phần lớn giáo viên phải sáng tạo qua việc “bắt” học sinh chuẩn bị tranh vẽ theo các chủ để học. |
Còn M.H một học sinh lớp 12 tại TP.HCM thì chia sẻ: “Đến tiết GDCD, các bạn trong lớp mình ngủ bù, cũng không ít bạn cứ nhè tiết này xuống phòng y tế... giải lao. Thật tình tụi mình không tiếp thu được gì, cũng chẳng bao giờ áp dụng được gì từ môn học này, thế nên rất coi nhẹ ”...
Đồng cảm với T.M và M.H, rất nhiều bạn trẻ đã tham gia nêu ý kiến. Ví dụ như một thành viên có nick “Cat Tuong Ngo” nhận xét: “Mỗi lần tới tiết GDCD là trò gật gù... ngủ, còn cô thì gần như chỉ dạy cho có...”. Một thành viên khác lại mong muốn: “Đáng lý dành cho việc dạy cách làm người, dạy các chuẩn mực đạo đức còn hơn, tiên học lễ hậu học văn đến trường đâu riêng để học kiến thức, còn học làm người nữa chứ. Thế mà môn GDCD lớp 10 học như triết, lớp 11 học như kinh tế chính trị, còn 12 thì học pháp luật như của đại học, vừa khó hiểu lại chả phù hợp tý nào cả”. Thành viên có nick “Anh Dang” thì rầu rĩ so sánh điểm môn GDCD với xếp loại hạnh kiểm: “Điểm trung bình môn GDCD 9,8 mà hạnh kiểm thì yếu. Bó tay!”...
Giáo viên không biết dạy để làm gì!
Sau sự kiện động đất, sóng thần ở Nhật tháng 3 vừa rồi, khi báo đài loan tin về cảnh người dân Nhật bình tĩnh đối phó với động đất, không có tình trạng hôi của, không xô đẩy khi xếp hàng nhận đồ cứu trợ, một đứa bé 9 tuổi cũng suy nghĩ vì người khác khiến cả thế giới ngả mũ... thì rất nhiều người Việt Nam đã giật mình nhìn lại mình và nhìn ra xung quanh. Và từ đó rất nhiều câu hỏi tự vấn, câu hỏi dành cho ngành giáo dục nước nhà đã được đặt ra. Trong số những câu hỏi này, có không ít câu mà hàm ý của người hỏi hướng đến giáo viên môn GDCD, những người được giao trọng trách chèo đò đưa học sinh tới bến bờ nhận thức. Vậy từ vai trò của mình, các giáo viên đã nói gì về môn học GDCD?
Cô giáo Huỳnh Thị Minh Lý - Tổ trưởng Tổ GDCD Trường Lê Hồng Phong (TP.HCM) chia sẻ: “Môn GDCD hiện nay thiên về lý thuyết, mang tính hàn lâm, chưa đưa ra những bài học giúp học sinh giải quyết những tình huống trong cuộc sống. Nguyên một học kỳ của chương trình lớp 10, học sinh phải học nội dung chủ nghĩa Mac - Lênin. Ngay cả giáo viên cũng không biết dạy những kiến thức này cho học sinh để làm gì. Nguyên chương trình lớp 11 thì không hề có một bài đạo đức nào”.
Cô Phan Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội): “Chương trình và SGK có một số bất cập khiến cho cả giáo viên và học sinh khó tiếp thu. Triết học là môn học khó, nhưng lại được đưa ngay vào chương trình đầu tiên của lớp 10, khi học sinh bắt đầu vào trường cấp 3. Thay vào đó, khi vào lớp 10, học sinh nên được giáo dục đạo đức, sức tiếp thu dễ dàng...”.
Và, trong nỗi niềm của rất nhiều giáo viên GDCD trên cả nước, có thể thấy một điểm chung. Đó là họ đều cho rằng “bất cập trong SGK GDCD một phần nguyên nhân do tác giả không thực tế tham gia giảng dạy. Dẫn đến, cách phân bố khung chương trình không phù hợp, bài dài cho ít thời gian và ngược lại...”.
Tội phạm thanh thiếu niên tăng vì giáo dục “đang có vấn đề” Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng trong năm 2010, trên địa bàn cả nước có 13.572 đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên, trong đó 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Mười - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh thiếu niên trong thời gian gần đây đang có xu hướng tăng nhanh, nguyên nhân của tình trạng này là do giáo dục ở gia đình, nhà trường “đang có vấn đề”. |