“Phát minh” thú vị
Thời gian gần đây, món gỏi gà măng cụt xanh bỗng chốc được cư dân mạng "khai phá", trở thành "hot trend" trên khắp các trang mạng xã hội, được rao bán online rồi từ mạng xã hội lan ra các quán ăn và bếp gia đình...
Món trộn thịt gà luộc trở nên đặc biệt vì có thêm nguyên liệu là ruột quả măng cụt xanh xắt lát cùng với nhiều loại rau và gia vị như: rau răm, hành tây, cà rốt, đường, lạc, nước mắm, tỏi, ớt... Quả măng cụt xanh có vị hơi chua chua, ngọt ngọt, thanh mát rất "bắt miệng" với sự kết hợp này.
Theo PGS.TS.BS Trần Đình Toán, nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng, gỏi gà măng cụt xanh là một món ăn mới, gây sự chú ý, nhất là với giới trẻ hay và không ít người yêu thích ẩm thực. Ý tưởng về món ăn có thể xuất phát từ một nhóm người trẻ, hay một nhóm nông dân, hoặc một nhóm thực khách nào đó.
“Món ăn này coi như một sáng kiến hay là “phát minh” thú vị, được mọi người hưởng ứng, yêu thích và tạo thành xu hướng. Thời điểm trước, người ta cũng có ý tưởng về món xoài “bao tử” muối và kết quả sau đó thì giải quyết được đáng kể xoài rụng, xoài để xanh, góp phần hỗ trợ nông dân, nhất là nông dân đồng bằng sông Cửu Long, hoặc các tỉnh có nhiều diện tích trồng xoài tiêu thụ nông sản này... Tuy nhiên, không lâu sau món ăn này trở nên bình thường, và món gỏi gà măng cụt xanh này cũng sẽ giống như thế”, nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng nhận định.
Món ăn này đang gây tranh cãi với thông tin măng cụt xanh ăn kèm đường cát sẽ tạo thành độc tố. Ảnh: Mỵ Châu |
Chưa có tài liệu chứng minh việc ăn măng cụt xanh với đường cát gây ngộ độc
Trước thông tin món gỏi gà măng cụt xanh có thể gây ngộ độc, dưới góc độ chuyên gia về dinh dưỡng, PGS.TS.BS Trần Đình Toán chia sẻ: “Tôi cho rằng những người có ý kiến như vậy là đang nói đến lĩnh vực tương kị các món ăn với nhau. Ví dụ như có ý kiến là mật ong dùng với chuối hột có thể là nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nhiều tác giả viết về vấn đề tương kị thức ăn cũng chỉ là lưu truyền qua tài liệu nọ sang tài liệu kia và đúc kết. Có lẽ chưa ai dám thử ăn 2 món đó với nhau. Trên thực tế rất ít, rất hiếm có những bằng chứng để chứng minh rằng món ăn ấy gây ngộ độc nguy hiểm như thế nào”.
Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng, nói về vấn đề tương kị trong món ăn là nói về việc không nên ăn món này với món kia, thực phẩm này, với thực phẩm khác. Nếu có tương kị, thì trường hợp xảy ra có thể biểu hiện: Người ăn choáng váng, nhức đầu, chóng mặt một chút hay nôn ói, đi ngoài đau bụng một chút.
"Song đến mức nguy hiểm, đến chết người thì gần 50 năm công tác trong lĩnh vực dinh dưỡng, tôi chưa chứng kiến và ghi nhận”, bác sĩ Toán cho biết thêm. "Liên quan thông tin ăn gỏi gà măng cụt xanh có gia vị là đường cát gây ngộ độc, thì đến giờ chưa có cái tài liệu nào chứng minh".
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Đình Toán, việc ăn gỏi gà măng cụt xanh có gia vị là đường cát gây ngộ độc, hoàn toàn đến giờ chưa có cái tài liệu nào chứng minh. Ảnh: Mỵ Châu |
PGS.TS.BS Trần Đình Toán cho hay, quả măng cụt rất bổ dưỡng quý hiếm, giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất xơ, các vitamin tốt cho sức khỏe. Thậm chí vỏ quả măng cụt còn dùng làm một trong những nguyên liệu để chế ra thuốc giảm béo. Quả có tác dụng giảm mỡ trong cơ thể, hỗ trợ người bị cholesterol máu cao, mỡ máu cao, có vấn đề về tim mạch.
“Tuy nhiên, trong quá trình chế biến quả măng cụt xanh cần đảm bảo an toàn vệ sinh, loại bỏ những quả măng cụt rụng thối. Khi cắt vỏ ra thấy bên trong đã chuyển màu vàng hoặc thâm thì măng cụt không còn tốt như bình thường. Nên chọn những quả măng cụt ruột trắng, không nhũn... Quả măng cụt có mủ xanh cũng nên loại trừ. Khi cắt bỏ vỏ cứng, nên ngâm vào nước cho mủ tan trong nước...”, PGS.TS.BS Trần Đình Toán lưu ý.
Việc hấp thụ mỗi món ăn tuỳ thuộc vào cơ thể từng người, nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng khuyên, mọi người nên vừa ăn vừa "nghe ngóng" phản ứng cơ thể mình Những người không ăn được quả măng cụt chín thì không nên ăn quả măng cụt xanh. Quả măng cụt chín có nhiều đường và những người bị bệnh tiểu đường chỉ nên ăn một lượng vừa phải. Tương tự với chuối, na, mít, vải, nhãn, người bệnh tiểu đường vẫn ăn được, nhưng ăn chừng mực.