Bánh cuốn là món đầu tiên được đề xuất khi tới Việt Nam. Ở các quán bánh cuốn nóng, đa phần thực khách sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình chế biến. Theo đó, có hai loại bánh cuốn là bánh cuốn truyền thống với nhân thịt băm, mộc nhĩ và bánh cuốn trứng, bên trong có nhân trứng. Thực khách có thể chọn ăn cùng chả và nem chua, kèm theo các loại rau thơm, ớt, chanh hoặc tỏi để nêm nước chấm.
Thậm chí vì quá ấn tượng với món bánh cuốn, ông Bryan Washington là một cây viết nổi tiếng tại Mỹ đã viết một bài cảm nhận trên The New York Times. “Giống như rất nhiều món ăn Việt Nam, bánh cuốn có nhiều lớp, bắt mắt và nổi bật nhưng cũng khá dễ ăn. Ăn bánh cuốn ven đường vào buổi sáng trong sự ồn ào của những thực khách khác, ngồi trên ghế đẩu và bàn gấp, về cơ bản là một điều tuyệt vời. Độ dày của miếng bánh cuốn có thể khác nhau tùy theo cách làm của từng quán ăn và cả phần nhân cũng thế, nhưng bạn vẫn bị chinh phục hết lần này đến lần khác”.
Ở Sài Gòn, nổi bật là hủ tiếu - món ăn nổi tiếng phản ánh sự kết hợp ẩm thực mang tính lịch sử ở Việt Nam. Sự pha trộn của hủ tiếu là kết hợp truyền thống ẩm thực của Triều Châu và Khmer và được những người Việt hồi hương từ Campuchia giới thiệu đến miền Nam Việt Nam vào những năm 1970.
Hủ tiếu là sự kết hợp tuyệt vời giữa các nguyên liệu đa dạng, phong phú. (Ảnh: Hồng Phát Quận 3) |
Tiếp theo không thể không nói đến bún chả. Các quán bún chả nằm trong khu phố cổ Hà Nội được nhiều du khách ưa chuộng. Bún là một đặc trưng khác của nền ẩm thực truyền thống Việt Nam. Bún và phở đều được làm từ gạo, nhưng sợi bún mảnh, tròn, và nhanh chua hơn phở. Bún được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng như bún bò, bún thang, bún riêu… Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất phải kể đến bún chả Hà Nội.
Món ăn gồm 3 thành phần chính: một bát nước chấm có đồ chua, thịt ba chỉ nướng và/hoặc những miếng chả mọng nước làm từ thịt bằm; một đĩa bún; và cuối cùng là rổ rau thơm gồm tía tô, rau mùi, xà lách.
Để thưởng thức trọn vẹn kiệt tác ẩm thực này, thực khách hãy bắt đầu bằng cách nhẹ nhàng gắp một ít bún và nhúng vào bát thịt lợn hấp dẫn. Cái hồn của món bún chả chính là những miếng chả nướng. Chúng giòn, mềm, dai, không bị khô hay bã, dậy mùi thơm từ than nướng, ăn chung với nước mắm chua chua ngọt ngọt chống ngấy, cân bằng lại hương vị cho món ăn. Thêm một ít rau và thưởng thức sự hòa quyện tuyệt vời của vị mặn, chua, cay và ngọt thì quả là tuyệt hảo.
Bún chả là món ăn truyền thống Việt Nam thơm ngon, khó quên. Ngay cả cựu tổng thống Mỹ Obama cũng lựa chọn thưởng thức khi ghé thăm Hà Nội. Michelin gợi ý các quán: Bún Chả Ta (Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội), Bún Chả Đắc Kim (Hà Nội), Tuyết Bún Chả 34 (Hà Nội).
Xôi là món ăn sáng quen thuộc đối với người Việt Nam. Trước đây chỉ có các loại xôi truyền thống như xôi lạc, xôi gấc đơn giản. Tuy nhiên để phục vụ nhu cầu thưởng thức của thực khách, xôi được bán ăn kèm các loại topping đa dạng như thịt kho, trứng kho, lạp xưởng, pate, chả lụa, dưa góp... Người dân địa phương thường ăn xôi vào buổi sáng hoặc bữa trưa. Địa điểm gợi ý: Xôi Bát, TP HCM.
Theo các thanh tra của Michelin, nếu đến Việt Nam mà không ăn thử phở là một “điều không tưởng”. Phở được xem là “quốc hồn quốc túy”, đại diện cho ẩm thực truyền thống Việt Nam. Phở mang hương vị đậm đà làm say lòng không chỉ những người con đất Việt mà cả những người bạn quốc tế. Phở bò và phở gà là những món ăn quen thuộc của người dân địa phương, và cả hai đều được tôn vinh trên toàn cầu.
Phở có nguồn gốc ở miền Bắc nhưng hiện nay đã trở thành món ăn quốc gia của Việt Nam. Đặc trưng của món là bánh phở trắng dai, ăn cùng nước dùng hầm từ xương, kết hợp cùng các loại gia vị như thảo quả, hoa hồi, đinh hương, địa sâm… Một bát phở bao gồm nước hầm thịt bò hoặc gà có hương vị gừng và rau mùi, được thêm vào sợi phở, hành lá cùng các loại thịt bò hoặc gà.
Bánh cuốn là món đầu tiên được đề xuất khi du khách đặt chân tới Việt Nam. |
Phở ở Việt Nam có thể được tìm thấy trên hầu hết mọi thực đơn. Món nước này có thể ăn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng chủ yếu được ăn vào bữa sáng. Trước khi bạn thưởng thức phần ăn của mình, hãy vắt một lát chanh lên trên và thêm một chút ớt bột để tăng hương vị. Một số địa điểm được Michelin gợi ý: Phở bò Ấu Triệu, Hà Nội; Phở gà Nguyệt (Hà Nội); Phở Minh (TP HCM); Phở Hòa Pasteur (TP HCM).
Tờ tạp chí của Anh Rough Guides cũng từng giới thiệu: “Một bát phở bao gồm nước hầm bò hoặc gà, có hương vị gừng và rau mùi, thêm sợi phở mềm và hành lá. Bát phở có thêm thịt gà miếng, thịt lợn hoặc thịt bò. Nếu ăn chay, bạn có thể lựa chọn đậu phụ”. Tạp chí Anh gợi ý du khách nên vắt thêm chanh hoặc dấm tỏi, và một chút ớt để tăng thêm hương vị cho bát phở.
Trước đó, bảng xếp hạng Taste Atlas hàng năm về các nền ẩm thực hàng đầu thế giới, thành phố ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới hay những món ăn ngon nhất thế giới… cũng được công bố. Taste Atlas được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới”, chuyên giới thiệu ẩm thực địa phương của những quốc gia khác nhau để khơi dậy sự hứng khởi khám phá của du khách.
Theo đó, đối với danh sách 100 nền ẩm thực hàng đầu thế giới, top 20 lần lượt gồm: Ý, Nhật Bản, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Indonesia, Mexico, Pháp, Tây Ban Nha, Peru, Ấn Độ, Brazil, Ba Lan, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Croatia, Serbia.
Việt Nam có nền ẩm thực đứng ở vị trí thứ 22 trên thế giới theo đánh giá của bảng xếp hạng này với số điểm trung bình 4,44/5. Các món ăn hàng đầu là phở bò, bún chả, quẩy, bánh hỏi, nem rán, bánh xèo, bún bò huế, bò kho. Có hơn 400.000 phiếu bầu và chấm điểm tham gia danh sách 100 nền ẩm thực hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, Taste Atlas cũng đưa ra danh sách 100 thành phố ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới được chọn lọc trong số 16.601 thành phố thuộc cơ sở dữ liệu của trang này và kết quả dựa trên 395.205 phiếu bầu của người đọc. Đại diện Việt Nam trong danh sách là Huế, TP HCM với các món ăn nổi bật: bún bò Huế, bánh bèo, nem lụi, chả giò, chè, phở, bánh mì…
Michelin Guide là tổ chức xếp hạng ẩm thực nổi tiếng thế giới. Sao Michelin được trao cho những nhà hàng được đánh giá đạt tiêu chuẩn đặc biệt cao. Các quán ăn đạt yêu cầu có thể nhận một, hai hoặc ba sao và giải thưởng này được đầu bếp trên khắp thế giới thèm muốn.
Hệ thống sao Michelin lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1926, với một sao duy nhất biểu thị “nhà hàng rất tốt”. Ngôi sao thứ hai và thứ ba được thêm vào năm 1933, với hai ngôi sao có nghĩa là “nấu ăn tuyệt vời đáng để quay lại” và ba sao là “ẩm thực ngoại hạng, đáng để thực hiện một hành trình đặc biệt”.
Hồi tháng 6, Michelin Guide lần đầu tiên vinh danh 106 nhà hàng, cá nhân của Việt Nam tại 4 hạng mục: Michelin Stars (sao Michelin), Michelin Selected (Michelin đề xuất), Bib Gourmand (các quán ăn ngon với giá cả phải chăng) và Michelin Guide Special Awards (giải thưởng đặc biệt).
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu