Ung thư phổi - những ám ảnh khói thuốc
Cách đây 2 tháng, ông Nguyễn Văn L ở Cao Bằng có biểu hiện ho kéo dài kèm theo các triệu chứng đau tức ngực, buồn nôn. Điều trị, uống thuốc nhiều nơi không khỏi, ông được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Tâm trạng buồn bã, ông L cho hay: “Trước đây, mỗi ngày tôi thường hút một bao thuốc lá. Thời gian hút thuốc kéo dài khoảng 30 năm thì tôi có triệu chứng ho, đau tức ngực. Tuy nhiên, do chủ quan nên tôi bỏ qua tất cả những lời cảnh báo có thể nguy hiểm đến sức khoẻ của mình và vô tư hút nhiều hơn, thậm chí khi buồn là cứ hút vô tội vạ.
Khi những đợt ho kéo dài đến nỗi ra cả máu, tôi được đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại đây tôi được các bác sĩ kết luận bị ung thư biểu mô tuyến giai đoạn 4 vì hút thuốc lá quá nhiều. Lúc này có ân hận thì tôi vẫn phải chấp nhận sự thật. Nỗi ám ảnh này sẽ kéo dài trường kỳ trong tôi.
Bây giờ tôi chỉ biết động viên, khuyên con cái nên bỏ thuốc lá. Tôi không muốn các con lại dẫm lên vết xe đổ của mình nữa”.
Gần phòng bệnh với ông L, ông Hoàng Văn T, 66 tuổi ở Bắc Giang cũng từng là một “con nghiện” thuốc lá. Trong 40 năm liền, ông T hút thuốc lá hàng ngày đến nỗi hàm răng ám đen màu khói thuốc. Cách đây 4 tháng, ông T cảm thấy đau đầu, buồn nôn nên được gia đình đưa vào Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu để thăm khám.
Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, bác sĩ tại đây kết luận ông bị ung thư biểu mô vảy (ung thư phổi giai đoạn 4) di căn não.
“Khi chưa ngã bệnh thì thấy việc hút thuốc lá là bình thường nhưng bây giờ thì tôi thấm thía rồi. Gia đình đã nghèo nay vướng vào bệnh, tôi chỉ thương các con các cháu lại phải chạy vạy, lo lắng cho mình”, ông T buồn bã nói.
Một tuần 20 bệnh nhân nhập viện
Th.S, BS Phạm Văn Thái, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Mỗi tuần có khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì ung thư phổi do hút thuốc lá. Con số này vẫn chưa bao gồm những bệnh nhân cũ thăm khám theo hẹn”.
Theo ghi nhận của PV, mặc dù đã hơn 4 giờ chiều nhưng phía trước cửa phòng xét nghiệm vẫn rất đông bệnh nhân. Trong thời tiết nắng nóng, những người bệnh phải ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ để được gọi tên vào thăm khám.
Theo ông Thái những bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi do hút thuốc lá tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu nằm ở độ tuổi trung niên sau 40 tuổi. Hầu hết những người bệnh đều hiểu biết và nắm bắt những tác hại của việc hút thuốc lá, thuốc lào gây nên nhưng họ vẫn hút rồi tự chịu đau đớn, quằn quại.
|
Th.S.BS Phạm Văn Thái đang làm việc trên robot dẫn đường, hỗ trợ sinh thiết và đốt u |
“Triệu chứng của người bị ung thư phổi do hút thuốc lá tuỳ thuộc vào từng người bệnh và giai đoạn bệnh. Ba mức độ cơ bản thường là tác động đến hệ hô hấp; khối u chèn, xâm lẫn và khối u tiến triển, di căn gây hôn mê, liệt nửa người hay co giật”, bác sĩ Thái nói.
Thực tế và khoa học đã chứng minh thời gian hút thuốc lá càng nhiều, với số lượng càng lớn thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Trong đó, người hút thuốc trên 10 năm nguy cơ ung thư gấp trên 10 lần người bình thường. Khi bệnh đã tiến triển nặng thì mức độ chữa trị khỏi bệnh là hoàn toàn vô nghĩa.
Hiện tại, Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu đang đưa vào triển khai và thử nghiệm công nghệ mới trong việc chữa trị cho những bệnh nhân ung thư với tên gọi robot dẫn đường, hỗ trợ sinh thiết và đốt u. Hiện tại đội ngũ y bác sĩ tại đây đang được học và thực hành loại công nghệ mới này. Được biết robot dẫn đường, hỗ trợ sinh thiết và đốt u đã được sử dụng thành thạo ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.