Kỷ lục ghép 11 loại quả
Từ gần một tháng trước, ngôi nhà của ông Giáp đã tấp nập người ra vào, tìm mua cây cảnh.
Ông Giáp cho hay, năm 2012, khách tới mua cây cam, bưởi cảnh về chơi Tết tỏ ra thích thú với cây ghép quả của ông. Từ đó, tiếng lành đồn xa, cây ghép quả mang “thương hiệu” Đức Giáp ngày càng được thị trường ưa chuộng.
“Tỷ phú” nông hồ hởi: mỗi năm thu nhập từ việc bán cây ghép từ 5 đến 10 loại quả trong dịp Tết lên đến 2 – 3 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí thì mỗi năm lãi được khoảng 400 - 500 triệu đồng.
“Nếu ngày xưa trồng cây ăn quả việc để ra 400- 500 triệu đồng/năm là vô cùng vất vả nhưng đối với cây cảnh thì nhàn hơn. Ngoài vấn đề phục vụ cuộc sống hàng ngày, làm được gian nhà gian cửa khang trang hơn thì tôi còn có thể để ra được chút ít”, ông Giáp chia sẻ.
Một cây cảnh ghép 11 quả tại vườn của ông Lê Đức Giáp |
Được biết, năm nay vườn nhà ông có khoảng 60 cây ghép 10 loại quả bao gồm 3 loại bưởi là bưởi Diễn, bưởi đào, bưởi sần; cam cũng có 3 loại là cam Đường Canh, cam Vinh và cam Trung Quốc (hay còn gọi là cam chín muộn), ngoài ra còn có quả phật thủ, chanh đào, quýt và quất, và thay đổi thêm một loại cam nào đó là đủ 11 loại quả. Tất cả những loại quả này đều được ghép trên gốc bưởi Diễn ít nhất một năm tuổi.
Ông Giáp cho biết: “Năm nay có tháng nhuận nên tôi phải ghép muộn hơn 1 tháng để quả chín kịp đúng dịp Tết. Mỗi năm thường tôi sẽ ghép quả vào khoảng tháng 4 - 5 (Âm lịch). Mỗi loại quả có thời gian chín khác nhau nên phải ghép trong vòng 7 tháng để đến Tết chúng cùng chín, để được màu sắc đẹp nhất. Cây có thể trưng được khoảng 2 đến 3 tháng, từ tháng Chạp đến hết tháng Giêng, tháng Hai âm lịch vẫn đẹp”.
Về giá cả, ông Giáp cho biết giá cả của cây không phụ thuộc vào số lượng các loại quả được ghép vào cây mà phụ thuộc vào độ lớn của cây. Để hợp với túi tiền của người mua ông tạo ra những giống cây ghép từ 5 – 11 loại quả đủ các kích thước với chiều cao từ 1m trở lên. Mỗi cây đều có gia giao động từ 1,5 – 10 triệu đồng, theo ông mức giá tiền như vậy sẽ phù hợp với thu nhập của nhiều người hơn, cây dễ bán hơn.
Hiện tại số cây cảnh trong vườn của ông Giáp đã bán được khoảng 60% với các khách đa phần ở Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình…khách ở những nơi xa như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình cũng tìm về hỏi mua. Có những khách quen ông chỉ cần gửi ảnh qua Zalo họ sẽ chọn và ông thuê xe chở vào chứ không cần khách ra xem tận nơi.
Sau khi chơi Tết xong, nhiều khách hàng còn gửi cây ngũ quả xuống nhờ ông chăm sóc hộ. Mỗi gốc cây như thế ông lấy vài triệu đồng, bao gồm tiền công chăm sóc, chi phí mua quả về ghép.
Vườn cây cảnh ghép trị giá nửa tỷ đồng của ông Giáp |
Giúp người khác là niềm vui, là động lực
Theo chia sẻ của ông Giáp, ông tìm đến công việc này khá muộn sau khi đã trải qua nhiều nghề khác nhau. Năm 2000, ông bước vào nghề làm vườn với giống cây cam Đường Canh nổi tiếng. May mắn bởi ông nhận được sự giúp đỡ của nhiều người bạn trong nghề, cùng sự nỗ lực học hỏi của bản thân mình mô hình làm cam Đường Canh của ông Giáp thành công với năng xuất được đánh giá vào loại khủng. Lúc đó đã có bài báo đã ví von ông như “Vua cam Đường Canh giữa đất Hà Thành”.
Lúc đó, trong giới làm vườn việc trồng cam Đường Canh thành công vẫn được coi là một việc làm khó. Nhận thấy nhiều người muốn trồng cam Đường Canh nhưng lại lo sợ loài cây nổi tiếng khó tính này ông Giáp quyết định phải làm được điều gì đó để thay đổi suy nghĩ của họ. Và ông đã tiến hành thực hiện ý tưởng làm cây cảnh ghép nhiều loại quả của mình.
Theo ông Giáp: “Việc ghép nhiều loại quả vào một cây cũng giống như bác sĩ bảo lấy gan thận người này ghép người kia. Tôi nghĩ tới khi nào mình thành công thì chẳng cần nói người ta cũng tin. Người ta sẽ thấy rằng ghép quả vô lý còn làm được thì việc trồng cam Đường Canh càng đơn giản”.
Năm 2012, ông Giáp được phong tặng giải thưởng Công dân ưu tú của thủ đô nhờ đó nhiều người trên khắp mọi miền tổ quốc biết đến mô hình làm cây cảnh, cây ăn quả của gia đình ông. Bởi vậy mà có rất nhiều người gọi điện tới để hỏi về mô hình cũng như kinh nghiệm làm vườn của ông.
Những tấm bằng khen được ông Giáp treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà |
“Ai gọi đến mình cũng tư vấn nhiệt tình cả, có hôm 12h đêm người ta vẫn gọi để nhờ mình giúp. Chương trình Nhà nông làm giàu cũng về quay, người ta có được số gọi về liên tục, có ngày cả hàng chục cuộc gọi nhỡ”, ông Giáp hồ hởi nói về việc giúp đỡ mọi người.
Không chỉ giúp đỡ về kỹ thuật, ông Giáp còn sẵn sàng đầu tư cây giống cho nhiều hộ sau 1- 2 năm khi người ta thành công ông mới lấy tiền. Không những thế ông còn trực tiếp đến từng vườn, tận mắt xem xét mô hình, thực trạng cây trồng để hướng dẫn người ta một cách chính xác nhất. Ông Giáp chẳng ngại đường xa từ Lạng Sơn cho tới Nghệ An, cứ ai nhờ là ông đều đi.
Với ông việc chia sẻ kinh nghiệm với mọi người vừa giúp họ, vừa giúp bản thân bởi có nhiều người cùng làm mới có một nguồn cung hoa quả dồi dào có chất lượng ra thị trường thì mới cùng tồn tại được. Nói sâu xa về lý do không giữ lại bí quyết cho bản thân ông Giáp chia sẻ: “Ngày trước mình cũng là gia đình nghèo và trải qua nhiều ngành nghề đến năm 200 khi biết đến mô hình làm vườn, đến 1 số anh em mình được sự ủng hộ và giúp đỡ của rất nhiều anh em. Sau này mình thành công mình cũng truyền lại cho ngta. Khi mình thấy người ta thành công mình rất vui và mình cũng đền đáp được cái công mà những người đã gíup mình”.
Tới thời điểm hiện tại, ông Giáp không nhớ nổi đã giúp được bao nhiêu người, chỉ có duy một điều ông nhớ nhất đó là thi thoảng vào dịp năm hết Tết đến hay ngày thường lại có người gọi điện hoặc tìm đến nhà để cảm ơn. Họ có thể là những người ông đã từng giúp đỡ hoặc được những người ông đã chia sẻ kinh nghiệm giúp họ thành công.