Thiếu vi chất - ảnh hưởng sức khỏe và trí tuệ người Việt
Năm 2014-2015 theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 9,8%, mức trung vị I-ốt niệu là 8,4 mcg/dl. Tỷ lệ này cao gấp gần 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (<5%). Tỷ lệ này cũng cao gần gấp 3 lần so với số liệu năm 2005 của Việt Nam (là 3,6%) khi tuyên bố thanh toán tình trạng bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt. Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia có tình trạng thiếu I-ốt trên thế giới. Thiếu hụt I-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến mất khả năng trí tuệ ở trẻ em, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ, gây ra các rối loạn khác như bệnh bướu cổ, đần độn.
Tình trạng thiếu sắt cũng khá quan ngại. Kết quả điều tra tình trạng thiếu máu của phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng tuổi do Viện Dinh dưỡng tiến hành cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 31,9%, phụ nữ không có thai 24,4% và trẻ em dưới 5 tuổi 27,7%. Thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn.
Tình trạng thiếu kẽm khiến nhiều người lo lắng. Kết quả Điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng tuổi do Viện Dinh dưỡng tiến hành cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 82,5%, phụ nữ không có thai 60,7% và trẻ em dưới 5 tuổi là 68,3%. Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em.
Dù đã cải thiện nhưng tình trạng thiếu vitamin A vẫn đáng báo động. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,1% và tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp vẫn ở mức 35%. Tổ chức Y tế Thế giới vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng (trên 10% trẻ dưới 5 tuổi). Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển. Thiếu vitamin A ở mức độ nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt, được gọi là bệnh “khô mắt”, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.
Ngoài ra, một số vi chất dinh dưỡng khác cũng đang bị thiếu hụt như axit folic, vitamin D, vitamin B1, vitamin K..., tuy nhiên 4 vi chất dinh dưỡng I-ốt, sắt, kẽm, vitamin A đang bị thiếu hụt một cách đáng báo động tới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, cần phải có can thiệp để giải quyết vấn đề này.
Nghị định 09 cần đi vào cuộc sống
Nhận thức về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng, ngày 28/1/2016, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 09/ 2016/ NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Nghị định quy định việc sử dụng muối đã tăng cường I-ốt trong chế biến thực phẩm và sử dụng bột mỳ đã bổ sung sắt/kẽm và vitamin A để chế biến thực phẩm là yêu cầu bắt buộc.
Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.
Tuy nhiên, tới nay, Nghị định 09 vẫn thực hiện một cách chậm trễ. Chậm trễ thực hiện Nghị định 09 đồng nghĩa với việc không thực hiện được các chính sách nhằm cải thiện tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng như Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng và Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, người tiêu dùng chậm trễ nhận được các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng, khiến vấn đề thiếu hụt vi chất dinh dưỡng vẫn còn tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng tới tầm vóc, trí tuệ nguồn nhân lực tương lai. Từ đó, gánh nặng về bệnh tật và các chi phí y tế của xã hội gia tăng để giải quyết các rối loạn do thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra.
Lý do chính của sự chậm trễ này đó là nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm gây tốn kém, tăng thêm chi phí sản xuất kinh doanh và làm thay đổi tính chất sản phẩm. Họ cũng cho rằng lượng vi chất quá nhỏ không còn tồn tại sau khi thực phẩm được chế biến, cũng không thể xuất khẩu các sản phẩm tăng cường vi chất đến các nước không yêu cầu.
Hơn nữa, việc không thực hiện đồng bộ Nghị định 09 tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đã tạo sân chơi không bình đẳng cho các doanh nghiệp tuân thủ và không tuân thủ, gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp đang thực hiện tốt quy định của pháp luật.
Trước vấn đề này, bà Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định, Nghị định 09 không ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu bởi tỷ lệ các doanh nghiệp xuất khẩu rất là nhỏ so với tỷ lệ thị trường trong nước. Công nghệ sử dụng để tăng cường vi chất dinh dưỡng hiện nay mà chúng ta sử dụng là công nghệ phối trộn vào khâu cuối cùng trước khi thành phẩm đóng bao bì thì các doanh nghiệp chỉ cần bỏ qua công đoạn này là có thể mang sản phẩm đi xuất khẩu.
Số các nước chấp nhận sản phẩm tăng cường vi chất hiện nay cũng rất khác nhau, một số nước thì chấp nhận tăng cường sắt, kẽm lại không chấp nhận tăng cường I-ốt, hoặc các nước ở châu Âu lại chấp nhận muối I-ốt, nên sản lượng xuất khẩu các sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng chỉ chiếm thị phần rất nhỏ so với các sản phẩm không tăng cường vi chất.
Để Nghị định 09 tiếp tục được thực thi có hiệu quả, các nhà quản lý và các nhà khoa học đều có tiếng nói chung về các giải pháp thúc đẩy Nghị định 09 đi vào cuộc sống. Đó là: Chính phủ giao cho các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó Bộ Y tế giữ vai trò chủ trì, phối hợp hiệu quả hơn nữa, tổ chức quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra và có chế tài xử lý vi phạm một cách nghiêm minh, hợp lý, đủ sức răn đe và có hình thức khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thực hiện tốt Nghị định 09 để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Tiếp đó, cơ quan quản lý thị trường cần thường xuyên kiểm tra quá trình lưu thông, tiêu thụ thực phẩm, nếu phát hiện các nhà phân phối, các đại lý
bán lẻ, tiêu thụ thực phẩm không có bổ sung vi chất dinh dưỡng thì phải xử lý theo quy định. Các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung nội dung tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thành một chương trong Luật An toàn thực phẩm cho toàn diện, tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm để mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền đồng bộ, thường xuyên và có chiều sâu từ Trung
ương đến địa phương, đa dạng các hình thức, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mục đích để các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao hiểu biết rộng rãi, đầy đủ và có trách nhiệm thay đổi hành vi, nhận thức trong tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm cũng như sử dụng các loại thực phẩm có bổ sung vi chất.
Các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc Nghị định 09 về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với sức khỏe, sự phát triển về thể chất, trí tuệ của con người và tầm vóc của người Việt, về ảnh hưởng đến xã hội, kinh tế và nguồn nhân lực quốc gia, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm túc Nghị định 09, sản xuất ra nhiều thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng, bảo đảm chất lượng để đưa vào thị trường và thực hiện trách nhiệm xã hội vì sự phát triển của cộng đồng.
Các cơ quan chức năng phối hợp với tổ chức khoa học, tổ chức xã hội trong các hoạt động nhằm tìm ra những bằng chứng khoa học, khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải hoặc phát hiện những doanh nghiệp làm tốt để đề xuất, tham mưu cho Chính phủ xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường…
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội cùng tham gia cùng với Nhà nước trong công tác giám sát và phản biện xã hội; cung cấp những bằng chứng khoa học, khách quan giúp Nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật về bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp vì sức khỏe, tầm vóc của người Việt.
Hơn ai hết, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức về lợi ích sử dụng thực phẩm được tăng cường vi chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ con người; thay đổi tư duy, chú trọng mua hàng theo nhãn hiệu, thành phần của sản phẩm và trở thành người tiêu dùng thông minh. Người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe, các thực phẩm có vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, tẩy chay những sản phẩm không bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Tất cả vì thể chất và trí tuệ người Việt…