Không phải chuyện… vặt vãnh
Những năm gần đây, tình trạng học sinh, sinh viên bị stress, tự tử không còn là chuyện hiếm gặp, đặc biệt trong giai đoạn thi chuyển cấp và thi đại học.Những câu chuyện về 5 em học sinh nữ lớp 7 ở tỉnh Hải Dương tự tử tập thể, hay 3 em học sinh trung học cơ sở ở tỉnh Đắk Nông uống thuốc độc dẫn đến tử vong,... hẳn vẫn còn khiến dư luận phải rùng mình khi nhớ lại. Và dường như những lời kêu cứu của một thế hệ cô đơn vẫn còn bỏ ngỏ trong im lặng. Khi mà vẫn liên tục có những cái chết lãng xẹt khi các em còn là những cô bé, cậu bé vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Không chỉ là những bế tắc, những dại dột bởi yêu sớm, bởi ngỡ tình yêu là tất cả cuộc đời này, nhiều cô cậu học trò tưởng như đủ đầy trong 1 gia đình đáng mơ ước, trong các trường chuyên lớp chọn cũng thường xuyên nghĩ tới tự tử. Theo các em, đó là sự cô đơn khi phải gánh trên vai quá nhiều khát vọng của cha mẹ, phải cầm kì thi họa, điểm luôn phải 9.10, phải cao hơn các bạn… Nếu điểm thấp đi một chút sẽ bị mẹ chì chiết, đay nghiến như một chuyện động trời, từ ngày này sang ngày khác…
Ngoài những kỳ vọng của cha mẹ, cũng có trường hợp bản thân các em tự gây áp lực cho chính mình. Đó là hệ quả đáng buồn của một nền giáo dục đặt nặng thành tích.Các em luôn có tâm lý ganh đua với bản thân, với bạn cùng lớp, thậm chí với anh chị em trong nhà. Khi vì một lý do nào đó mà các em bị điểm kém, thua thiệt so với bạn bè, các em có thể bị sốc, cho rằng mình kém cỏi, là “đồ bỏ đi” và rơi vào trạng thái trầm cảm, dễ nghĩ quẩn.
Mới đây, “Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học tại Hà Nội” là dự án hợp tác quốc tế giữa Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương với Đại học Melbourne (Australia), đưa ra những khảo sát với con số đáng lo ngại. Theo đó, 19,46% học sinh độ tuổi từ 10-16 gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội phát hiện 3,7% em có rối loạn hành vi. Tỷ lệ này đối với nam, nữ, tiểu học, trung học cơ sở, nội thành, ngoại thành không có gì khác biệt.
Theo khảo sát của dự án, quận Hai Bà Trưng có tỷ lệ học sinh gặp khó khăn về ứng xử cao nhất, với 44,2%, so với các quận còn lại là Hoàng Mai (28,8%), Từ Liêm (26,9%). Điều này cho thấy ảnh hưởng của điều kiện sống, môi trường sống tác động hành vi ứng xử của các em. Trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50% dân số Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu biết của người dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho đối tượng này còn nghèo nàn. Thậm chí, trong ngành y tế, chỉ một số lượng nhỏ nhân viên làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em. Chính họ cũng thiếu kỹ năng cần thiết để chăm sóc bệnh nhân.
Tại hội thảo quốc gia “Sức khỏe tâm thần trong trường học”, do Quỹ Tài năng Trẻ tâm lý học - giáo dục học - Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai, nhiều chuyên gia tâm lý, sức khỏe tâm thần đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng ngày càng sa sút của học sinh.
Tâm lý lo sợ không hoàn thành bài vở mới là nỗi ám ảnh với các học sinh lứa tuổi THPT, nhất là các em lớp 12. Từ đó, học sinh cảm thấy căng thẳng trong việc học. 13,6% học sinh khá cảm thấy ăn không ngon, 17,6% chỉ muốn uống nước hoặc sữa và gần 20% thường xuyên bỏ bữa. Thậm chí, một số em tâm sự đang đối mặt một kỳ thi quan trọng, sợ làm bài không tốt, sợ gia đình thất vọng và khi nghĩ đến những điều đó thì các em chỉ muốn... “nổ tung”.
PGS.TS.Trần Hữu Bình nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Không ít học sinh đã phải nhập viện điều trị, thậm chí tự tử vì sang chấn tâm lý sau khi có kết quả thi đại học hoặc do làm bài không tốt. Nguyên nhân do cha mẹ, nhà trường đặt kỳ vọng quá lớn, tạo thành áp lực cho các em. Không ít bệnh nhân vào viện điều trị rơi vào trạng thái buồn chán, trầm cảm, tuyệt vọng”.
Ngoài vấn đề học tập, mối quan hệ với bạn bè cũng là nguyên nhân gây bất ổn tâm lý ở học sinh. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy: Số học sinh bị bắt nạt sinh ra stress chiếm tỷ lệ tương đương số em bị stress do học tập. Những học sinh có tranh cãi gay gắt với thầy cô giáo hoặc bị thầy cô la mắng, hăm dọa hoặc bị phạt thì tình trạng bị stress cao hơn từ 22 - 40% so với những học sinh không bị như vậy.
Và khủng hoảng 1/4 cuộc đời
Không chỉ với lứa tuổi vị thành niên chơi vơi, mà những người trẻ đã từng học rất giỏi cũng rơi vào những hoang mang, bế tắc. Thanh, một sinh viên ĐH Y, cô đã từng là người luôn đứng đầu lớp suốt những năm tháng phổ thông. Thế nhưng, khi vào ĐH cô bị hẫng và bỗng học hành không tập trung được nữa. Cô bị sa sút học hành, đó là điều vô cùng tồi tệ với cô. Và sau đó cô trở nên hoảng sợ, yếu đuối, trầm cảm kéo dài… Những ngày nhốt mình trong phòng, Thanh chỉ muốn kết thúc cuộc đời để xã hội bớt đi một người thừa.
Có người thì bị khủng hoảng, cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình của mình. Một số bạn trẻ tâm sự đang mất phương hướng cho tương lai, đặt niềm tin nhầm chỗ…
Mai Hoa kể cô từng nhiều lần định tự tử khi cuộc sống gia đình thường xuyên bất hòa.Từ nhỏ, mình bị chính cha mẹ ruột ngược đãi. Những trận mắng, mưa roi xuất hiện mỗi khi họ có chuyện không vui. Nhất là lúc cha uống say về, những trận đòn trong ngày tăng theo cấp số nhân. Lúc đó, ngôi nhà không khác gì địa ngục.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho rằng việc những khủng hoảng của người trẻ xuất hiện do trước đó ta chưa có nhiều thời gian để hiểu bản thân mình thật sự mong muốn điều gì. Khi gọi tên được cảm xúc, hiểu được tình huống, bạn trẻ mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến cho rằng tuổi trẻ không sợ lựa chọn sai. Việc lựa chọn sai giống như lạc đường, không đến được điểm này thì tới được điểm khác và biết thêm con đường mới. Bạn trẻ đừng băn khoăn nghĩ nó sai, chỉ cần ở thời điểm đó lựa chọn là phù hợp.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến đưa ra lời khuyên khi đứng trước nhiều quyết định, người trẻ nên đưa ra các tiêu chí như lựa chọn đó có sự tương đồng, đặt ra thứ tự ưu tiên (theo sở thích, hậu quả của việc lựa chọn ấy nằm trong sự kiểm soát).
Và trong thời buổi Internet phát triển mạnh như hiện nay, khi được hỏi mạng xã hội ảnh hưởng như thế nào tới việc khủng hoảng của tuổi trẻ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành nhận định ở góc độ nào đó, mạng xã hội làm ta cảm thấy tồi tệ hơn. Khi một cái like (thích), bình luận sẽ khiến bạn vui trong giây lát nhưng sau đó ta lại trở về ngay với nỗi đau đó. Thậm chí, lúc này, nỗi buồn ấy còn sâu hơn trước bởi sự quan tâm hời hợt, không thật trên mạng.
Trên thực tế, không phải bạn trẻ nào cũng mạnh mẽ để vượt qua khủng hoảng ấy, có nhiều trường hợp chọn cách tiêu cực để giải thoát. Với giải pháp này, nhà báo Trung Tuyến khẳng định tự tử là cách thức đứng tại chỗ của cuộc khủng hoảng. Mỗi khó khăn sẽ mang đến cho ta một cơ hội mới, khi bạn tìm đến cái chết đồng nghĩa với việc trốn tránh việc lựa chọn.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn Nguyễn Thao phân tích có rất nhiều cách để vượt qua khủng hoảng. Người lựa chọn giải pháp tự tử là sai lầm, bởi nó không chỉ kết thúc khủng hoảng mà còn khép lại cuộc đời của chính mình. Chỉ khi, bạn đã đi qua được những khủng hoảng ấy, bạn sẽ hiểu đó là những khó khăn mà ai cũng phải đi qua trong cuộc đời…
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa - Phó Trưởng bộ môn Y tế Gia đình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có nhiều bậc phụ huynh khi tìm đến tư vấn tâm lý thừa nhận rằng mình không thường xuyên trò chuyện với con cái. Không ít người cho rằng chỉ cần chu cấp cho con một cuộc sống đầy đủ về vật chất là đã hoàn thành trách nhiệm của cha mẹ. Suy nghĩ này trở nên nguy hiểm khi con cái bước vào độ tuổi vị thành niên, với nhu cầu được lắng nghe, thể hiện tâm tư tình cảm của bản thân đặc biệt cao.
Có những trường hợp cha mẹ có lắng nghe, nhưng lại đánh giá vấn đề của con chỉ là vặt vãnh, chuyện “trẻ con” không đáng phải lo lắng. Bị cha mẹ xem nhẹ sẽ khiến trẻ tổn thương, chán chường, cho rằng cha mẹ không quan tâm hay yêu thương mình. Nếu tình trạng kéo dài, trẻ có thể đi đến hành động tự tử.
TS Nguyễn Phương Hoa cho rằng, điều quan trọng nhất để giúp trẻ vị thành niên thoát khỏi tình trạng trầm cảm hoặc hành vi tự tử là sự lắng nghe đúng cách từ cha mẹ. Tìm hiểu những vấn đề con gặp phải, hoặc con quan tâm và cố gắng đứng dưới góc nhìn của con để suy xét, hiểu được con cảm nhận thế nào. Thay vì áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con, cha mẹ nên kiên nhẫn nghe con giãi bày, sau đó trao đổi ý kiến với con, để con cảm thấy tâm tư, suy nghĩ của mình được tôn trọng thực sự. Khi ấy, trẻ sẽ tin tưởng cha mẹ và dễ dàng tâm sự với cha mẹ hơn.