Vẻ đẹp đánh đổi bằng sự đau đớn
“Ngay sau khi làm xong, tôi lên xe và khóc đến sưng cả mắt. Tôi cảm thấy như mình đã tự làm hại mình”, cô Tina đau lòng kể lại. Cô gái này là một trong số hàng nghìn phụ nữ trẻ đã tìm đến chất làm đầy như một biện pháp nhằm khắc phục nhanh chóng vẻ bề ngoài, từ đó giúp họ có được sự tự tin hơn. Tiêm chất làm đầy là một trong những thủ thuật thẩm mỹ dễ thực hiện nhất vì nó không cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia y tế tại các phòng khám đã đăng ký.
Tina, 24 tuổi, đã trả 75 bảng Anh (tương đương khoảng 98 USD) cho thủ thuật tiêm chất làm đầy trong một tiệm làm tóc ở gần nhà. “Thủ thuật đó dường như quá dễ dàng. Trước khi tôi nhận ra được rằng mình đang làm thủ thuật thì mũi tiêm đã được đưa vào người tôi. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng mình đang làm môi”, cô gái cho hay.
Tuy nhiên, trái ngược với sự hào hứng ban đầu của Tina, kết quả của việc thẩm mỹ lại không được như mong muốn. “Môi tôi trông thật khủng khiếp. Thực sự sưng tấy”, cô gái cho biết. Vẫn theo Tina, sau khi được tiêm chất làm đầy môi, đêm đó, cô đã trải qua một đêm mà theo cô là “chưa bao giờ đau đớn như vậy”. “Tôi đã thức từ 2h00 đến 5h00 trong phòng tắm để xoa dịu đôi môi. Tôi thậm chí lo rằng nó có thể phát nổ. Và tôi cảm thấy xấu hổ vì đã làm điều đó chỉ vì lợi ích phù phiếm”, cô gái đau buồn cho biết.
Thêm vào sự đau đớn về thể chất và tâm lý đó là việc bạn trai của cô không thông cảm cho cô. “Anh ấy phát điên lên. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ chia tay vì chuyện đó. Anh ấy nói rằng: “Em luôn nói rằng mình muốn trông thật tự nhiên, vậy tại sao em lại làm điều đó?”, cô kể lại.
Nhiều phụ nữ Anh tiêm chất làm đầy môi nhưng lại nhận lại đau đớn. |
Tina là một trong số rất nhiều phụ nữ trẻ cảm thấy cần phải cải thiện ngoại hình của mình bằng các thủ thuật thẩm mỹ. Một cuộc thăm dò của BBC được thực hiện vào tháng 10/2016 cho thấy 32% phụ nữ khi được hỏi cho biết đang cân nhắc phẫu thuật thẩm mỹ. Ở những người dưới 35 tuổi, con số này tăng lên 45%.
Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất ở phụ nữ tại Anh là nâng ngực. Một phụ nữ tên Sarah cho biết đã thực hiện ca phẫu thuật này khi cô mới 21 tuổi. “Tôi luôn không hài lòng với vẻ ngoài của cơ thể mình. Khoảng năm 13 tuổi, tôi mắc chứng rối loạn ăn uống. Tôi bắt đầu xét nét nhiều hơn về những thứ trên cơ thể mình. Tôi thực sự rất ghét chúng. Tôi nghĩ mục tiêu chính của sự căm ghét đó là bộ ngực của mình. Ở tuổi 18, tôi quyết định cách duy nhất để giải quyết tình hình là phẫu thuật thẩm mỹ”, cô gái kể.
Sarah đã tham dự buổi tư vấn miễn phí tại một phòng khám. Theo lời của cô gái này, tại đó, cô đã được một nhân viên niềm nở chào đón. Bằng con mắt quan sát, cô nhận thấy rằng người nhân viên đó có vẻ như không có chuyên môn về y tế. “Cô ấy hỏi tôi một vài câu hỏi về sức khỏe và sau đó đưa cho tôi một chiếc áo lót thể thao cùng một vài miếng đệm để lấp đầy nó. Vào thời điểm đó, tôi đang mặc một chiếc váy cỡ 4-6 và có khung xương rất nhỏ. Miếng độn là cỡ D, vì vậy mặc dù nhìn thì có vẻ rất thích nhưng tôi cũng nhận ra rằng mình không có ngực nên tình hình cũng không được cải thiện là mấy”, Sarah cho hay.
Dù vậy nhưng cô vẫn đã đăng ký làm thủ thuật nâng ngực và thanh toán khoản đặt cọc không hoàn lại là 500 bảng Anh. Ít ngày sau, cô trở lại phòng khám để tiến hành ca phẫu thuật ghép mô cấy vào bên dưới cơ ngực của cô. Sau ca phẫu thuật, Sarah đã phải chịu những cơn đau khủng khiếp đến mức trong suốt 2 tuần, đến mức cô không thể ngồi dậy trên giường mà không có sự trợ giúp.
Trái ngược với những suy nghĩ ban đầu, sau khi có được bộ ngực lớn hơn bằng cách phẫu thuật, cô gái trẻ lại cảm thấy bản thân hoàn toàn giả tạo. Dù đã dần quen và thích bộ ngực của mình nhưng Sarah cho biết cô vẫn cảm thấy xấu hổ khi có bạn tình mới.
Ít được kiểm soát
Theo báo cáo hàng năm của Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Anh (BAAPS), kể từ năm 2014, mức tăng hàng năm số quy trình thẩm mỹ được thực hiện ở Anh là 13%. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những lĩnh vực y học ít được kiểm soát nhất.
Năm 2011, bê bối túi ngực dỏm của công ty PIP của Pháp từng gây rúng động toàn cầu hồi sau khi các bác sĩ phát hiện ra rằng túi ngực này có tỉ lệ vỡ cao bất thường khi cấy ghép vào ngực. Vụ bê bối ảnh hưởng đến hơn 400.000 phụ nữ trên thế giới, hầu hết ở khu vực Mỹ Latin. Hàng ngàn người đã phải làm phẫu thuật lấy túi ra bất chấp các chuyên gia y tế ở nhiều nước tuyên bố rằng các túi này không độc hại.
Tại Anh, một vụ bê bối xảy ra vào năm 2010, khi hoàng loạt túi ngực được phát hiện đã được sản xuất bằng silicon công nghiệp thay vì silicon cấp y tế đã khiến chính phủ phải xem xét lại ngành công nghiệp này. Việc đánh giá nhấn mạnh đến hình thức tiêm hoặc làm đầy da mặt.
“Chúng tôi cho rằng chất làm đầy là một cuộc khủng hoảng chực chờ xảy ra”, bản đánh giá kết luận và khuyến cáo rằng thủ tục này chỉ nên được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ. Theo cựu Chủ tịch của BAAPS Rajiv Grover, quy định này sẽ làm cho chất độn an toàn hơn. “Quy định xác định phải chuyên gia y tế mới có thể thực hiện các phương pháp điều trị này. Quy định như vậy sẽ ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan. Rất nhiều chiêu tiếp thị tạo ấn tượng rằng những phương pháp điều trị này là tấm vé vàng cho sự quyến rũ. Chúng tôi cảm thấy điều đó hoàn toàn sai và chúng hoàn toàn không nên được tiếp thị”, ông nói.
Bản đánh giá cũng kêu gọi yêu cầu các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ bắt buộc phải đăng ký, trong đó liệt kê chuyên môn, bằng cấp chính thức của họ với những người tiêm chất làm đầy hoặc Botox và phải đóng bảo hiểm bắt buộc để chịu trách nhiệm khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra. Có điều, tất cả những quy định này đều không được thực hiện đầy đủ.
Thậm chí nhiều người đàn ông Anh cũng gánh chịu những tai biến đau đớn từ việc tiêm chất làm đầy. |
Bác sỹ Rosemary Leonard - người đã tham gia trong hội đồng đánh giá – cho biết bà cảm thấy đã lãng phí thời gian của mình vào công việc này. “Thành thật mà nói, tôi tự hỏi tại sao tôi lại bận tâm với việc đó. Kết quả là đã có rất ít những đề xuất đã được thực hiện. Thậm chí ngày nay, quy định về việc đưa chất làm đầy vào mặt những người có nhu cầu cũng không nhiều hơn quy định với một cây bút bi.
Bất cứ ai cũng có thể đưa chất làm đầy vào mặt ai đó. Tôi rất buồn và tức giận vì chính phủ đã thực hiện quá ít các khuyến nghị của chúng tôi”, bà nói. Trong quá trình làm việc, bà Leonard đã chứng kiến kết quả của nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện tồi tệ. “Tôi đã nhìn thấy một số vết sẹo khủng khiếp do phẫu thuật ngực không thành công”, bà cho hay.
Ngay cả khi các thủ thuật thẩm mỹ diễn ra tốt đẹp, mọi việc cũng không hẳn đã suôn sẻ hoàn toàn. Sharon Dhaliwal đã sửa mũi khi 23 tuổi sau khi bị bắt nạt ở trường. “Tôi có một chiếc mũi dài khoằm xuống và bác sĩ phẫu thuật nói rằng anh ấy có thể loại bỏ phần đầu đó”, cô kể lại. Dhaliwal cho biết sau ca phẫu thuật, cô trở nên hướng ngoại hơn và không còn co rúm lại khi soi gương.
Thế nhưng, đến nay, cô gái trẻ lại luôn tự hỏi liệu cô có nên coi chiếc mũi Ấn Độ nổi bật của mình là bình thường hay không hay tuân theo quan điểm châu Âu về vẻ đẹp, tức một chiếc mũi nhỏ, tròn và hơi tẹt mới là hấp dẫn. “Tôi đã xóa một phần nhận dạng của mình. Tôi cảm thấy khó chịu vì không ai nói với tôi rằng tôi xinh đẹp mặc dù tôi có một chiếc mũi cao, đẹp hơn”, cô gái cho hay.