Theo báo cáo của chính phủ Nhật, cả nước có khoảng 8,46 triệu ngôi nhà bỏ hoang như vậy, nhiều hơn 260.000 căn so với khảo sát năm 2013 và chiếm tới 13,6% tổng số nhà ở tại Nhật Bản.
Trong số đó, 4,99 triệu căn vẫn được đăng ký sở hữu với chính quyền địa phương và chủ của chúng đang có kế hoạch xây lại hoặc bán đi trong tương lai. Tuy nhiên, 3,47 triệu căn còn lại hoàn toàn bị bỏ hoang, tăng 9,7% so với khảo sát lần trước.
"Những bất động sản bị bỏ hoang phần lớn nằm ở vùng nông thôn, nơi chứng kiến cuộc di dân quy mô lớn tới các đô thị trong vài thập niên qua, khi người dân muốn tìm cơ hội việc làm tốt hơn và muốn tận hưởng 'ánh sáng thành thị'", Adam German, phó chủ tịch Housing Japan, cơ quan bất động sản có trụ sở tại Tokyo, nói. "Khi bố mẹ hay người cuối cùng trong dòng họ qua đời, căn nhà bị bỏ trống".
Nhiều nguyên nhân
German cho hay có nhiều nguyên nhân khiến nhà bị bỏ hoang, như không người con nào muốn ở nhà cũ, vì thế chúng rơi vào tình trạng hư hỏng. Ngoài ra, có thể do mâu thuẫn trong quyền thừa kế tài sản như nhà được chia đều cho hai hoặc ba người con mà họ chưa thống nhất được phương án bán đi hay giữ lại.
Ông nói thêm các quy định phức tạp và khó hiểu về quyền thừa kế của Nhật Bản, cũng như thuế thừa kế bất động sản cao, cũng tạo thêm khó khăn cho quá trình giải quyết các căn nhà hoang.
Nhiều người già qua đời mà không có người thân hay không để lại di chúc chuyển nhượng tài sản cho bất kỳ ai nên nhà của họ bị bỏ lại trong tình trạng lửng lơ, chính quyền địa phương không có quyền bán, sửa chữa hay xây mới đối với chúng.
Dân số giảm cũng khiến nhu cầu sửa chữa hoặc xây mới nhà cửa giảm sút. Hiện dân số Nhật là 126 triệu người, nhưng con số này đang suy giảm và dự kiến còn 88 triệu vào năm 2065. Đa số người dân Nhật muốn sống ở thành thị, không nhiều người chọn phương án xây nhà ở ngoại ô.
"Không cần phải đi quá xa về phía nam Yokohama hay các vùng khác của huyện Saitama ở phía bắc Tokyo để chứng kiến thực trạng này", German nói. "Vấn đề không chỉ ở chỗ nhiều người ngại đi xa, mà thực tế trong xã hội ngày nay là người ta không kết hôn hay sinh con".
"Thay vì dựng nhà ở vùng ngoại ô, họ thích ở một mình, thuê căn hộ một phòng ngủ tại các quận gần nơi làm việc", ông giải thích.
Tokyo là một trong những nơi có mật độ dân số đô thị cao nhất thế giới, với trung bình 6.158 người/km vuông. Chính phủ Nhật cuối cùng cũng phải thừa nhận rằng họ cần phải làm gì đó để đảm bảo vùng nông thôn không bị chối bỏ.
Bên trong một bất động sản bị bỏ hoang ở đảo Hachijojima, Nhật Bản. |
Tháng 12 năm ngoái, nhà chức trách công bố kế hoạch tài trợ tới 27.400 USD cho bất kỳ ai chịu tới nông thôn sinh sống. Khoản tiền này giúp họ trang trải chi phí chuyển nhà, tìm việc làm mới hoặc thành lập công ty. Người ta cũng có thể chọn đầu tư tiền mua lại nhà cũ và cải tạo, biến nó thành ngôi nhà khang trang tiện nghi.
Trở lại quận Negishi, Nagasaku hy vọng những căn nhà vô chủ trên khu phố của mình sẽ sớm có người tới ở. "Chúng rất nguy hiểm, đang sụp dần", cô nói. "Sẽ thật tuyệt nếu chủ sở hữu cải tạo nhà cửa vì bây giờ trông nó thật xấu xí, nhưng có lẽ do quá lâu rồi nên họ đã quên mất nó. Chúng tôi không biết nữa".
Đề án akiya
Để giải quyết vấn nạn nhà hoang, người ta lập ra Đề án akiya, ví dụ như tại Okutama, nơi cách trung tâm Tokyo khoảng hai giờ ngồi tàu về phía tây. Những năm 1960, nơi đây có hơn 13.000 người sinh sống, chủ yếu làm nghề buôn bán gỗ. Nhưng sau khi việc nhập khẩu gỗ được tự do hóa, nhu cầu gỗ giảm xuống trong những năm 1990, đa số thanh niên ở đây đã rời nhà lên thành phố. Ngày nay, Okutama chỉ còn 5.200 dân.
Năm 2014, thị trấn thành lập "ngân hàng akiya", đề án liên hệ người mua tiềm năng với những chủ nhà lớn tuổi hoặc bất động sản bỏ hoang. Trong khi các ngân hàng akiya đang phổ biến khắp Nhật Bản, mỗi thị trấn lại có quy định riêng.
Ví dụ, Okutama trợ cấp phí sửa chữa cho người dân dọn vào nhà mới, khuyến khích chủ cũ từ bỏ những bất động sản không người ở bằng cách trả 8.820 USD cho mỗi 100 m2.
Tuy nhiên, thị trấn quy định người được nhận nhà miễn phí hoặc nhà được hỗ trợ phí cải tạo phải có tuổi đời dưới 40, hoặc là vợ chồng có ít nhất một con dưới 18 tuổi và một trong hai người phải dưới 50 tuổi. Người nộp đơn xin nhà akiya cũng phải cam kết ở lại thị trấn hết đời và đầu tư nâng cấp nhà cũ. Có điều, cho đi nhà cũ cũng vô cùng khó khăn tại một đất nước mà ai cũng thích xây nhà mới.
Từ khi dự án bắt đầu tới nay, đã có 9 hộ gia đình vào ở các ngôi nhà trống. Họ đến từ mọi nơi, thậm chí New York, Trung Quốc bởi đề án akiya không giới hạn với công dân Nhật Bản.
Rosalie và Toshiuki Imabayashi là đôi vợ chồng người Philippines - Nhật Bản, sống ở trung tâm Tokyo với 6 đứa con, sẽ chuyển tới Okutama đầu năm 2019. "Nhà ở Tokyo quá chật. Chúng tôi thích Okutama bởi nó bao quanh là thiên nhiên nhưng lại nằm ngay cạnh Tokyo", Rosalie nói.
Đối với những người mới đến, nhà miễn phí thôi chưa đủ. Các khu vực bị bỏ hoang như Okutama cũng cần kế hoạch phát triển kinh tế bền vững, cũng như các hoạt động xây dựng cộng đồng giữa người dân địa phương và người mới chuyển tới.
"Nếu người ta tìm được cách khuyến khích các hoạt động kinh tế địa phương và hỗ trợ bản thân, họ sẽ tới và định cư ở vùng nông thôn", Jeffery Hou, giáo sư kiến trúc ở đại học Washington cho hay.
Khi phá dỡ những ngôi nhà không có người ở, cơ quan chức năng tìm thấy những cọc tiền mặt được cất giấu cẩn thận, dấu hiệu cho thấy cuộc sống cô đơn của người cao tuổi ở Nhật.
Cọc tiền 200.000 USD từng được tìm thấy tại một ngôi nhà bị phá dỡ ở Tokyo năm 2018. "Có lẽ một phần là do nhiều người già sống một mình. Số tiền có khả năng là khoản tiết kiệm bí mật mà các thành viên khác gia đình thậm chí không biết đến", Hideto Kone, phó giám đốc cơ quan cấp phép cho các chuyên gia dọn dẹp đồ đạc của người quá cố, giải thích.
Nếu không thể tìm được chủ sở hữu của những khoản tiền được cất giấu bí mật này và những người tìm thấy không đòi nhận nó, cọc tiền sẽ được gửi đến chính quyền địa phương. Chính quyền thành phố Tokyo năm 2018 nhận được khoảng 560 triệu yên (5 triệu USD) theo cách này.