Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (Ban Chỉ đạo 896) hôm qua họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo. Điều mà các thành viên Ban chỉ đạo đặc biệt quan tâm thảo luận là tìm nguồn kinh phí để triển khai đề án và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quá trình thực hiện đề án này.
3.500 tỷ đồng bằng 30 km đường cao tốc
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 896 gồm 17 thành viên do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Các Phó trưởng ban gồm Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Phó trưởng ban Thường trực), Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ. 12 thành viên Ban chỉ đạo đều là các thứ trưởng các bộ, ngành liên quan.
Phiên họp tập trung thảo luận về Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2013 – 2020; báo cáo tiếp thu giải trình các ý kiến thành viên Ban chỉ đạo và kết quả thực hiện đề án từ tháng 6/2013 đến nay.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 896 cho biết, thực hiện Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020, đã có nhiều việc được Văn phòng Ban chỉ đạo triển khai. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là sự phối hợp của các bộ, ngành còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ triển khai thực hiện đề án.
Về Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo như Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ, số tiền đầu tư là khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến sử dụng từ ngân sách nhà nước. Ông Ngô Hải Phan nhận định: “Theo yêu cầu của Đề án 896, đến hết năm 2015 phải xây dựng trung tâm dữ liệu và trang bị hạ tầng kỹ thuật đến cấp xã cho toàn quốc.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc bảo đảm kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là vấn đề lớn, cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm ưu tiên vì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nền tảng của việc cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân”.
Con số 3.500 tỷ đồng là băn khoăn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Hộ tịch và cũng là băn khoăn của các thành viên Ban chỉ đạo 896 khi thảo luận về tính khả thi của đề án. Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích: “3.500 tỷ đồng ước tính chỉ tương đương với kinh phí để làm 30km đường cao tốc, nhưng được cả một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có khả năng tiết kiệm cho người dân hơn 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Hơn nữa, với cách làm chắp vá hiện nay, bộ, ngành, địa phương nào cũng đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu cho riêng mình thì còn tốn kém hơn nhiều việc đầu tư xây dựng một cơ sở dữ liệu đồng bộ”.
Mời GS Ngô Bảo Châu và Viện Toán tham gia
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng thông tin việc Bộ Tư pháp đã liên hệ với GS Ngô Bảo Châu mời Viện nghiên cứu cấp cao về Toán tính phương án ứng dụng toán học cao cấp vào quá trình triển khai đề án này.
Qua thảo luận, các thành viên Ban chỉ đạo đề xuất phương án tìm nguồn vốn ODA để gỡ khó cho ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng tình phương án này và cho rằng đó là một giải pháp khả thi.
Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự ra mắt chính thức của Ban chỉ đạo là để báo cáo với toàn thể nhân dân về việc thực hiện Đề án 896 giai đoạn 2013-2020, trong đó phần việc quan trọng nhất là cấp số định danh cho mỗi cá nhân. Phó Thủ tướng yêu cầu: “Tất cả các thành viên Ban chỉ đạo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phải hoạt động quyết liệt, hiệu quả, không làm lãng phí những cái đã có”.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh việc triển khai thành công đề án này quyết định sự thành công của Chương trình cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020. Vì vậy, Ban chỉ đạo cần sớm hoàn chỉnh quy chế hoạt động của mình. Căn cứ quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, các bộ, ngành thành lập tổ công tác tại bộ, ngành mình. Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành triển khai một số nhiệm vụ cụ thể để việc triển khai Đề án thực sự khẩn trương, hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Hồng Thúy