Mời độc giả bình chọn các sự kiện nổi bật năm 2019 của ngành Tư pháp

Mời độc giả bình chọn các sự kiện nổi bật năm 2019 của ngành Tư pháp
(PLVN) - Thực hiện Quy chế bình xét các sự kiện nổi bật hàng năm của ngành Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 2196/QĐ-BTP ngày 26/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Văn phòng Bộ đã tổng hợp, xây dựng Dự thảo 10 sự kiện nổi bật năm 2019 của ngành Tư pháp. 

Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thăm dò dư luận đối với các sự kiện nổi bật năm 2019 của ngành Tư pháp trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Việc thăm dò dư luận kết thúc trước 11h00 ngày 20/12/2019. 

Dự thảo 10 sự kiện nổi bật năm 2019 của ngành Tư pháp như sau:

1. Khẳng định và nâng tầm vai trò tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật

Năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng tại các Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phối hợp cùng các bộ, ngành giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 18 dự án luật. Đặc biệt đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao chủ trì tham mưu tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng, như Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư ngày 30/3/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư ngày 09/12/2009 về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; sơ kết Hiến pháp năm 2013...

Việc đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện các văn bản nêu trên, nhận diện đầy đủ thời cơ và thách thức và từng bước nghiên cứu, xây dựng các luận cứ quan trọng để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách pháp luật đối với các lĩnh vực nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới.

2. Bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

Là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) - một trong các điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, có nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau,trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người xây dựngvà bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR trước Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc.

Việc bảo vệ thành công Báo cáo trước hết thể hiện cam kết mạnh mẽ và những nỗ lực không ngừng trong việc đảm bảo mọi người đều có cơ hội thụ hưởng các quyền này ở Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trên trường quốc tế. Đồng thời, việc bảo vệ Báo cáo quốc gia đã thể hiện tinh thần cầu thị, sẵn sàng đối thoại về quyền con người trên cơ sở Công ước, làm cho Ủy ban Nhân quyền và cộng đồng quốc tế hiểu rõ về thành tựu và thực chất vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, phản bác những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực phản động. Hoạt động này đã tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về quyền con người nói chung, các quyền dân sự, chính trị nói riêng; nâng cao nhận thức của người dân đối với các quyền dân sự, chính trị và việc thực thi Công ước tại Việt Nam; đồng thời tạo cơ sở để tiếp tục hoàn thiện các nội dung pháp luật có liên quan trong thời gian tới.

3. Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” - dấu ấn về sự chuyển biến mạnh mẽ của công tác PBGDPL, góp phần xây dựng, quản lý nhà nước bằng Hiến pháp và Pháp luật

Trong năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, các ngành, các cấp triển khai thực hiện việc đánh giá toàn diện về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. 

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác PBGDPL đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, coi công tác này là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Hoạt động PBGDPL dần dần đi vào nền nếp theo kế hoạch, chương trình cụ thể, được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm hơn trước; nội dung, hình thức PBGDPL đã chú trọng gắn với từng nhóm đối tượng và phù hợp với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương, yêu cầu nhiệm vụ của bộ, ngành; đã có sự kết hợp giữa PBGDPL với công tác giáo dục chính trị tư tưởng và các hoạt động tuyên truyền, vận động khác. Kết quả triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW trong 15 năm qua đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật; đồng thời là cơ sở để tham mưu cho Đảng, Nhà nước về phương hướng, giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng PBGDPL trong thời gian tới.

4. Chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 tăng 17 bậc so với năm 2018

Năm 2019, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về “Nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật” (Chỉ số B1)tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 08/10/2019, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (B1) năm 2019, được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP. Việc cải thiện thứ hạng chỉ số B1 đã góp phần cải thiện thứ hạng về trụ cột thể chế (tăng 05 bậc so với năm 2018), đồng thời, cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam (tăng 10 bậc so với năm 2018).

Những kết quả tích cực về điểm số và vị trí xếp thứ hạng chỉ số B1 đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tạo tiền đề thuận lợi để Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục duy trì, cải thiện chỉ số B1 và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo.

5. Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam

Nhằm nhận diện những vấn đề pháp lý đặt ra của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và tác động của nó đến hệ thống pháp luật Việt Nam, ngày 24/6/2019, Bộ Tư pháp tổ chức “Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng thể chế ở nước ta hiện nay. Hội thảo không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm chia sẻ, nhận diện rõ nét và đầy đủ hơn về cơ hội, thách thức; cùng với đó, Hội thảo còn là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân” bảo đảm an toàn pháp lý trong bối cảnh kinh tế số.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sáng kiến và quyết tâm của Bộ Tư pháp trong việc đề xuất, chủ trì tổ chức Hội thảo. Điều đó thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm và nỗ lực của Bộ, ngành trong việc nhận diện rõ hơn những vướng mắc về thể chế cần giải quyết trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết quả của Hội thảo cùng với phát biểu kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Tư pháp báo cáo và phổ biến rộng rãi cho các bộ, ban, ngành, các cơ quan truyền thông để triển khai các nhiệm vụ về hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan trong thời gian tới.

6. Kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp triển khai thành công việc kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh của trẻ em dưới 6 tuổi trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch với Hệ thống cấp Thẻ bảo hiểm y tế qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP). Đây là một bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí tối đa cho người dân; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ của cơ quan Nhà nước.

Việc kết nối liên thông dữ liệu cho phép UBND cấp xã và Phòng Tư pháp cấp huyện có thể gửi dữ liệu đăng ký khai sinh của trẻ dưới 6 tuổi sang Cơ quan Bảo hiểm Xã hội để xử lý một số thủ tục cần thiết trên phần mềm trước khi chính thức nhận Tờ khai đăng ký cấp Thẻ bảo hiểm y tế và Trích lục khai sinh của trẻ nếu trong trường hợp công dân khi đi đăng ký khai sinh cho trẻ dưới 6 tuổi đồng thời đăng ký liên thông cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ. Thông qua việc liên thông hồ sơ, thủ tục hành chính điện tử giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và cơ quan bảo hiểm, thời gian trả Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ đã được rút ngắn từ tối đa 5 ngày xuống còn từ 2 đến 3 ngày làm việc, một số trường hợp, việc cấp Thẻ bảo hiểm y tế đã được thực hiện ngay trong ngày, qua đó góp phần giảm chi phí cho người dân và cơ quan nhà nước, bảo đảm quyền lợi của trẻ em từ khi sinh ra.

7. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay

Năm 2019, trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2018, các cơ quan THADS đã nỗ lực thi hành xong trên 579 nghìn việc tương ứng với số tiền trên 52 nghìn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đã đề ra. Số tuyệt đối thi hành về tiền tăng gấp 2 lần so với năm 2018. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, khoản nợ của các tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả.

Để triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Trong đó, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, chẳng hạn như tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả pháp luật về tố tụng hành chính; xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân; thi hành, chỉ đạo thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành. 

8. Thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam 

Ngày 14/1/2019, Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức thành công, thành lập ra Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam, đại diện cho các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Việc thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về tổ chức và hoạt động của công chứng Việt Nam, đưa công chứng Việt Nam tiệm cận hơn với công chứng thế giới; tạo điều kiện cho đội ngũ công chứng viên xích lại gần nhau để cùng trao đổi kinh nghiệm và phát triển nghề nghiệp, tham gia và thực hiện nghĩa vụ với Liên minh Công chứng Quốc tế.

9. Trường Đại học Luật Hà Nội: 40 năm xây dựng và phát triển

Ngày 10/11/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trường (10/11/1079 - 10/11/2019). Nhân dịp này, Trường Đại học Luật Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2. Đây là niềm vinh dự và tự hào to lớn của Nhà trường; đồng thời tiếp tục khẳng định năng lực, uy tín trong đào tạo và nghiên cứu luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội; tạo động lực để Trường tiếp tục phát triển thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật để vươn mình đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước.

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội đã, đang là cơ sở đào tạo luật có uy tín đứng đầu tại Việt Nam. Từ năm 1979 đến nay, Trường đã đào tạo được hơn 100 nghìn lượt cán bộ pháp luật cho cả nước; nhiều đồng chí nguyên là cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị và có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực pháp luật, tư pháp của cả nước. Qua 40 năm, Trường đã có những đóng góp đáng kể vào các hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; PBGDPL ở Việt Nam và tham gia tích cực vào hoạt động hỗ trợ pháp luật cho nước bạn và xây dựng khoa học pháp lý khu vực Đông - Nam Á.

10. Hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục được phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và đi vào chiều sâu

Năm 2019, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục đi vào nề nếp, hỗ trợ tích cực cho công cuộc cải cách pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo bám sát, thể hiện đầy đủ và đúng đắn quan điểm, chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hợp tác với các đối tác song phương được tăng cường, đi vào chiều sâu; hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu được đẩy mạnh.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng liên bang CHLB Đức đã tổ chức Lễ ký Chương trình hợp tác 3 năm (giai đoạn 2019 – 4/2022) đối thoại Nhà nước pháp quyền, qua đó tiếp tục mở ra những cơ hội hợp tác mới cho Bộ Tư pháp nói riêng, cơ quan pháp luật và tư pháp của hai nước nói chung; phối hợp cùng với Bộ Tư pháp Campuchia tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ hai, tạo bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới…

Vui lòng tham gia bình chọn:

Thăm dò ý kiến
Mời độc giả bình chọn các sự kiện nổi bật năm 2019 của ngành Tư pháp

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.