Kết quả là EU về cơ bản nhất trí về định hướng giải pháp, cụ thể là sẽ kiểm soát biên giới ngoài của EU nghiêm ngặt hơn để người tỵ nạn không thể nhập cảnh bất hợp pháp và không để người tỵ nạn đã xâm nhập được vào EU có thể tự do đi lại trong EU. Các thành viên EU cũng nhất trí với nhau là không để lặp lại những gì đã xảy ra hồi năm 2015 - tức là người tỵ nạn ồ ạt đổ về EU và một số thành viên EU mở cửa biên giới đón dòng người tỵ nạn.
Định hướng và mục đích giải pháp cho vấn đề này như thế là rõ. Đằng sau đó là chủ ý tạo cảm nhận trong dân chúng của EU là EU hoàn toàn kiểm soát được tình hình, vừa hạn chế được số lượng người tỵ nạn xâm nhập vào EU vừa kiểm soát được diện những người xin tỵ nạn trong EU. Trong tình cảnh hiện tại của EU thì sự nhất trí về định hướng giải pháp như thế có thể được coi là kết quả tích cực - và vì thế có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị nội bộ, tâm lý và dư luận - đối với EU. Chỉ có điều là hội nghị này không đạt được sự nhất trí cần thiết về biện pháp thực hiện cụ thể nên tính khả thi của định hướng giải pháp ấy chưa được đảm bảo.
Việc thành lập cái gọi là những “trung tâm tiếp nhận” hay những “khu trại lưu giữ” người tỵ nạn ở trong hoặc bên ngoài phạm vi khuôn khổ lãnh thổ EU hiện chưa được bất cứ quốc gia nào ở châu Âu chấp nhận. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước Đức đã đạt được thoả thuận song phương với nhiều thành viên khác của EU về tiếp nhận trở lại những người tỵ nạn không được công nhận là người tỵ nạn, nhưng ngay lập tức đã bị không ít thành viên EU trong danh sách ấy bác bỏ. Cho nên dẫu có được định hướng giải pháp thì kết quả cuộc thượng đỉnh như thế thôi vẫn chưa thể đủ để giúp EU thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn và bế tắc trong chuyện này.