"Tại Việt Nam trong những ngày này, tất cả mọi con đường đều dẫn tới Hà Nội" - Hãng tin Jiji của Nhật Bản trích lời anh Yasuura, một nhiếp ảnh gia người Nhật vừa trở về từ Hà Nội.
Khối Bạn bè quốc tế tham gia Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sáng 10/10 tại Quảng trường Ba Đình. |
Những ngày qua, nhiều tờ báo và các hãng thông tấn nước ngoài đồng loạt đăng ảnh và những bài viết ca ngợi các hoạt động văn hoá đặc sắc của Việt Nam chào đón sự kiện Thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi.
Trong khoảng 1.000 nhà báo tới Hà Nội, đưa tin về các sự kiện diễn ra trong 10 ngày Đại lễ, có hơn 100 phóng viên nước ngoài.
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội kéo dài 10 ngày có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống chính trị và xã hội ở Thủ đô của Việt Nam, thể hiện hình ảnh Hà Nội, Thủ đô lịch sử nghìn năm văn hiến, chứa đựng lòng tự hào của người dân Việt Nam.
Liên tục trong một tuần qua, Chuyên mục Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội của Đài Truyền hình Cuba trong bản tin thời sự tối hàng ngày đã cho khán giả thấy được không khí lễ hội náo nhiệt của thủ đô Hà Nội, một nước Việt Nam đang trên đà phát triển không ngừng, những hình ảnh thân thiện của người dân Việt Nam, một Hà Nội văn minh, thanh lịch đan xen giữa truyền thống và hiện đại.
Đưa tin với tiêu đề “Lễ diễu binh lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay”, hãng thông tấn AFP của Pháp miêu tả Thủ đô Hà Nội của Việt Nam lung linh sắc đỏ với cờ đỏ sao vàng và búa liềm trên khắp ngõ phố.
Còn hãng tin AP của Mỹ trích dẫn diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc tại Quảng trường Ba Đình khẳng định, cách đây tròn 1000 năm, Đức vua Lý Thái Tổ với tầm nhìn chiến lược đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô Đại Việt.
Hãng tin Reuters của Anh trích dẫn lời đại diện của Tổ chức Kỷ lục Guiness Thế giới, bà Beatriz Fernandez nhấn mạnh, “tôi thực sự ấn tượng khi được tận mắt chứng kiến con đường gốm sứ của Việt Nam được công nhận là con đường gốm sứ dài nhất thế giới. Sự kiện này không chỉ góp phần đưa người dân trên khắp thế giới cũng như người dân Việt Nam, đủ mọi thành phần trong xã hội, xích lại gần nhau hơn”.
Tờ New York Times của Mỹ khi đề cập tới Di sản Hoàng thành Thăng Long nhận định, "Việt Nam là một điểm đến ngày càng được nhiều người Mỹ biết tới".
Tờ này cũng nhận định, Hà Nội ngày nay đã phát triển nhanh hơn, to đẹp hơn, với dân số hơn 6 triệu người. Xét về mỹ quan đô thị, Hà Nội đã thành công trong việc kết hợp giữa phát triển và bảo tồn, điều mà nhiều thành phố châu Á khác không làm được. Nhiều biệt thự đẹp của phố cổ đã được bảo tồn. Khu vực phố cổ với nhiều cửa hàng đông đúc thu hút khách du lịch vẫn tồn tại.
Hãng Bloomberg của Mỹ cũng đưa tin, việc Hà Nội đón mừng 1.000 năm tuổi là dịp để chứng tỏ sự phát triển kinh tế của đất nước sau nhiều thập niên chiến tranh. “Hà Nội đang trên đường trở thành một thành phố hiện đại toàn diện”, Peter Ryder, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Capital, người đã sống tại Hà Nội kể từ năm 1992, nhận xét.
Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản mô tả, nhiều người dân từ các địa phương không quản ngại xa xôi đã lên Hà Nội để tận mắt chứng kiến Đại lễ. Nhiều người đã thức suốt đêm giữ chỗ để xem diễu binh, diễu hành. Một người dân lần đầu tiên đến Hà Nội từ tỉnh miền núi Hà Giang trả lời phỏng vấn của Đài NHK cho biết, lễ diễu binh thật tuyệt vời và anh thực sự thấy xúc động khi được tận mắt chứng kiến.
Hãng tin Jiji của Nhật Bản trích lời anh Yasuura, một nhiếp ảnh gia người Nhật vừa trở về từ Hà Nội cho biết anh có cảm giác, tại Việt Nam trong những ngày này, tất cả mọi con đường đều dẫn tới Hà Nội. "Tôi cảm nhận rõ chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam khi đến thủ đô Hà Nội bởi tất cả người nước ngoài không phân biệt đến từ đâu đều được đón tiếp nồng nhiệt”, anh nói.
Nhân dịp này, tờ “Kim Tự Tháp buổi chiều” (Al Ahram Masaa) của Ai Cập và một số trang điện tử tiếng Arập đăng bài ca ngợi Hà Nội - Thành phố 1000 năm, một thành phố có bề dày lịch sử và có nhiều nét văn hoá đặc sắc, là địa điểm lý tưởng dành cho du khách nước ngoài.