Mở rộng quyền tư pháp đến đâu?

Nhận thức cho đúng, cho sâu sắc về quyền tư pháp cũng như về cơ quan tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp là vấn đề không đơn giản. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quyền tư pháp – cơ chế thực hiện và kiểm soát” để cùng nhìn nhận thực tiễn và phương hướng hoàn thiện cơ chế thực hiện và kiểm soát quyền tư pháp ở nước ta.

Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thì quyền tư pháp là một trong những nội dung quan trọng cần phải "giải mã". Tuy nhiên, nhận thức cho đúng, cho sâu sắc về quyền tư pháp cũng như về cơ quan tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp là vấn đề không đơn giản. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quyền tư pháp – cơ chế thực hiện và kiểm soát” để cùng nhìn nhận thực tiễn và phương hướng hoàn thiện cơ chế thực hiện và kiểm soát quyền tư pháp ở nước ta.

“Đụng đến vấn đề chính trị”

TS. Nguyễn Văn Cương (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) cho biết: Theo quan điểm về quyền lực nhà nước lần đầu tiên xuất hiện trong một tác phẩm của Montesquieu và về sau được nhiều quốc gia trên thế giới chia sẻ thì quyền tư pháp là “quyền trừng trị tội phạm, phân xử tranh chấp giữa các cá nhân”. Còn ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu định nghĩa quyền tư pháp là “quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động, hành chính”.

Hiện nay, quyền tư pháp ở các nước phát triển không đơn thuần là quyền xét xử mà mở rộng bao gồm quyền giải thích pháp luật, quyền tuyên vi hiến các đạo luật, các hành vi của các nhánh quyền lực nhà nước và quyền tạo ra án lệ. “Đây chính là ba khác biệt quan trọng nhất trong quan niệm về phạm vi và quyền tư pháp ở nước ta so với nhiều nước”, ông Nguyễn Văn Cương chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải quốc gia phát triển nào cũng coi quyền tư pháp phải bao chưa thêm cả 3 quyền trên như ở Pháp không thừa nhận quyền tạo ra án lệ hay tại Anh thì không có quyền tuyên một đạo luật của Nghị viện Anh là vi hiến.

TS. Lưu Bình Nhưỡng (Vụ trưởng – Trưởng Ban III, Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương) kiến nghị cân nhắc đặt quyền tư pháp đúng vị trí của nó, “không bàn đến việc mở rộng vì đụng đến vấn đề chính trị”. Ông Nhưỡng nhấn mạnh, bản chất của Tòa án là thẩm phán, đòi hỏi chúng ta phải có đội ngũ thẩm phán như thế nào, “nhưng con người ấy hoạt động được thì phải có những người liên quan. Thẩm phán tự kiểm soát anh thì mới trở thành biểu tượng, còn người dân kiểm soát thì chúng ta mới có nền tư pháp thực sự”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cũng cho rằng, mở rộng quyền tư pháp đến đâu thì phải liệu cơm gắp mắm. “Có một thời chúng ta “dị ứng” với học thuyết tam quyền phân lập nhưng thực ra đó là sự phân công lao động quyền lực xuất phát từ thực tế, quyền lập pháp phải khác quyền hành pháp, quyền hành pháp phải khác quyền tư pháp. Phân công như vậy để chuyên môn hóa hoạt động của các cơ quan Nhà nước”, ông Lộc nói.

Bảo đảm độc lập trong xét xử cho thẩm phán

PGS.TS. Ngô Huy Cương (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, không cải cách tư pháp thành công thì không thể có NNPQ vì thành tố quan trọng của NNPQ là tất cả các quyền bị vi phạm phải bị xét xử.

Theo ông Ngô Huy Cương, quyền tư pháp ở đây phải được hiểu là quyền lực tư pháp, hệ thống tư pháp không bảo vệ công lý thì là một nhà nước yếu. Do đó, đồng tình với ông Nhưỡng, ông Cương cho rằng, trọng tâm của cải cách tư pháp phải là các thẩm phán bởi quyền lực tư pháp thuộc về thẩm phán. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Tòa án và thẩm phán hiện chưa được làm rõ, trong khi lại chưa có tiêu chí để đánh giá hệ thống tư pháp thế nào là tốt, là cải cách.

Còn theo TS. Tô Văn Hòa (Đại học Luật Hà Nội), Tòa án là nơi thực hiện quyền tư pháp một cách trọn vẹn, toàn diện nhất nhưng bản thân Tòa án không thôi thì không đủ bảo đảm quyền tư pháp. Yêu cầu cao nhất trong NNPQ đối với Tòa án là tính độc lập song mong muốn của toàn xã hội đối với Tòa án là xét xử khách quan, công minh. Muốn vậy, phải có cơ chế kiểm soát để bảo đảm tính độc lập dẫn đến xét xử khách quan, công minh nhưng trong cơ chế hiện nay, chính thẩm phán lại là người không đề cập tới “độc lập”.

Chia sẻ với ông Hòa, PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan (Đại học Luật Hà Nội) lý giải, bản thân thẩm phán lại không đủ khả năng, không đủ năng lực để độc lập và không muốn… độc lập vì sợ trách nhiệm cùng nhiều yếu tố khách quan khác. “Muốn thẩm phán độc lập nên kéo dài nhiệm kỳ của họ, nên coi đó là một nghề. Nếu không, phải bổ nhiệm nhiệm kỳ thẩm phán dài tư 15-20 năm để người ta yên tâm làm việc. Một yếu tố nữa là bảo đảm điều kiện vật chất, nâng lương cao để thẩm phán không bị chi phối bởi các yếu tố khác”, ông Đoan đề xuất. 

* GS.TS. Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội):

Không nên giao chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp cho VKS

- Theo Điều 137 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thì VKSND nước ta có vị trí là một thiết chế độc lập trong tổ chức quyền lực nhà nước. Từ cách thức tổ chức bộ máy đến nguyên tắc hoạt động và nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND đều có tính độc lập. VKSND của nước ta có vị trí độc lập cao hơn, có thể hình dung như là một quyền lực nhà nước thứ tư ngoài lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Theo tôi, việc Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) giao cho VKS kiểm sát hoạt động tư pháp là không phù hợp vì trong NNPQ, quyền tư pháp là một quyền có tính độc lập tương đối so với các quyền lập pháp và hành pháp. Kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động tư pháp là kiểm soát hoạt động xét xử (tập trung nhất của quyền tư pháp). Ở các nhà nước dân chủ và pháp quyền thường không có một thiết chế hiến định độc lập nào thực hành việc kiểm sát hoạt động tư pháp.

Trong điều kiện xây dựng NNPQ không nên giao cho VKSNDchức năng kiểm sát hoạt động tư pháp mà chỉ nên dừng lại ở thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương. Nếu không thì VKSND chỉ thực hành quyền công tố, đồng thời tổ chức lại thanh tra nhà nước là một thiết chế độc lập để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành pháp.

* GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Mở rộng đối tượng xét xử của quyền tư pháp

- Để cải cách được hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đòi hỏi trước hết phải hiểu được đúng nguyên nghĩa quyền tư pháp. Quyền tư pháp là một quyền độc lập chỉ được dùng để chỉ cho hoạt động xét xử của tòa án, không nên được dùng cho cả cơ quan điều tra và nhất là cho cả cơ quan công tố buộc tội của VKS như hiện nay, những quyền này đều là một phần của quyền hành pháp.

Quyền tư pháp phải được mở rộng đối tượng xét xử kể cả các hành vi lập pháp và hành pháp. Trong tương lai không xa, các hoạt động của các cơ quan lập pháp và cả hành pháp cũng phải đặt trong vòng xét xử của tòa án.

Khác với thời kỳ của chiến tranh cũng như bao cấp, tư pháp chỉ được xem xét như là một trong các ban ngành, như các bộ của hành pháp, vì nó chỉ được hiểu là một trong những lĩnh vực cần quản lý của Nhà nước như các lĩnh vực ban ngành khác thì nay nó phải là một ngành độc lập, có khả năng xét xử cả các hành vi của lập pháp và hành pháp. Và trong quá trình xét xử, tòa án phải được quyền giải thích hiến pháp và pháp luật.

* PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn (Ủy viên chuyên trách – Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư):

Bốn giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp

- Vai trò của giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp được thể hiện ở việc bảo đảm quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp, bảo đảm cho các hoạt động tư pháp thực hiện đúng pháp luật, góp phần phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động tư pháp, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ tư pháp trong sách, vững mạnh, góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực nhà nước nói chung và đối với quyền tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp còn nhiều hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp, cần thực hiện các giải pháp sau: Thứ nhất, ban hành Luật Giám sát và phản biện xã hội, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, các quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND và MTTQ Việt Nam…

Thứ hai, xác định trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, xác định và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong việc trả lời dư luận xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận, các thành viên của Mặt trận và các phương tiện thông tin đại chúng đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu đặt ra cho giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động tư pháp.

Thục Quyên

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.