Thăm và làm việc với Hội đồng thừa phát lại Nam Phi
Làm việc với Đoàn công tác, ông Mark Morgan - Chủ tịch Hội đồng thừa phát lại Nam Phi đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Hội đồng thừa phát lại Nam Phi. Theo đó, nghề thừa phát lại tại Cộng hòa Nam Phi hoạt động trên cơ sở quy định của Luật về thừa phát lại năm 1986, sửa đổi, bổ sung năm 1990. Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp và phát triển Hiến pháp bổ nhiệm và làm việc đến năm 65 tuổi. Chức năng chính của thừa phát lại là tống đạt và thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, bao gồm cả tống đạt các giấy tờ, hồ sơ của Tòa án như giấy triệu tập đương sự, thông báo của Tòa án…. Hội đồng thừa phát lại tại Nam Phi hoạt động tự chủ tài chính trên cơ sở thu phí theo từng vụ việc mà không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Số lượng thừa phát lại được phân bổ theo địa hạt lãnh thổ của Tòa án và được kiểm soát chặt chẽ, chỉ bổ sung khi có vị trí khuyết (nghỉ hưu, chết, bị tước quyền hành nghề...). Tuy nhiên, nhà nước có sự phân bổ và điều chỉnh trong trường hợp có sự chênh lệch số lượng lớn giữa các vùng. Sự phân bổ số thừa phát lại nhằm đảm bảo các vụ việc được thi hành có kết quả tốt nhất. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng thừa phát lại có 01 đại diện của Bộ trưởng Tư pháp với nhiệm vụ theo dõi hoạt động của Hội đồng và báo cáo tình hình với Bộ trưởng Tư pháp.
Về thẩm quyền, thừa phát lại có thẩm quyền yêu cầu cảnh sát hỗ trợ cưỡng chế thi hành án và điều này được nêu rõ trong bản án của Tòa án giao cảnh sát có trách nhiệm hỗ trợ thừa phát lại. Về mức phí thu từ đương sự căn cứ theo biểu phí do Tòa án quy định. Trường hợp 1 bên đương sự là Nhà nước thì vẫn phải nộp phí bình đẳng như đương sự khác. Về đào tạo, Nam Phi không có Trường đào tạo riêng cấp chứng chỉ hành nghề thừa phát lại mà chỉ cần học đại học luật sau đó thực tập một thời gian tại Văn phòng thừa phát lại. Bạn cũng thông tin tỷ lệ thi hành phán quyết tại Nam Phi khá cao, cụ thể với động sản là trên 90% và bất động sản là trên 70%.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu thăm và làm việc với Hội đồng thừa phát lại Nam Phi. |
Trao đổi với Hội đồng thừa phát lại Nam Phi, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã thông tin sơ bộ về cơ chế hoạt động của thừa phát lại và chấp hành viên của Việt Nam cũng như vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đối với hoạt động thi hành án và thừa phát lại. Kết thúc buổi làm việc, phía Bạn đề xuất hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam thông qua việc cân nhắc ký một Bản Ghi nhớ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn thông qua các đoàn công tác hoặc hội nghị hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Thăm và làm việc với Tòa sơ thẩm Cape Town
Tại buổi làm việc với Tòa sơ thẩm Cape Town, bà Linda Unuvar, Chánh Tòa sơ thẩm Cape Town đã chia sẻ với Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Đoàn công tác về hệ thống Tòa án ở Nam Phí bao gồm Tòa sơ thẩm, Tòa phúc thẩm, Tòa tối cao và có cả Tòa Hiến pháp. Bà Chánh án cũng thông tin về những thách thức, khó khăn mà Tòa sơ thẩm Cape Town nói riêng và hệ thống tòa án của Nam Phi nói chung đang phải đối mặt hiện nay như việc thiếu điện, vấn đề người nhập cư, các vấn đề xã hội, bạo lực gia đình, buôn bán ma túy, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xét xử, chế độ lương và thu nhập của thẩm phán và cán bộ Tòa án còn khiêm tốn. Bà Chánh án cũng nhấn mạnh nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán theo đó Chánh án chỉ quản lý hành chính chứ không có quyền can thiệp và công tác xét xử của thẩm phán.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu thăm và làm việc với Tòa án sơ thẩm Cape Town. |
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng các vấn đề mà ngành tòa án Nam Phi đang phải đối mặt cũng là những khó khăn và thách thức không chỉ của Việt Nam, mà còn của nhiều nước trên thế giới. Do vậy, hợp tác quốc tế giữa các cơ quan pháp luật và tư pháp của các nước nói chung trong đó có Việt Nam và Nam Phi là xu thế thiết yếu. Thông qua hợp tác, các Bên sẽ cùng chia sẻ những kinh nghiệm tốt của nhau trong việc giải quyết các khó khăn và bất cập của mình. Chánh án Linda Unuvar bày tỏ mong muốn đến thăm Việt Nam để trao đổi sâu hơn về cải cách tư pháp, đặc biệt là những kinh nghiệm mà Việt Nam đang ứng dụng có hiệu quả trong công tác xét xử của ngành tòa án.
Trao đổi Bản Ghi nhớ hợp tác cấp Chính phủ về hợp tác pháp luật và tư pháp
Tại buổi làm việc với ông John Jeffery, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Phát triển Hiến pháp (Bộ Tư pháp) Nam Phi, phía Bạn giới thiệu một số điểm cơ bản về chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Bộ Tư pháp Nam Phi là cố vấn pháp lý cho Chính phủ (Tổng Chưởng lý), đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Hiến pháp và một số luật liên quan đến quyền tiếp cận công lý của người dân, quản lý về mặt hành chính hệ thống Tòa án, đề xuất các biện pháp phòng chống tham nhũng, ...Ông Thứ trưởng cũng giới thiệu về mô hình Tòa án nhỏ (xử các vụ tranh cháp trên dưới 1000 USD); việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử (xử trực tuyến); mô hình tố tụng chịu ảnh hưởng từ hệ thống tranh tụng của Anh...
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu thăm và làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nam Phi. |
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng chia sẻ những nét lớn về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Việt Nam, những thách thức mà Bộ Tư pháp Việt Nam đang gặp phải (như chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, xử lý các vấn đề hội nhập quốc tế...). Thứ trưởng cũng đề nghị Nam Phi sớm chấp nhận việc Việt Nam gia nhập Công ước La Hay về thu thập chứng cứ.
Kết thúc buổi làm việc, hai Bên đã tiến hành trao Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp (MoU) do Bộ trưởng Tư pháp hai nước đã ký kết theo ủy quyền của Chính phủ mỗi nước. Nội dung chính của MoU tập trung vào hợp tác trong các lĩnh vực: xây dựng và hoàn thiện tổ chức, hoạt động của các cơ quan, thiết chế bổ trợ tư pháp; tăng cường thực thi pháp luật bao gồm lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tư pháp vị thành niên, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, hành chính tư pháp và giải quyết tranh chấp; các vấn đề công pháp và tư pháp quốc tế; hợp tác đào tạo các chức danh tư pháp...
Lễ trao Bản Ghi nhớ cấp Chính phủ về hợp tác pháp luật và tư pháp. |
Phát biểu tại Lễ trao MoU, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao việc các đơn vị chức năng hai Bộ đã nỗ lực đàm phán đế có thể ký kết MoU, từ đó mở ra cơ hội hợp tác giữa các cơ quan pháp luật và tư pháp của hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nam Phi. Thứ trưởng cũng đề nghị hai Bên sớm cụ thể hóa MoU hợp tác bằng những kế hoạch, hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo MoU được triển khai một cách có hiệu quả thực chất.
Theo chương trình chuyến thăm, Đoàn công tác còn có buổi làm việc với Hội đồng hành nghề luật Nam Phi và Ủy ban cải cách pháp luật Nam Phi.