Luật bảo hiểm y tế (BHYT - có hiệu lực từ 1/7/2009) với những qui định mới, đảm bảo quyền khám chữa bệnh của nhân dân như khám ngoài giờ, vượt tuyến, khám bệnh viện tư đều được BHYT chi trả một phần chi phí. Vậy nhưng, sau hơn một năm thực hiện, nhiều người bệnh vẫn mơ hồ về quyền lợi BHYT của mình; mỗi lần đi khám bệnh mất tiền mà không hề biết...
Hiểu nhầm về khám ngoài giờ, khám dịch vụ, vượt tuyến.
Lâu nay, người có thẻ BHYT thường nghĩ, chỉ đi khám bệnh vào ngày, giờ hành chính mới được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Còn đi khám dịch vụ, khám ngoài giờ, ngày nghỉ coi như mình phải bỏ tiền túi toàn bộ. Ít người biết được, qui định mới của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn đã qui định rất rõ các trường hợp này.
Thông tư số 09/2009 ngày 14/8/2009 của liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn rõ: Trường hợp cơ sở y tế do quá tải phải tổ chức khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính; khám chữa bệnh trong những ngày nghỉ, ngày lễ thì người có thẻ BHYT được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng như quy định đối với khám bệnh, chữa bệnh trong ngày làm việc. Có nghĩa là, với những bệnh viện tổ chức khám chữa bệnh vào những ngày nghỉ thì người bệnh hoàn toàn được hưởng quyền lợi về BHYT như những ngày thường. Nhưng thực tế, hiện nay chưa có nhiều bệnh viện tổ chức được việc khám chữa bệnh vào ngày nghỉ. Vì vậy, người dân khi đi khám vào những ngày nghỉ được coi là khám chữa bệnh ngoài giờ, khám dịch vụ.
Vậy quyền lợi BHYT được hưởng trong trường hợp này như thế nào? Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Văn Khảm, Vụ phó Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, Luật BHYT với nguyên tắc làm gì, ở đâu, vào thời điểm nào đều được hưởng BHYT. Nếu khám cấp cứu thì bất cứ lúc nào cũng được hưởng bảo hiểm; còn nếu khám bệnh thông thường, bệnh nhân sẽ khám dịch vụ, trả tiền theo mức bệnh viện thu, sau đó mang hóa đơn, chứng từ đến cơ quan bảo hiểm quận, huyện thanh toán theo qui định. Tương tự, nếu bệnh nhân khám ở khoa dịch vụ của các bệnh viện, mặc dầu bệnh viện yêu cầu trả tiền trực tiếp, nhưng sau đó, người có thẻ BHYT có quyền yêu cầu bệnh viện cung cấp các biên lai, phiếu khám... để đến cơ quan bảo hiểm thanh toán.
Một nhầm tưởng khác, nhiều người không hề biết khám ở bệnh viện tư, khám vượt tuyến đều được hưởng quyền lợi bảo hiểm. “ Nếu bệnh viện tư có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với tổ chức BHYT thì người bệnh được giải quyết chế độ BH tại bệnh viện đó, nhưng, nếu không có hợp đồng thì bệnh nhân sẽ tự mang hóa đơn khám chữa bệnh đến thanh toán với cơ quan bảo hiểm. Còn vượt tuyến, trước đây, người bệnh phải chi trả 100% chi phí, nhưng nay Luật BHYT qui định việc vượt tuyến vẫn được hưởng bảo hiểm, nhưng người bệnh cùng chi trả. Nếu vượt lên tuyến trung ương, người bệnh chỉ được bảo hiểm chi trả 30% chi phí khám chữa bệnh, tuyến tỉnh là 50% và tuyến huyện là 70%”. Ông Khảm nói.
Bệnh viện không nói, làm sao biết ?
Khá tiếc cho nhiều bệnh nhân đi khám không biết quyền lợi được BHYT của mình. Tiến sĩ Viên Văn Đoan, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai nói: “Tôi thấy buồn, Luật Bảo hiểm đã triển khai được 1 năm rồi, nhiều qui định mới có lợi cho người có thẻ BHYT nhưng chính họ lại không biết”.
Khi phóng viên hỏi một số người có thẻ BHYT đang làm việc tại các cơ quan rằng họ có biết quyền lợi của mình khi đi khám chữa bệnh ngoài giờ không?, thì hầu hết đều thú nhận họ không biết vì không tìm hiểu và tỏ ra ngạc nhiên khi những qui định nêu trên đã có 1 năm nay. Chị Hoàng Minh, công tác ở một đơn vị của Bộ Công an bất ngờ, nói: “Tôi có hai con nhỏ, hầu như tháng nào cũng cho con đi khám, lúc thì khám ở bệnh viện công, lúc bệnh viện tư, ngoài giờ, trong giờ có cả vậy mà không mảy may biết mình sẽ được bảo hiểm chi trả. Tôi thật đáng trách ”.
Tuy vậy, có không ít người nghĩ trách nhiệm phải là của bệnh viện. Bệnh viện phải hướng dẫn, thông báo hoặc thậm chí là tư vấn cho người bệnh biết được quyền lợi của mình. Chị Nguyệt Ánh ở Cầu Giấy nói: “ Thiếu sót của mình nhận thẻ bảo hiểm xong rồi cất. Nhưng cũng có lỗi của bệnh viện. Mọi thủ tục đều nghe theo y tá, bác sỹ, vậy mà chưa thấy bệnh viện nào nhắc nhở mình lấy giấy tờ để sau khi ra viện được thanh toán với bảo hiểm. Mình nghĩ, bệnh viện cũng cần có thông báo cho người bệnh biết quyền lợi không nhỏ này của người tham gia BHYT”.
Ông Khảm cũng lưu ý, rất nhiều trường hợp vì không biết được qui định trên nên đã không quan tâm việc lấy đủ giấy tờ cần thiết như giấy ra viện, sổ khám sức khỏe, các biên lai thu tiền để được bảo hiểm giải quyết. Bênh nhân có quyền yêu cầu bệnh viện cung cấp các loại giấy tờ này và bệnh viện không được từ chối.
Thanh Quý