Đuối nước ở trẻ nhỏ đang là vấn đề nóng, được dư luận quan tâm. Nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra để lại cho gia đình, người thân và xã niềm tiếc thương vô hạn. Chỉ cần bất cẩn hay chơi giỡn, xô đẩy trượt chân xuống sông cũng dễ dàng xảy ra đuối nước.Nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước ở trẻ em đa phần là do không biết bơi, khi gặp sự cố thì không thể tự cứu bản thân mình.
Với các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình đặc thù về sông nước, hệ thống kênh rạch chằng chịt thì vấn đề an toàn cho trẻ em trong mùa hè lại được quan tâm hơn hết. Đặc biệt, khi bước vào mùa lũ, nước dâng cao, chỉ cần một chút bất cẩn trượt chân xuống sông nhưng không biết bơi cũng dễ dẫn đến đuối nước.
Hơn 350 học sinh đã được dạy bơi miễn phí
Ý thức được tầm quan trọng đó, Đội phòng chống đuối nước thị trấn Một Ngàn đã được thành lập và đi vào hoạt động. Ra đời từ năm 2013, với sự tham gia của 10 cán bộ đoàn, đoàn viên trong thị trấn, Đội đã tổ chức nhiều buổi dạy bơi cho các em học sinh trên địa bàn.
Tính đến nay, sau 4 năm hoạt động, đội đã giúp cho trên 350 học sinh biết bơi, nhiều phụ huynh cũng yên tâm làm ăn, không còn lo lắng khi đi làm hoặc khi con đi chơi xa.
Anh Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đoàn thị trấn Một Ngàn, Đội trưởng Đội phòng chống đuối nước thị trấn Một Ngàn chia sẻ: Bước vào hè, đội sẽ liên hệ với trường tiểu học và phụ huynh tập hợp các em lại để bắt đầu dạy bơi. Mỗi lần dạy khoảng 20 em.
Địa điểm để dạy bơi là kênh Một Ngàn, rộng khoảng 45 – 50m (thuộc ấp Nhơn Lộc, thị trấn Một Ngàn). “Để đảm bảo an toàn cho các em, đội đã sử dụng lưới che chắn, rào lại trong một phạm vi hẹp. Đồng thời xử lý, vệ sinh các chất rác thải dưới sông để đảm bảo an toàn cho các em”, anh Bình nói
Anh Bình cho biết, đây là mô hình đầu tiên của tỉnh, sau đó được nhân rộng sang các xã khác và nhân rộng ở nhiều huyện. Ban đầu, nhận thấy nhiều vụ đuối nước xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, để lại nỗi đau cho gia đình người thân và xã hội nên nảy sinh ý định thành lập đội.
Ngoài ra, theo anh Bình để các em thích nghi dần với môi trường sông nước, kênh rạch nên Đội không chọn địa điểm là các hồ bơi mà chọn ở kênh Một Ngàn để nâng cao hiệu quả việc dạy bơi. Vì thực tế cho thấy, có nhiều em tập bơi ở hồ bơi nhưng khi tiếp xúc với hồ thì khá lo lắng và bỡ ngỡ.
Mô hình góp phần làm giảm rủi ro đuối nước ở trẻ em, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng cho các em trong mùa lũ |
Nói về những khó khăn trong bước đầu thành lập, anh Bình cho biết, lúc đầu cũng gặp khó về chuyên môn do trước đây mình chỉ tập bơi theo lối dân gian, không có theo phương pháp kỹ năng cụ thể nên bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng dần dần đội đã tích cực tìm hiểu và nâng cao trình độ chuyên môn.
“Hoạt động của đội xuất phát từ tinh thần tự nguyện, biết gì dạy đó, mục đích chính là giúp cho các em biết bơi, có thể tự cứu mình trong những trường hợp xảy ra tai nạn”, anh Bình chia sẻ. Điều này không chỉ mong mỏi của đội mà đó còn là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh.
Tác động tích cực trong phòng chống đuối nước cho trẻ
Sinh sống ở vùng sông nước, khi con cái không biết bơi thì cha mẹ cũng rất lo lắng, không thể yên tâm đi làm xa được. Nhờ vào hành động này, các phụ huynh yên tâm hơn khi cho con, em mình đi chơi hoặc đi học ở những nơi khác có sông suối, ao hồ. Khi mùa lũ sắp đến thì vấn đề đuối nước ở trẻ em lại được các cấp chính quyền, địa phương, gia đình và xã hội quan tâm, lo lắng.
Mô hình trên cũng là một giải pháp tối ưu giảm sự lo lắng đó. “Trước khi thành lập, cả huyện từng xảy ra nhiều vụ đuối nước nên cảm nhận được nỗi đau mất mát. Từ khi thành lập đến nay chưa có một vụ đuối nước nào xảy ra, đặc biệt đối với trẻ em”, đội trưởng Đội phòng chống đuối nước bộc bạch.
Vì tính chất cần thiết và hiệu quả, mô hình này đã nhận được sự đồng tình cao của các hộ gia đình và phụ huynh. Nói về mô hình này, ông Trần Văn Chiến, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành A đánh giá, hoạt động của đội đem lại nhiều lợi ích và có tác động tích cực trong việc phòng chống đuối nước ở trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Nhờ hoạt động này mà nhiều em học sinh đã biết bơi, biết tự cứu bản thân mình khi xảy ra sự cố. Đặc điểm tình hình ở hậu Giang có nhiều kênh rạch, nhiều khi học sinh đi qua cầu khỉ, trơn trượt té sông, hay đùa giỡn bất cẩn rơi xuống sông cũng làm nhiều phụ huynh lo lắng. Nhưng nhờ hoạt động này, nhiều em học sinh đã biết bơi, phụ huynh cũng yên tâm hơn khi đi làm.
Chị Phan Thanh Trung Hậu, đoàn viên thị trấn Một Ngàn cho biết, “Trước đây không biết bơi và rất nhát nước, cảm thấy bất lợi nhiều thứ. Sau đó biết có mở lớp dạy bơi liền nhờ các anh chị dạy bơi, sau đó đã xin tham gia vào đội để hỗ trợ các em nhỏ đảm bảo an toàn trong mùa lũ”.
Anh Dương Văn Đô - thành viên của đội, tham gia từ khi mới thành lập vui vẻ nói: Thấy mô hình thiết thực, giúp ích được nhiều cho bà con xung quanh nên tham gia, giúp đỡ cho nhiều trẻ em xung quanh, giúp rộng rãi. Tin rằng nếu mô hình này tiếp tục hoạt động hiệu quả thì sẽ góp phần làm giảm rủi ro đuối nước ở trẻ em, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng cho các em trong mùa lũ.