- Giảm 10 kg để ép ngực thành Đông Dương - Cuộc sống của chị thay đổi như thế nào khi vai diễn Đông Dương trong "Vừa đi vừa khóc" nhận được nhiều phản hồi tích cực?
- Sau 2 năm tôi mới trở lại với phim truyền hình. Từ khi bấm máy đến khi công chiếu, bộ phim luôn nhận được sự ưu ái của truyền thông lẫn khán giả. Rất nhiều lời khen ngợi dành cho bộ phim cũng như diễn xuất của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc với ê-kíp mình tin tưởng, với một đạo diễn mát tay như bác Vũ Ngọc Đãng dù kịch bản không quá kịch tính.
Tôi vui vì giờ đi diễn hay ra đường mọi người không gọi Minh Hằng nữa mà gọi Đông Dương. Thậm chí, tôi đi diễn ở nước ngoài, khán giả Việt kiều vẫn xem online trên mạng, nên tôi cảm thấy hiệu ứng bộ phim rất tốt, có sức lan tỏa, tạo nên làn sóng rất mạnh. Bằng chứng là sau khi phim phát sóng, tôi nhận thêm được vài hợp đồng quảng cáo. Chính vì vậy, thu nhập của tôi cũng tăng nhẹ lên theo hàng năm (cười).
- Vũ Ngọc Đãng trả tiền cát-xê cho chị như thế nào để chị không e ngại giảm cân, cắt tóc và ép ngực thành con trai trên sóng truyền hình?
- Khi đóng phim với bác Đãng tôi không quan tâm chuyện cát–xê. Nguồn thu nhập chính của tôi chưa bao giờ từ phim ảnh vì 2 năm tôi mới đóng phim một lần. Đây chỉ là sân chơi, một đam mê mà mình muốn thể hiện nó. Hơn nữa, tôi cảm thấy thú vị khi vốn sống tôi tích góp bao nhiêu năm nay được thể hiện trên phim. Khi nhận một bộ phim, tôi quan tâm thứ tự các yếu tố như đạo diễn, kịch bản, ê-kíp sản xuất và cuối cùng mới là cát-xê.
- Trên phim trông chị bụi phủi, nhợt nhạt khi không son phấn, điều này có từng là áp lực với chị chưa?
- Tôi không sợ xấu nên vấn đề đó chưa bao giờ khiến tôi áp lực. Bản thân tôi cũng không phải là người quá đẹp nên không sợ xấu. Phim nào tôi cũng “xấu hoắc”, từ Gọi giấc mơ về, Giải cứu thần chết đến Vừa đi vừa khóc. Tôi nghĩ mình không đủ đẹp để được mời vào những vai nữ chính đẹp. Những vai hồn nhiên, gần gũi thường dễ chạm đến trái tim của khán giả hơn. Những vai diễn số phận, hoàn cảnh éo le bao giờ cũng có nhiều đất diễn hơn.
Phim của bác Đãng tuy nghèo nhưng rất đời, rất tươi sáng, dễ thương. Tôi phải tập đi xe máy cà tàng đó cho ra chất một người đàn ông, tức là lúc nào cũng phải bành chân ra. Ban đầu, theo bản năng con gái, tôi vẫn khép hai chân lại, sau đó, xem lại cảnh quay thấy mình “bánh bèo” quá, tôi rút kinh nghiệm và dặn mình phải chú ý từng chi tiết nhỏ như vậy.
Tôi nhớ nhất cảnh nhảy xuống đoạn sông toàn rác, mọi người trong đoàn thương tôi quá đã chuẩn bị thùng nước suối để tắm cho tôi giữa đường. Bác Đãng là người gần gũi và không phân biệt từ diễn viên chính đến diễn biên phụ hay các thành viên trong đoàn, đó là lý do phim của bác bao giờ cũng gần gũi với khán giả. Làm việc chung với Vũ Ngọc Đãng, tôi hiểu ra một điều, tính cách tạo nên số phận nhưng đôi khi nó ảnh hưởng đến tư duy của những người xung quanh.
- Sinh ra với thân phận con gái, khi thể hiện hình ảnh một người đàn ông trên phim, quá trình ấy đã cho chị trải nghiệm mới mẻ như thế nào về phái mạnh?
- Tôi nhận thấy làm đàn ông khổ quá. Khi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đưa kịch bản cho tôi, tôi đã nghĩ làm thế nào để giả trai vì bản năng của mình là con gái, có làm gì cũng khó qua mắt được khán giả. Tôi nghĩ mình sẽ giấu ngực, giấu mông như thế nào. Tôi đã suy nghĩ và bị áp lực gấp đôi những vai diễn trước, không chỉ đơn giản là diễn xuất mà còn vấn đề tạo hình. Khi sống chung một nhà, mình vừa là con trai, vừa là con gái rất khó diễn.
Tôi lo lắng vì ở nước ngoài khâu hóa trang rất tốt, còn ở Việt Nam, chủ yếu diễn viên phải tự mặc đồ, tự nghĩ cách tạo hình cho mình. Đây là mấu chốt quan trọng của bộ phim, nếu mình làm không ra, rõ ràng bộ phim thất bại ngay từ những cảnh đầu tiên. Ngày tôi quyết định cắt tóc dài, tôi bước chân về nhà, mẹ không nhận ra con gái, tôi đã thấy ổn ổn chút. Tôi may mắn vì có gương mặt có xương quai hàm góc cạnh, khi cắt tóc, những đường nét đó lộ ra.
Minh Hằng dành nhiều lời khen cho Lương Mạnh Hải ở những cảnh hôn. |
- Chị gặp khó khăn như thế nào ở khâu giấu ngực, giấu mông khi làm Đông Dương?
- Trước đây, mỗi khi đến phim trường, tôi phải đến sớm 30 phút để trang điểm, còn ở Vừa đi vừa khóc, tôi chỉ đến trước vài phút vì khâu quan trọng nhất là bó ngực lại và giữ vệ sinh vùng ngực. Cực khổ lắm vì dù có giấu khéo cũng vẫn lộ. Do vậy, tôi phải giảm cân rất nhiều. Trước khi bấm máy, tôi phải giảm gần chục kg. Nếu giảm cân nhẹ, mọi thứ trên cơ thể sẽ xuống đều. Còn nếu giảm cân cấp tốc, ở con gái, ngực sẽ giảm nhanh nhất. Vòng một của tôi đã giảm rất nhiều nhờ đó. Hơn nữa, bó ngực rất đau và tức lắm. Thời tiết mùa hè nóng bức, mồ hôi chảy ướt hết miếng băng ngực nên tôi bị ngứa. Đó là khó khăn mà tôi gặp phải, ngoài ra tôi không ngại bất cứ cái khổ nào.
Có những cảnh quay tôi đạp xe trước gió, áo dính vào người nên cũng bị lộ. Tôi phải dính áo lại với nhau. Những cảnh như vậy đều phải cắt đi làm lại. Chi tiết nhỏ như thế đoàn phim phải rất chú ý nếu không nó trở nên vô lý trên phim. Ngoài ra, tôi phải mặc áo rộng, để an toàn vẫn phải khoác thêm áo khoác ở ngoài. Nói chung để giấu được ngực không đơn giản như mọi người nghĩ đâu.
- Trong phim, chị diễn chung với bà nội và Hải Minh nhiều phân đoạn nhất, ai là người tung hứng giúp chị?
- Đó là bà nội. Đúng là diễn với những người có kinh nghiệm mình học hỏi được nhiều điều. Ai diễn với bà nội cũng “sướng”. Khi quay cận người này, thì người kia có quyền không cần diễn. Tuy nhiên, bà nội vẫn diễn mồi để tôi diễn tốt nhất, mà bà nội diễn mồi là tôi nổi da gà. Tôi nhớ có một cảnh quay, bà nội chỉ nói hai chữ “Trời ơi” mà anh quay phim cũng khóc rung máy. Diễn với một người từng trải như bà nội, tôi cảm nhận được sự sâu sắc trong mỗi cảnh quay, lời thoại.
Mình trẻ như vậy, thức khuya dậy sớm đến phim trường đôi khi còn thấy mệt nhưng bà nội vẫn hiên ngang, “ngạo nghễ” không biết mỏi mệt. Điều đó chứng tỏ bà rất yêu nghề. Trên phim trường, bà cũng là người vui tính, hài hước. Còn với Lương Mạnh Hải, đây là lần hợp tác thứ hai, tôi thấy rất ăn ý. Tôi hỏi anh rất nhiều về diễn xuất, cảm xúc ở mỗi phân đoạn để hai người có sự tương tác qua lại. Anh Hải cũng là người mua quần áo cho tôi, cho tôi gợi ý về kiểu tóc… nên khi vào phim, chúng tôi không có rào cản nào.
- Những cảnh yêu đương của chị và Lương Mạnh Hải trong phim bị chê sến sẩm và nhạt nhẽo, chị nghĩ sao?
- Anh Hải luôn chủ động trong những cảnh yêu đương khiến tôi rất bất ngờ. Nhiệm vụ của tôi chỉ là phối hợp và tương tác thôi.
Diễn với mỗi nhân vật nam, tôi đều bắt được những nhịp cảm xúc khác nhau. Tôi cũng muốn diễn chung với nhiều người khác để học hỏi kinh nghiệm từ họ. Với anh Hải, tôi cảm nhận anh diễn những phân đoạn tâm lý, tình cảm rất giỏi.
- Tuy vậy, người bị chê nhiều nhất phim lại là Lương Mạnh Hải. Đa số ý kiến cho rằng nam diễn viên thiếu sự nam tính, mạnh mẽ khiến nhân vật Hải Minh nhạt, chị thấy thế nào?
- Đây là vấn đề khá tế nhị bởi mỗi diễn viên đều có cách diễn xuất khác nhau để chạm đến trái tim của khán giả mà họ mong muốn. Đôi lúc mình không nên mang tư duy chung để áp đặt vào một người diễn viên. Bản thân anh Hải cũng có một lượng khán giả riêng và họ cũng dành cho anh rất nhiều lời khen. Cũng như những ngày đầu tiên bấm máy, tôi bị khớp, tôi không biết làm thế nào để hình tượng Đông Dương đẹp.
Nếu những vai diễn khác tôi có thể bung hết lực của mình ra về giọng nói, tạo hình, cử chỉ nhưng đối với cảnh quay của Đông Dương, cảm xúc của tôi phải tròn đầy, hình thể của mình phải kìm nén lại vào bên trong. Đôi khi tôi hoang mang không biết mình làm như thế này đã tốt chưa vì nếu mình diễn không thoải mái và cứ kìm nén hình thế thì trên phim mình sẽ bị đơ, bị lỳ. Đông Dương diễn với bà nội một kiểu, diễn với Thêu một kiểu và đối với Hải Minh, Dương lại có một tâm lý khác... Mỗi một người, tôi phải đưa ra cách diễn khác nhau, một quy tắc chung bắt buộc mình phải đi theo hướng đó.
- Cảm xúc của chị như thế nào khi bị một người đàn ông (nhân vật Lố) xé toang áo ngực trên sóng truyền hình?
- Một người con gái luôn che đậy số phận, không được sống với thân phận của mình, chỉ cần nghe đến câu thoại, tôi đã khóc nấc lên. Khóc thì ai cũng có thể khóc được nhưng cái nghẹn ngào trong lòng, không phải diễn viên nào cũng làm được. Cái nghẹn ngào đó tức tưởi hơn rất nhiều. Những câu thoại của bác Đãng khiến tôi rất tâm đắc, khi diễn rất nghẹn ngào mà không thể nói lên lời khiến khán giả nhói đau trong lòng.
Cảnh Lố xé toang áo và nhìn thấy ngực của Đông Dương, đó là một cảnh bi kịch. Một người con gái bị người con trai phát hiện thân phận giữa đường. Khi diễn cảnh đó, tôi cảm thấy bị tổn thương vô cùng lớn. Chỉ cần nghĩ đến chuyện đó thôi, tôi đã có thể khóc vì cảnh đó có quá nhiều cảm xúc. Tôi biết sẽ có nhiều người nghĩ cảnh xé toang áo ngực đó lên truyền hình nhằm câu rating nhưng đây lại là một trong những mấu chốt có vấn đề đó thì nhân vật mới đi tiếp được, câu chuyện sẽ được tiếp diễn ra sao.
Nếu không có tình huống đó cũng không tạo được kịch tính cho bộ phim, do đó, tôi sẽ không ngần ngại đồng ý diễn cảnh đó để bộ phim trở nên kịch tính. Khi quay cảnh đó, những người trong đoàn phim im lặng để tôi tập trung diễn một lần. Cái gì lần đầu tiên cảm xúc cũng dâng trào hơn.
- Ngoài đời, chị mạnh mẽ, lý trí ngay cả khi yêu và chia sẻ rất sợ khóc, nhưng trên phim chị khóc nức nở khi bị người yêu bỏ rơi, chị lấy cảm xúc đó từ đâu?
- Đúng là tôi chỉ thích những cảnh quay vui vẻ, và sợ những cảnh quay tâm lý, phải khóc lóc. Tôi ít khóc và sợ phải khóc. Nhưng khi quay trường đoạn Dương bị Hải Minh phát hiện, tôi phải khóc 5 kiểu khác nhau. Lúc thì mình phải kìm nén, lúc lại khóc òa lên, khóc cho số phận của mình… Tôi phải tập trung cao độ khi thực hiện những cảnh quay đó. Đóng những cảnh khóc, tôi thấy mệt lắm.
- Mặc dù nhận được nhiều phản hồi tích cực nhưng “Vừa đi vừa khóc” vẫn bị chê có nhiều sạn, tình tiết phim vô lý, chị nghĩ sao về ý kiến này?
- Không có gì là hoàn thiện cả. Tôi nghĩ những khiếm khuyết đó làm cho mình tiến bộ hơn. Những hạt sạn trong Vừa đi vừa khóc khiến mọi người quan tâm và bình luận về nó nhiều hơn. Tôi nghĩ, đôi lúc mọi người nên chấp nhận sự không hoàn hảo đó để bộ phim hoàn hảo hơn.
- Sở trường của chị là diễn nhưng 2 năm chị mới nhận một phim, chị làm thế nào để nuôi cảm xúc của mình luôn tròn đầy?
- Tôi có thói quen viết nhật ký. Những chuyện sốc, những gì đáng nhớ trong cuộc sống hàng ngày tôi đều viết lại. Đôi khi công việc bận rộn dễ làm mình bị cuốn trôi, phải sống vội vàng, nhất là những nghệ sĩ như chúng tôi, thế nên tôi luôn ý thức phải sống chậm lại. Khi đọc lại những dòng nhật ký vui, buồn đó, ký ức, cảm xúc của mình lại dồi dào trở lại. Chính điều đó đã nuối dưỡng tâm hồn tôi. Cảm xúc là thứ không dễ kiếm tìm, nếu không biết nuôi dưỡng nó sẽ dễ dàng mất đi.