Tuy nhiên, miền Trung vẫn ì ạch trong phát triển. Năm 2018, trong khi GDP của 28 tỉnh giáp biển đóng góp 73,8% GDP cả nước thì 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chỉ đóng góp được gần 20% tổng GDP, chỉ chiếm 1/4 tổng GDP của 28 tỉnh có biển. Tiềm năng du lịch là thế mạnh, nhưng doanh thu từ du lịch chưa được 20% cả nước...
Nhìn vào bản đồ Tổ quốc, miền Trung như xương sống, “đòn gánh” của đất nước. “Chúng ta bàn phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ. Thủ tướng phát biểu tâm huyết và trăn trở: “Miền Trung phải xốc tới, miền Trung có đủ điều kiện để phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Một tinh thần là “Ngay bây giờ hoặc không bao giờ” như nhiều đại biểu đã nêu”. Trong phát biểu của ông có trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, có tình cảm của một người sinh ra từ miền Trung.
Phải nói rằng, đây là hội nghị quy mô lớn bàn về phát triển kinh tế miền Trung, chứ không phải là hội nghị lần đầu. Đã rất nhiều hội nghị, tọa đàm... nhiều quy hoạch liên kết tỉnh, liên kết vùng đã được công bố. Tuy nhiên, “giải pháp”, con đường đi đến “kết nối” để phát triển thì vẫn vướng như “gà mắc tóc”. Phải nói rằng, trong 14 tỉnh miền Trung, trừ Quảng Nam đã có đóng góp cho ngân sách Trung ương, còn lại tất cả đều đang như những “đứa con” dẫu đã lập gia đình, cho ra ở riêng nhưng vẫn làm chưa đủ ăn, còn phải dựa vào bố mẹ.
Miền Trung, mãi vẫn chưa hình thành vùng kinh tế động lực, có đủ khả năng làm “xoay chuyển” vùng, dù đã có lúc kỳ vọng vào Dung Quất (Quảng Ngãi). Chúng ta đã bàn nhiều về liên kết vùng, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải ưng ý, nhất là bài toán liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất,... để tối ưu hóa phương án đầu tư. Đầu tư hạ tầng đồng bộ tạo ra kết nối giao thông một cách tối ưu nhất thì tất cả đều phải chờ Trung ương. Có lẽ “điểm mới” của tư duy tại hội nghị quan trọng này là “lấy biển và ven biển làm trung tâm”.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, khẳng định tại Hội nghị, với chiều dài 1.900km, biển miền Trung là tài nguyên quốc gia và là vùng đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển.
Theo ông Dũng, miền Trung phải trở thành khu vực phát triển năng động, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Rất đúng, nhưng ngư dân miền Trung vẫn “ám ảnh” những con tàu sắt thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP nhưng không xử lý được trách nhiệm. Con đường giàu có của miền Trung còn dài.