Đất nước ta thuộc vùng nhiệt đới, thuận lợi cho trồng mía... Cây mía không chỉ là thức uống giải khát trong ngày hè mà còn là vị thuốc được thiên nhiên ưu đãi để phòng và chữa bệnh. Xin giới thiệu một số cách dùng mía phòng trị bệnh.
Thanh nhiệt, nhuận hầu họng (khô khát): Mùa hè uống nước mía tươi (không đá). Mùa đông nấu nước mía uống nóng hoặc cho lát gừng.
Dưỡng âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát ho khan ít đờm, người bứt rứt, họng khô, táo bón: nước mía 200ml, gạo 60g. Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước nấu cháo. Cháo chín cho nước mía vào nấu lại cho sôi, ăn nóng.
Dưỡng âm, nhuận phế. Dùng cho người hay ho, nóng rát cổ, giọng nói yếu: bách hợp 50g, ngâm nước nấu nhừ sau cho nước mía 100g và nước củ cải 100g. Uống trước khi đi ngủ 1 - 2 tiếng.
Chữa chứng phát nóng, miệng khô, cổ ráo, tiểu tiện đỏ sẻn: nhai mía nuốt nước hoặc hòa nước cơm mà uống.
Chữa bàng quang thấp nhiệt, đái dắt, buốt, đục, viêm đường tiết niệu: mía 1 khúc (300g), mã đề 200g (cả cây), râu ngô 150g. Mía lùi sơ, rửa sạch, cắt khúc chẻ nhỏ. Cho các thứ vào sắc uống.
Người gầy (hốc hác) da khô, tóc cháy: rau má xay 200g, nước dừa xiêm 1 quả, nước mía 1 chén. Có thể thêm mật ong, sữa ong chúa để uống mỗi lần (không pha sẵn). Uống trước khi ngủ.
Trẻ em mồ hôi trộm: ăn mía, uống nước mía.
Chữa phiền vị, ăn vào nôn ra: nước mía 200g, nước cốt gừng 15ml. Trộn đều uống từng thìa nhỏ trong vài ngày. Bài này còn dùng chữa đau dạ dày mạn tính và giải độc cá nóc.
Chữa ho gà: mía 3 lóng, rau má 1 nắm, gừng 2 lát. Cho vào 2 bát nước, sắc uống ít một.
Chữa bệnh bụi phổi: nước mía 50ml, nước củ cải 50ml, cho mật ong, đường phèn, dầu vừng một ít chưng thành cao. Hằng ngày cho 2 lòng đỏ trứng gà đánh đều với cao tùy ý rồi hấp cơm.
Hỗ trợ trị bệnh sởi:
Phòng hậu sởi: sắn dây 40g, rau mùi 20g, mía 2 đốt. Các vị cho vào nồi, đổ 2 bát nước sắc còn 1 bát uống dài ngày trong dịch sởi.
Sau sởi: ép nước mía vỏ đỏ uống.
Giải say rượu: Uống nước mía hoặc nhai mía nuốt nước.