Xót xa “bài ca cây mía”…
Nhớ lại mùa vụ năm 2017, nông dân như “chết đứng” khi năng suất giảm, giá mía thấp chỉ tầm 900 – 1.100 đồng/kg”. Đến năm 2018, nước lũ lại lên cao mà giá mía thì tuột dốc không phanh chỉ còn 700-800đ/kg. Cứ nghĩ giá mía như thế đã là thấp nhất trong lịch sử nào ngờ mùa vụ năm 2019 lại “lao dốc tự tử” ở mức 600-700đ/kg. Ác cái là, giá đã rẻ mà nhân công thu hoạch lại quá cao, có những chỗ lên đến 300.000/ tấn mà còn không có người làm, “trồng vất vả cả năm, giá thấp đã lỗ bây giờ còn phải chia đôi với nhân công thu hoạch, hết biết sống đường nào, riết rồi làm thuê còn sướng hơn làm chủ nữa”. Lúc này người dân như chết lặng.
Nắng mùa này không oi ả và gay gắt nhưng ở những vùng mía nguyên liêu lại như thiêu đốt, chát lòng, nát dạ nông dân. Tìm về thủ phủ mía đường Hậu Giang, dọc các tuyến nông thôn thuộc huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và TP Vị Thanh nhiều bà con tất bật thu hoạch mía. Thực ra thì thu hoạch vậy chứ chẳng vui vẻ gì. Nhiều người thu hoạch cho xong vụ, lấy ruộng trống để làm việc khác.
Từng là địa phương có diện tích mía lớn nhất ĐBSCL, có vụ diện tích trồng mía ở Hậu Giang lên đến 14.000 ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 8.000 ha, dự định năm 2020 sẽ còn khoảng 6.000ha. Cứ cái đà này, không sớm thì muộn người dân cũng “say good bye” với cây mía. Nguy cơ nhà máy đường sẽ mất vùng mía nguyên liệu trong một ngày không xa.
Ba năm liên tiếp thất bát, gánh nặng áo cơm lại đè nặng trên đôi vai những người dân trồng mía |
Chạy dọc tuyến ruộng tại ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, bên cạnh những hộ thu hoạch mía, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Văn Út đang châm lửa đốt mấy gốc mía sau thu hoạch để trồng dưa giữa vụ. Hỏi ra mới biết, ông đã gắn bó với nghề trồng mía này đã gần 40 năm nhưng bây giờ cũng không còn thiết tha. “Nhà chú năm nay mía thất thu toàn tập. Thương lái vô tới đây mua có 600đ/kg mà thuê người thu hoạch hết 300đ thì lấy gì mà ăn”, vừa nói ông Út vừa nhìn ra ruộng mía đang cháy phừng phừng rồi quay qua kể chúng tôi nghe chuyện trồng mía của những năm trước: “Ngày trước trồng mía mùa nào thu hoạch cũng lời. Với lại trước đây ở Hậu Giang này có mấy lò đường tư nhân nên bán lúc nào cũng được. Bây giờ mình phải lệ thuộc mấy nhà máy đường, họ thu mua trễ là mía mình thành hỏng, chịu thiệt hại”.
Bao giờ mới hết mùa mía đắng?
Lặn lội đưa ghe từ Tiền Giang xuống Hậu Giang mua mía, anh thương lái tên Út cũng không khỏi xót xa trước tình cảnh khó khăn của bà con. Anh Út nói: “Giá mía phải lên chút đỉnh để bà con còn phấn khởi chứ kiểu này chắc bà con “đi Bình Dương” hết quá. Năm trước dự báo nói năm nay giá mía sẽ lên nào ngờ không những không lên mà còn thảm hại hơn nữa”. Không dừng lại ở đó, anh Út ngồi thở dài rồi đưa thêm dẫn chứng: “Nhiều nơi, nông dân họ bỏ mía không thèm thu hoạch. Năm rồi ở trên Long An người ta cho không mà không ai vô ruộng cắt nữa kìa. Riết nghe mấy vụ mía chán muốn chết chú ơi!”.
Anh nông dân tên Mến có 3 đời trồng mía và hiện tại còn trồng gần 40ha mía. Ba năm thất bát liên miên vừa rồi đã làm nhà anh mất toi gần 300 triệu. Anh Mến than thở: “Người nông dân khổ dữ dằn lắm em ơi! Ba năm mất mùa liên tiếp hết chịu nổi rồi, sắp tới chuyển qua trồng dưa hấu luôn cho nó lành. Trồng mía mà từ chủ 40ha đến bây giờ phải đi vác mía mướn nè em thấy không?”, vừa nói anh vừa cười như mếu.
Do giá nhân công cao lại khó thuê nên những người trồng mía làm đổi công cho nhau. Nhờ vậy mới mong thu hoạch mía sớm, không thôi chờ dài cổ, đến khi ruộng mía “già khú đế” cũng chưa cắt được.
Rồi đây có còn thương hiệu thủ phủ mía Hậu Giang? |
Mặc dù khó khăn và huề vốn hoặc lỗ nhưng người dân trồng mía vẫn cứ bị “cái nghiệp” này đeo bám. Bởi không trồng mía thì họ cũng không biết trồng cây gì, rồi bán ở đâu?. Đây không những là nỗi trăn trở của người dân mà còn là “bài toán” khó của lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, gần đây con đường này hình như đã hé lộ lên một vài tia sáng khi ngành nông nghiệp Hậu Giang đã ký kết với Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ mở rộng hợp tác trồng chanh không hạt và bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu thị trường châu Âu.
Định hướng đến năm 2021, sẽ hợp tác xây dựng thêm 400ha chanh không hạt và 400ha bưởi Năm Roi theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó, ưu tiên những vùng canh tác mía kém hiệu quả. Theo đó, ngành Nông nghiệp cũng đã đưa ra nhiều giải pháp từ nâng cao giống cho đến cơ cấu kiện toàn nhà máy đường đồng thời tận dụng các phế phẩm từ mía đường như: bã mía, rỉ đường, bùn và xỉ trong quá trình xử lý…để tăng thêm nguồn thu vì đây là tài nguyên rất tốt nhưng hiện tại chúng ta đang lãng phí. Hy vọng “liều thuốc” đó có thể giúp những ruộng mía sẽ không còn những mùa “mía đắng”.