Từ trụ cột thành người thừa
Mùa hè năm 2013, khi đó Arsenal đang gặp không ít những khó khăn về tài chính. Cổ động viên đội bóng không hy vọng quá nhiều trên thị trường chuyển nhượng. Ấy thế mà, một quả bom tấn cực lớn đã được kích hoạt. Đó là bản hợp đồng mang tên Mesut Ozil, với giá trị 42,5 triệu bảng, là kỷ lục của câu lạc bộ thời điểm 2015. Có nhiều lý do để cổ động viên Arseanal phải phát cuồng.
Trước đó, đội tuyển Đức đang được xây dựng một cách đúng đắn, họ vào bán kết cả World Cup 2010 và Euro 2012. Một trong những “mắt xích” không thể thiếu của “cỗ xe tăng” chính là Ozil. Ở Real Madrid cũng vậy, Ozil được biết đến là chân chuyền siêu hạngvà Ronaldo chính là người được hưởng lợi nhiều nhất từ những đường chuyền của cầu thủ người Đức. Thời điểm 2013, Olivier Giroud, tiền đạo mục tiêu của Arsenal đang chơi rất lên chân.
Mọi người mong chờ về viễn cảnh đẹp, khi Ozil kiến tạo và Giroud kết thúc. Tất cả đã không chờ đợi lâu, ngay trận ra mắt giữa Arsenal và Sunderland, Giroud đã ghi bàn sau đường chuyền chết người của Ozil. Sau đó, dù có nhiều thăng trầm, nhưng không thể phủ nhận rằng ở châu Âu, hiếm có số 10 nào có thể chuyền bóng tốt hơn Ozil. Ozil cũng thường xuyên lọt top kiến tạo nhiều nhất giải đấu.
Sẽ không quá khi nói cầu thủ người Đức chính là làn gió mới ở sân Emirates, khi đội bóng vẫn khủng hoảng lối chơi và khát danh hiệu. Có Ozil, Arsenal cũng đã giành được 3 chiếc cúp FA.
Mesut Ozil đã bị bỏ rơi tại Arsenal. |
Tuy nhiên, điều đáng buồn là sự thành công của thương vụ Ozil vẫn luôn là đề tài tranh cãi. Liệu anh có xứng với mức phí chuyển nhượng 42,5 triệu bảng cùng mức lương 350 nghìn bảng/tuần. Từ thời Asene Wenger còn tại vị, dù được ông thầy người Pháp thường xuyên lên tiếng bênh vực, nhưng Ozil vẫn dính vào không ít chỉ trích. Anh trở thành đề tài bàn tán với những cơ hội ngon ăn bị bỏ lỡ ở những thời khắc quan trọng.
Phong cách thi đấu của anh cũng bị chê là không thích hợp với đội bóng, khi tỏ ra chậm chạm trong di chuyển và lười hỗ trợ đồng đội phòng ngự. Đến thời Unai Emery, mọi chuyện còn tồi tệ hơn. Vị trí của tiền vệ người Đức trong rất nhiều trận đấu là băng ghế dự bị. Dưới thời Arteta, có lẽ giọt nước đã tràn ly, khi mùa giải vừa qua, Ozil chỉ ra sân có 23 trận trên mọi đấu trường và chẳng có đóng góp gì đáng kể.
Từ tháng 3 đến nay, anh cũng chẳng có lần nào được ra sân. Mùa giải này, anh “ngồi chơi xơi nước” khi không được điền tên đăng ký thi đấu tại Premier League. Quan trọng nữa, khi Arteta khẳng định: “Đó là quyết định công bằng và tôi thoải mái với điều đó” thì cũng chẳng ai lên tiếng bênh vực Ozil ngoài… người đại diện của anh.
Nguyên nhân sâu xa thì chắc chỉ có người trong cuộc mới hiểu, nhưng xét về khía cạnh chuyên môn, dường như Ozil đã bắt đầu lạc nhịp với lối chơi chung của toàn đội. Ví như điểm mạnh của Ozil là khả năng xoay sở khi có bóng trong chân, có nhãn quan tốt và đôi chân khéo léo để chuyền bóng. Tuy nhiên, lối chơi này có vẻ phù hợp với những đội kiểm soát được rất nhiều bóng, với một hàng tiền vệ phân phối bóng tốt.
Trong khi ở Ngoại hạng Anh, xu hướng chơi pressing (áp sát) hoặc kick and run (đá và chạy, yêu cầu tốc độ) đang rất thịnh hành, khiến khả năng của Ozil bị hạn chế đi nhiều. Chưa kể, Ozil cũng rất khó có thể thích ứng với các vị trí mới, nói cách khác là anh thiếu sự đa năng, và gần như chỉ “đóng đinh” cho vị trí số 10. Điều đó có nghĩa, khi thấy anh thật sự quan trọng, huấn luyện viên sẽ xây dựng một đội hình xung quanh anh để anh có nhiều đất diễn (như Ancelotti đang thành công với James Rodriguez). Khi anh thất sủng, anh sẽ bị gạt ra ngoài, bởi rất khó để xếp anh vào đâu cho phù hợp lối đá tập thể. Chưa kể, Ozil còn mang tiếng “lười”, tâm lý yếu và mẫn cảm với những chấn thương.
Đi đâu, về đâu?
Arteta, và có lẽ Emery hay Wenger, tất cả đều đã thất bại với Ozil, ít nhất là trong việc khai thác hết giá trị của một cầu thủ đắt giá với mức lương khổng lồ. Mùa giải này, Ozil chẳng có vấn đề gì về sức khỏe và tâm lý, đồng nghĩa với việc anh hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn để có thể cống hiến cho đội bóng.
Tuy nhiên, Arteta đã không cho anh cơ hội. Lựa chọn của Ozil chỉ có hai con đường, hoặc ở lại chờ Arteta thay đổi cách nhìn, hoặc lựa chọn bến đỗ mới. Có lẽ cách thứ hai là phù hợp, bởi như đã nói ở trên, rất khó để Ozil có thể thích ứng được với lối chơi mới, bởi bản thân anh cũng khó thay đổi phong cách chơi, nhất là ở độ tuổi 32. Vậy anh sẽ đi đâu khi kỳ chuyển nhượng mùa đông mở cửa (?).
Thông thường, sự lựa chọn của các ngôi sao đã ở nửa bên kia sự nghiệp sẽ là dưỡng già ở Giải nhà nghề Mỹ, các đội bóng Trung Đông lắm tiền nhiều của hoặc tới Trung Quốc. Trong đó, Mỹ có vẻ là vùng đất phù hợp hơn cả và câu lạc bộ nổi tiếng nhất xứ cờ hoa, LA Galaxy cũng nhiều lần đánh tiếng muốn có tiền vệ người Đức. LA Galaxy vốn là đội bóng nổi tiếng về khía cạnh làm thương mại hơn là chuyên môn. Họ thường tập hợp những ngôi sao nhiều tuổi nhưng có nhiều sự ảnh hưởng. Điều này sẽ giúp tên tuổi câu lạc bộ được biết đến rộng rãi hơn.
Trước đây, họ đã không tiếc tiền chiêu mộ và trả thù lao vô cùng hậu hĩnh cho David Beckham, Steven Gerrard, Ibrahimovic… Vì vậy, vấn đề chuyên môn hay mức lương cao của Ozil có lẽ không phải là vấn đề. Còn đến Trung Đông hay Trung Quốc, có lẽ đây là vùng đất quá mới mẻ, lại khác biệt về văn hóa, rất khó để thích ứng đối với một cầu thủ châu Âu, chưa kể Ozil hay bị chỉ trích tâm lý yếu.
Nếu Ozil vẫn muốn ở lại những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu để chơi bóng, thì sẽ có rất ít câu lạc bộ sẵn sàng móc hầu bao để trả khoản lương khổng lồ của anh. Bởi vậy, hiện tại rất ít đội bóng thể hiện muốn có Ozil. Thậm chí, báo chí xứ sở sương mù còn cho biết, Arsenal đã đi “gõ cửa” rất nhiều đội bóng, trong đó có cả đội chiếu dưới như Galatasaray (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng gật đầu. Rất may, cách đây ít hôm, AC Milan, gã khổng lồ một thời của Italia đã đánh tiếng muốn chiêu mộ Ozil.
Xem ra, đây có lẽ là điểm đến thích hợp nhất của Ozil nếu anh muốn tiếp tục chơi bóng đỉnh cao. Thỏa thuận của Milan là Arsenal sẽ chịu một phần lương của Ozil. Đây không phải vấn đề quá lớn, bởi hiện tại, đội bóng vẫn phải nuôi “báo cô” cầu thủ người Đức. Nếu đến Ý, lối chơi thiên về chiến thuật của Serie A có lẽ sẽ phù hợp với Ozil. Chưa kể, ở đây cũng có rất nhiều cầu thủ tuổi đã cao nhưng vẫn thi đấu rất thăng hoa.
Hiện tại, Milan của HLV Pioli đang chơi rất thăng hoa và giành được vị trí đầu bảng Serie A. Tuy nhiên, vấn đề rất dễ nhận thấy là đội bóng thiếu đi chiều sâu đội hình, mà dựa cả vào một “ông già” như Ibrahimovic và những cầu thủ mới chỉ độ tuổi ngoài 20. Họ cần thêm một nhạc trưởng, là người có kinh nghiệm cũng như sự ảnh hưởng để chia sẻ cho nhạc trưởng hiện tại là Calhanoglu, cầu thủ đang phải cày ải quá nhiều.
Chưa kể, HLV Pioli cũng là người rất thích áp dụng chiến thuật phù hợp cho những ngôi sao. Vì vậy, có vẻ như việc Ozil và Milan tìm được tiếng nói chung sẽ tốt cho cả 2. Vấn đề là phải chờ đến kỳ chuyển nhượng mùa đông tới.