TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết uống rượu bia ngày Tết hoặc bất kỳ thời điểm nào cũng có thể gây viêm loét dạ dày, xơ gan... Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng đến hành vi và nhận thức, gây bạo lực hoặc tai nạn giao thông. Do đó, việc sử dụng đồ uống này nên được hạn chế, không nên quá vui vẻ mà uống liên tục trong nhiều ngày.
5 loại thực phẩm giúp giải rượu hiệu quả
Để giảm bớt sự khó chịu do rượu bia và những hậu quả đáng tiếc khác, hãy tham khảo những mẹo giải rượu đơn giản với các loại thực phẩm sau:
Uống nước gừng tươi: Khi say do uống bia rượu sẽ khiến cơ thể mất dần tỉnh táo. Trong những thức uống này chứa nhiều cồn, do đó để giảm bớt ảnh hưởng cồn trong máu có thể ăn một vài lát gừng tươi hay uống 1 ly trà gừng ấm. Bởi trong gừng có chứa các chất giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, nhanh chóng đẩy cồn ra khỏi cơ thể thông qua bài tiết giúp giảm say rất hiệu quả. Bên cạnh đó, có thể cho thêm vào nước gừng nóng một muỗng mật ong, như vậy sẽ giúp hấp thụ nhanh và giải say rượu.
Nước cam pha mật ong: Trong nước cam và mật ong có chứa đường là fructose. Đây là chất có khả năng giải rượu nhanh. Ngoài ra, uống nước chanh mật ong vào mỗi buổi sáng sẽ rất tốt cho cơ thể, khởi đầu một ngày làm việc tràn đầy năng lượng. Có thể pha nước uống này theo tỉ lệ như sau: lấy 1/2 quả chanh sau đó vắt lấy nước bỏ hạt; tiếp đó lấy 2 muỗng mật ong, khuấy đều và sử dụng.
Nước chanh muối: Chanh chứa hàm lượng vitamin C cao giúp giảm cơn say và làm cơ thể tỉnh táo trở lại. Ngoài ra, khi say rượu thường kéo theo khát nước nên uống nước chanh còn giúp giải cơn khát hiệu quả. Bạn cũng có thể thêm muối vào nước chanh để bù điện giải.
Ăn cháo trắng: Cháo là một món giải rượu rất hiệu quả, dễ ăn, dễ chế biến. Khi cơ thể tỉnh lại sau say sẽ rất mệt mỏi, vậy nên ăn cháo trắng nóng giúp toát mồ hôi cũng là cách giải rượu hiệu quả. Cháo trắng dễ chế biến, có thể ăn kèm với lá tía tô, hành tươi để dễ ăn hơn. Sau khi ăn sẽ giúp người say tỉnh táo và lấy lại sức khỏe nhanh chóng.
Nước dừa: Phần lớn người say rượu sẽ có cảm giác khát nước, khô họng vào sáng hôm sau. Nước dừa là một trong những thứ nước giải khát tuyệt vời, giúp làm dịu cơn khát đồng thời cung cấp các chất điện giải cho cơ thể. Nhiều nơi còn trộn rượu với nước dừa để giảm nồng độ cồn trong rượu và uống dễ hơn.
Bảo vệ gan trước tác hại của rượu bia
Bên cạnh việc uống đúng liều lượng tiêu chuẩn, mỗi người cần phải chủ động bảo vệ gan trước tác hại nghiêm trọng của rượu bia ngày tết. Một số giải pháp hữu ích có thể tham khảo gồm:
Luôn bổ sung đủ nước: Khi cơ thể bị mất nước, chức năng gan ngay lập tức sẽ bị ảnh hưởng do hoạt động đào thải chất độc bị cản trở đồng thời quá trình máu đi qua cơ quan cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc bổ sung đủ nước cũng là cách để bảo vệ gan, đặc biệt là vào thời điểm uống rượu bia.
Cụ thể cần xây dựng thói quen uống đủ nước lọc mỗi ngày (không tính lượng nước từ nước ngọt, nước ép trái cây, trà…), đặc biệt nên tăng lượng cần uống nhiều hơn nếu sau đó tiếp tục uống bia rượu;
Nên tránh các chất gây mất nước và tuyệt đối không kết hợp chung với rượu, chẳng hạn như đường, caffeine, natri…; Nếu rượu bia buộc phải pha cùng nước ngọt, nước tăng lực trong khi uống, tốt nhất là nên kết hợp với một cốc nước lọc giữa những lần uống. Điều này sẽ giúp cơ thể hạn chế tối đa hiện tượng mất nước.
Sau khi uống rượu bia, cơ thể rất dễ rơi vào tình trạng mất nước, do đó tốt hơn hết là nên đặt sẵn nước lọc ở vị trí có thể dễ dàng lấy uống khi say xỉn. Một số triệu chứng dễ nhận biết gồm: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…
Ăn no trước khi uống rượu bia: Thói quen uống rượu bia lúc bụng đói sẽ dễ say hơn và dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực cho sức khỏe, đặc biệt là gây tổn hại cho gan. Nguyên nhân là do khi cơ thể ở trạng thái no, lượng cồn đưa trực tiếp vào máu sẽ ít hơn. Do đó, cần lưu ý thời điểm thích hợp nhất để uống rượu bia là sau khi ăn tối một giờ đồng hồ; Bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm, chất béo, carbohydrate vào thực đơn trước khi uống rượu bia; Kết hợp uống Vitamin tổng hợp đều đặn nếu có thói quen uống rượu bia thường xuyên.
Không uống rượu bia khi đang dùng thuốc: Việc sử dụng rượu bia trong quá trình đang dùng thuốc có thể dẫn đến nhiều phản ứng đáng lo ngại cho sức khỏe, thậm chí làm tổn thương gan nghiêm trọng. Cần kiểm tra nhãn cảnh báo tránh dùng chung với rượu bia đối với tất cả các loại thuốc.
Rượu có khả năng làm giảm hiệu quả của nhiều loại thuốc kháng sinh, đồng thời có thể gây buồn nôn và dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Nhiều loại thuốc chống trầm cảm và lo âu không được dùng chung với rượu trong bất kỳ trường hợp nào. Thuốc giảm đau tuyệt đối không được kết hợp với rượu, đặc biệt acetaminophen và ibuprofen liều không kê đơn có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng khi dùng chung với loại đồ uống này.
Tránh pha trộn nhiều loại rượu với nhau: Nhiều loại rượu bia ngày Tết có thể không tương thích khi kết hợp với nhau, thậm chí gây ra nhiều phản ứng đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến gan nói riêng và sức khỏe nói chung. Do đó, việc tìm hiểu thật kỹ về từng loại trước khi uống là thực sự cần thiết để tránh các vấn đề không mong muốn.
Bên cạnh đó, đừng quên việc cần duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện lành mạnh và kiểm tra sức khỏe sau Tết.