Sử dụng thuốc nổ để khai thác khoáng sản trái phép
Ngày 24/8, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái mở lại phiên xét xử sơ thẩm đối với 10 bị cáo về tội “Vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ trái phép” và “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, Yên Bái. Đây là ngày xét xử đầu tiên sau các lần chuyển, trả hồ sơ, gần nhất là hoãn xét xử vào ngày 14/08.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 10/2020 đến ngày 30/12/2020, lợi dụng hợp đồng nổ mìn, sửa chữa, nâng cấp đường lên mỏ Công ty Tuyên Huy, Lăng Đức Hân cùng đồng phạm đã sử dụng trái phép 2.768kg thuốc nổ các loại; 3.391 kíp nổ các loại để khai thác trái phép quặng chì – kẽm trong các hầm lò có sẵn tại mỏ của Công ty Tuyên Huy và mỏ dưới thuộc Làng Rẫy (Cảm Nhân, Yên Bình, Yên Bái). Tổng khối lượng khai thác là 1.096 tấn quặng chì – kẽm, có giá trị 2.026 tỷ đồng.
Nhiều người quan tâm đến vụ án đã đến xếp hàng từ sáng sớm để được xem xét xử |
Lăng Đức Hân bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm đã tổ chức vận chuyển trái phép lên mỏ núi Ngàng (Làng Rẫy, Cảm Nhân) 2.244kg thuốc nổ các loại; hơn 2.900 kíp các loại.
Số vật liệu nổ đã sử dụng trái phép là 2.768kg thuốc nổ các loại, 3.391 kíp các loại để khai thác 1.096 tấn quặng chì – kẽm có trị giá 2.026 tỷ đồng tại mỏ núi Ngàng.
Do số người đến tham dự phiên tòa đông, phòng xét xử không đáp ứng được toàn bộ chỗ ngồi, tòa án nhân tỉnh Yên Bái phải bố trí thêm loa phát thanh bên ngoài phòng xử cho người đến có thể nghe diễn biến xét xử vụ án |
Cáo trạng thể hiện, trong các ngày 19/12/2020 và 30/12/2020, Hân chỉ đạo Việt, Báu, Đức vận chuyển trái phép 390kg thuốc nổ các loại, 400 kíp điện các loại, 1.500 dây điện mạng lên mỏ núi Ngàng. Hân bị cáo buộc là người tổ chức, chỉ đạo Đức thực hiện hành vi vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ và khai thác trái phép tài nguyên tại mỏ núi Ngàng; chỉ đạo Việt, Báu thực hiện hành vi vận chuyển trái phép vật liệu nổ; chỉ đạo Đoàn khai thác trái phép tài nguyên tại mỏ núi Ngàng.
Khai tại tòa, bị cáo Lăng Đức Hân cho biết, sau khi hợp đồng được ký kết với Công ty Tuyên Huy, công ty của Hân (Công ty Ngọc Tâm) đã vận chuyển máy lên thi công tuyến đường. Khi thi công đường thì bị một số người dân gần khu vực ngăn cản.
Bị cáo Lăng Đức Hân (phải) khai rằng lúc bị bắt mới nhận thức được số vật liệu được khai thác và tập kết ra ngoài mỏ là quặng. Ảnh: TP |
Vào khoảng đầu tháng 10/2020, khi triển khai làm đường, Hân khai đã xác định không thể nổ mìn trên mặt đường mà phải tiến hành trong hầm lò. Về việc nổ mìn ở các hầm lò, Hân khai được thực hiện vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/2020 và việc này giao cho Bùi Minh Đức thực hiện. Về đề xuất cho nổ mìn ở bên trong các hầm lò để lấy đá dải đường, Hân khai thời điểm nổ mìn không biết có quặng hay không, nói chỉ nổ mìn để lấy đá vì lượng đá cần sử dụng nhiều.
Tại tòa, Hân khai đến khi bị bắt mới nhận thức được rằng toàn bộ vật liệu tập kết ra ngoài mỏ là quặng. Thời điểm sự việc xảy ra, Hân nói không nghĩ đó là quặng.
Về số vật liệu nổ có được vận chuyển hợp pháp hay không, Hân cũng khai rằng trước khi bị bắt, bị cáo này nghĩ là không vấn đề gì, khi bị bắt mới biết không hợp pháp.
Nguyên phó bí thư Đoàn phủ nhận việc "lo cơ chế" để khai thác khoáng sản
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Đinh Tiến Hùng đã “bàn bạc trao đổi” với Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Tuấn tại quán cà phê Đồng Tâm ngày 18/10/2020 trên đường Yên Ninh, TP Yên Bái, với nội dung "Đinh Tiến Hùng đi lo cơ chế, chi phí, quan hệ để giúp Tuấn, Hậu và các đồng phạm khai thác quặng trái phép". Và nữa, "sau khi khai thác được thì trừ chi phí, quan hệ..., Đinh Tiến Hùng được hưởng 1/3 lợi nhuận, còn Tuấn và Hậu được hưởng 2/3 lợi nhuận". Đây là tình tiết quan trọng để Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho rằng Đinh Tiến Hùng có vai trò chủ mưu trong vụ án khai thác trái phép tài nguyên tại mỏ núi Ngàng.
Quán cà phê Đồng Tâm - nơi Nguyễn Trọng Tuấn sắp xếp cuộc hẹn giữa Nguyễn Văn Hậu và Đinh Tiến Hùng |
Tại phiên xét xử, bị cáo Nguyễn Trọng Tuấn khai để giải quyết những vướng mắc của Công ty Tuyên Huy, Tuấn đã đặt ra cuộc hẹn giữa Nguyễn Văn Hậu và Đinh Tiến Hùng tại quán cà phê Đồng Tâm để nhờ Hùng hỏi việc bên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái. Trong cuộc gặp ở quán cà phê Đồng Tâm, Tuấn khai Hậu và Hùng nhận ra nhau, các bên giới thiệu nơi công tác của mình, Tuấn chỉ ngồi nghe. Tuấn cũng khai rằng có nghe được thông tin bị cáo Đinh Tiến Hùng sẽ "lo quan hệ, ăn chia" ở cuộc gặp này.
Với Nguyễn Văn Hậu, tại tòa bị cáo này cũng khai sau khi vụ án được khởi tố mới biết đó là quặng, trước đó chưa nhận thức được. Về chuyện chia lợi nhuận 1/3 cho Đinh Tiến Hùng, Hậu khai mới thống nhất thế, chưa bàn bạc, bởi hàm lượng quặng quá thấp, không bán ngay được; chưa xác định quặng bao nhiêu, đá bao nhiêu.
Tại phiên xét xử chiều 24/08, bị cáo Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng trình bày, bị cáo không đồng ý với các cáo buộc của Viện Kiểm sát đối với mình.
Bị cáo Đinh Tiến Hùng khai trước tòa là không lo cơ chế, không lo quan hệ và “đến tận bây giờ tôi không hiểu quan hệ, cơ chế ở đây là gì”.
Bị cáo Đinh Tiến Hùng cũng nói không tham gia tổ chức, trao đổi, xúi giục các đối tượng tham gia khai thác trái phép; không tham gia bố trí nhân lực, vật lực khai thác mỏ trái phép…
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái cũng khai không có bàn bạc, trao đổi công việc cụ thể gì với bị cáo Tuấn.
Trước các thông tin bị cáo Tuấn, Hậu khai trước đó rằng có sự bàn bạc, bị cáo Đinh Tiến Hùng nói, cuộc gặp ở quán cà phê Đồng Tâm do bị cáo Tuấn gọi điện đột xuất, không hẹn trước. Đinh Tiến Hùng ra khoảng 10 phút, gặp Hậu là bạn học cũ. Cuộc gặp này bị cáo Đinh Tiến Hùng khai không trao đổi bất cứ nội dung gì về việc khai thác mỏ.
“Tôi nghĩ rằng, tôi và Tuấn biết nhau trước đấy rồi, Tuấn lên ra uống cà phê thì tôi ra thôi” - bị cáo Đinh Tiến Hùng khai trước tòa.
Vị nguyên cán bộ Tỉnh đoàn Yên Bái cũng khai không nói gì về việc tranh thủ việc làm đường bóc tách quặng, lo cơ chế, quan hệ, việc chia lợi ích sau này như lời khai của bị cáo Tuấn và bị cáo Hậu.
Với nội dung bị cáo Hậu khai nhờ Đinh Tiến Hùng hỏi về việc vướng mắc cấp phép ở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái, bị cáo Đinh Tiến Hùng cũng khẳng định không có.
Phiên xét xử sơ thẩm sẽ tiếp tục vào ngày 25/08.
10 bị cáo bị truy tố các tội danh gồm:
Bị cáo Đinh Tiến Hùng - nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái bị truy tố tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", quy định tại điểm b, c, khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự.
9 bị cáo còn lại lần lượt bị truy tố các tội danh như sau: Lăng Đức Hân (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm), Bùi Minh Đức (công nhân Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm) tội "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ" và tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên"; Nguyễn Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy), Nguyễn Văn Hậu (Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy), Bùi Mạnh Hùng (Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy) tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" và tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên"; Trần Đắc Việt (Thủ kho vật liệu nổ Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm) và Nguyễn Văn Báu (bảo vệ Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm) tội "Vận chuyển trái phép vật liệu nổ"; Lưu Bằng Đoàn (lao động tự do) tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên"; Nguyễn Mạnh Hùng (lao động tự do) tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Diễn biến vụ án
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Tuyên Huy (do ông Nguyễn Văn Hậu là Giám đốc) có mỏ quặng ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã hết hạn và đang trong quá trình xin cấp phép lại. Năm 2020, để chuẩn bị cho việc khai thác khi được cấp phép lại, Công ty Tuyên Huy hợp tác với Công ty TNHH Ngọc Tâm (do ông Lăng Đức Hân là Giám đốc) mở một con đường vào khu mỏ.
Quá trình thi công, ông Lăng Đức Hân phát hiện nhiều hầm lò cũ nên nảy ý định nổ mìn lấy đá làm đường đồng thời thử xem có quặng chì-kẽm không. Nếu có thì tách ra, tìm hướng xử lý sau.
Tháng 10/2020, do vướng mắc trong quá trình cấp lại giấy phép, ông Nguyễn Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Tuyên Huy) nói với ông Nguyễn Văn Hậu là có quen ông Đinh Tiến Hùng – khi đó là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái. Cả 2 về TP Yên Bái, ngồi ở quán cà phê Đồng Tâm (đường Yên Ninh) và mời ông Hùng ra gặp. Tại đây, ông Hùng nói sẽ đứng ra lo quan hệ, cơ chế để giúp việc khai thác tài nguyên trái phép. Số tiền thu được từ hoạt động này, ông Hùng được chia 1/3.
Qua thẩm định, khối lượng đất đá được xác định là "quặng chì-kẽm" khoảng hơn 1.000 tấn, trị giá hơn 2 tỉ đồng.
Tháng 03/2021, Công an tỉnh Yên Bái khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Qúa trình truy tố, cơ quan tố tụng xác định ông Hùng có vai trò là “người khởi xướng”.