Lùm xùm về việc cho, nhận con nuôi
Theo đó, khoảng tháng 10/2018 Chảo Láo Lở và Lý Lở Mẩy (SN 2002, TT. tại thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, H. Bát Xát, Lào Cai) về chung sống như vợ chồng do lúc này Mẩy chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Trong thời gian chung sống giữa Lở và Mấy thường xuyên có mâu thuẫn về tình cảm, Mẩy thường xuyên bị Lở đánh đập và dọa đuổi ra khỏi nhà. Khoảng tháng 01/2019, Lý Lở Mấy bỏ nhà đi sau đó gặp, nảy sinh tình cảm và có thai với anh LNT (sinh năm 1996, TT bản Ngọc Lại, xã Phúc Khoa, H. Tân Uyên, Lai Châu).
Đến cuối năm 2019, Mẩy quay về nhà bố, mẹ đẻ tại thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, Bát Xát, Lào Cai, mục đích làm thẻ bảo hiểm y tế để phục vụ việc sinh nở. Sau khi Mẩy trở về nhà, Chảo Láo Lở phát hiện nên đã đến nhà bố mẹ đẻ Mẩy và yêu cầu Mẩy quay về nhà Lở để chung sống cùng Lở. Nếu không đồng ý thì Mẩy phải trả cho Lở số tiền một trăm triệu đồng, là số tiền mà Lở đã bỏ ra chi phí để hỏi cưới Mẩy.
Trong thời gian này Lở đã nói với Mẩy về việc nếu Mẩy đẻ con gái thì sẽ để nuôi, đẻ con trai thì sẽ cho người khác làm con nuôi vì con trai sẽ ảnh hưởng đến việc chia tài sản sau này khi Lở và Mẩy có con chung.
Sau khi Mẩy sinh con trai, Lở đến nhà anh Phàn Văn Hưng, mục đích để cho anh Hưng làm con nuôi. Tuy nhiên, anh Hưng không có nhu cầu nên đã giới thiệu cho vợ chồng anh TVT (SN 1985) và chị ĐTX (SN1986), cùng trú tại Bản 1 Mai Đào, xã Thượng Hà, Bảo Yên, Lào Cai nhận nuôi cháu bé con của Mẩy.
Trưa ngày 29/02/2020, Chảo Láo Lở thuê xe taxi đón và đưa Lý Lở Mầy cùng cháu bé mới sinh và Lò Sử Mẩy (mẹ đẻ của Lở) từ bệnh viện Sản Nhi Lào Cai về lán ở của gia đình tại thôn Pờ Sì Ngài, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, sau đó Lở thông báo cho Hưng gọi người đến nhận cháu bé tại xã Trung Chải, thị xã Sa Pa. Hưng gọi điện và thông báo cho gia đình TVT lên nhận cháu bé.
Trưa cùng ngày, anh TVT, chị ĐTX và bà Đặng Thị H (SN 1966) mẹ đẻ anh TVT và ông Bàn Cao V (SN 1980), anh Bàn Văn T (SN 1991), anh Bàn Minh H (SN 1981), là những người họ hàng của TVT thuê một xe ô tô taxi để đi còn Phàn Văn Hưng đi xe ô tô cá nhân đến điểm hẹn để nhận con nuôi.
Tại đây, hai bên đã viết giấy cho nuôi con với nội dung Lý Lở Mẩy và Chảo Láo Lở do hoàn cảnh không nuôi được cháu bé mới sinh nên đồng ý cho vợ chồng TVT - ĐTX nuôi giúp và có ký xác nhận. Do Lở không biết chữ nên đưa cho Mẩy ký. Anh TVT đã đưa 35 triệu đồng tiền bồi dưỡng cho Lở và Mẩy.
Xong khi giao nhận con nuôi xong, Lở lấy số tiền nhận từ anh TVT ra, rồi lấy số tiền 10 triệu đồng đưa cho anh Hưng. Hưng nhận rồi cho lại mẹ đẻ của Lở số tiền 01 triệu đồng, sau đó ra về. Số tiền còn lại Lở đưa cho Mẩy cầm. Khoảng một tháng sau Lở đã lấy lại toàn bộ số tiền trên để sử dụng, tiêu xài cá nhân hết.
Mẩy tiếp tục chung sống với Lở được khoảng ba tháng. Do bị Lở chửi và đánh đập nhiều lần, nên Mẩy tiếp tục bỏ đi làm ăn ở nơi khác. Sau khi Mẩy bỏ đi Lở tìm không được, nên thường xuyên đến nhà bố mẹ đẻ của Mẩy để chửi mắng gia đình Mẩy. Ngày 13/4/2022 Mẩy trở về nhà và biết chuyện, nên trình bảo cơ quan Công an.
Gia đình có 3 người con khuyết tật của ông Phàn Văn Hưng |
Có dấu hiệu oan sai!
Ngày 18/02/2023 Tòa án nhân dân thị xã Sa Pa đưa ra bản án số: 01/2023/HS – ST tuyên phạt các bị cáo Chảo Láo Lở (SN 1999, TT thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành, H. Bát Xát, Lào Cai) và Phàn Văn Hưng (SN 1967, TT Tổ 29, P. Bắc Cường, TP Lào Cai, Lào Cai) phạm tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” theo điểm a khoản 1 điều 151 bộ luật hình sự năm 2015. Trong vụ án hình sự này Phàn Văn Hưng bị xử phạt 07 năm 06 tháng tù.
Tại phiên tòa bị cáo Chảo Láo Lở và Phàn Văn Hưng không đồng ý với tội danh và các điều luật mà VKSND thị xã Sa Pa đã truy tố đối với các bị cáo, các bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét tuyên bố các bị cáo vô tội.
Bản án của Tòa án nhân dân thị xã Sa Pa |
Theo luật sư Trần Bá Lực thuộc Công ty Luật Xuân Thủy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, là người bào chữa cho anh Phàn Văn Hưng nhận định: Vụ án có rất nhiều “điểm mờ” cần làm sáng tỏ, riêng với bị cáo Hưng tòa tuyên phạm tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” là hoàn toàn thiếu thuyết phục, rất khiên cưỡng, gượng ép, có rất nhiều nguyên tắc trong điều tra, truy tố đã bị bỏ qua như nguyên tắc “Trọng chứng hơn trọng cung”, nguyên tắc “Suy đoán vô tội”, nguyên tắc “Có lợi hơn”, nguyên tắc nhân đạo mà từ đó có thể dẫn đến làm oan người vô tội.
Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 29/02/2020 có việc cho nhận con nuôi, sự việc này được tất cả những người có liên quan đều thừa nhận. Việc cho nhận con nuôi khi đó đã được ghi nhận lại bằng văn bản là “Giấy cho nuôi con” với nội dung rất rõ ràng về thời gian, đối tượng, bên giao, bên nhận, nguyên nhân, cam kết của các bên. Theo giấy này thì rõ ràng Lý Lở Mẩy đã thể hiện ý chí của mình là đồng ý cho con vì hoàn cảnh mà không thắc mắc gì, điều này cũng được những người tham gia sự việc khẳng định. Và sau đó, chính Mẩy là người đã cầm 25 triệu tiền bồi dưỡng từ phía gia đình nhận con.
Luật sư Lực cho rằng việc Cơ quan điều tra tin vào lời khai của Lý Lở Mẩy để khởi tố vụ án mà không tin vào “Giấy cho nuôi con” là đã vi phạm nguyên tắc “Trọng chứng hơn trọng cung”.
Luật sư Trần Bá Lực thuộc Công ty Luật Xuân Thủy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội |
Câu hỏi đặt ra ở đây là lời khai của Lý Lở Mẩy có đáng tin hay không? Tại phiên tòa sơ thẩm Luật sư Lực đã trình bày, phân tích để thấy rằng lời khai của Mẩy là trước sau bất nhất, không có căn cứ, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống và thật sự không đáng tin. Giữa lời khai của Chảo Láo Lở và Lý Lở Mẩy có mâu thuẫn, trái ngược nhau về việc Mẩy có đồng ý cho con hay không, Lở thì cho rằng Mẩy đồng ý cho con và chứng cứ là “Giấy cho con nuôi” có chữ ký của Mẩy, còn Mẩy thì cho rằng mình không đồng ý cho con vì sợ chứ không có bất cứ chứng cứ khách quan nào khác. Vậy nếu cơ quan điều tra tin vào lời khai của Mẩy chứ không tin vào lời khai của Lở thì dường như đã đi ngược lại “Nguyên tắc suy đoán vô tội”.
Nếu kết luận đây là vụ án “Mua bán người dưới 16 tuổi”, Chảo Láo Lở là người bán, anh Phàn Văn Hưng là người môi giới (bị truy tố) còn gia đình anh TVT, chị ĐTX lại là người nhận con với mục đích để nuôi và những người đi cùng lại không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy thì không thể quy là mua bán. Và như vậy, việc môi giới của anh Hưng là môi giới nhận con nuôi chứ không thể xác định là môi giới bán người dưới 16 tuổi.
Kể cả trong trường hợp bị cáo Chảo Láo Lở bị kết tội thì dựa trên Nghị quyết số 02/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng về tội mua bán người dưới 16 tuổi về “Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi” rõ ràng chúng ta đều thấy anh Phàn Văn Hưng không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi môi giới của mình. Bởi lẽ theo Nghị quyết nói trên thì người môi giới nuôi con nuôi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu mục đích của bên nhận là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác trong khi đó xuyên suốt vụ án chúng ta đều biết rõ mục đích của bên nhận con nuôi là nhân đạo. Và theo Nghị quyết 02/2019 nói trên thì người môi giới nuôi con nuôi hoàn toàn có thể nhận thù lao từ việc môi giới và đây không phải là yếu tố, dấu hiệu để định tội cho người môi giới nuôi con nuôi, luật sư Trần Bá Lực cho biết thêm.
Được biết, anh Hưng và vợ có 3 người con bị thiểu năng trí tuệ, không tự phục vụ được bản thân và không có khả năng lao động, anh Hưng là trụ cột chính trong gia đình. Đề nghị các cơ quan chức năng, tòa án cần xem xét thấu đáo, để có quyết định sáng suốt, tránh oan sai, ảnh hưởng tới quyền lợi của công dân.