Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, luật sư Vũ Tuyến Hùng thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội là luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Văn Tiệp cho biết: “Trong vụ án này thì các bị cáo không có động cơ phạm tội. Chị Tâm chỉ có ý định mua xe đá đổ vào thửa đất của nhà mình để chặn lối vào đất nhằm ngăn chặn việc bà Sự cố tình xây dựng; anh Tiệp thì cố gắng ra hiệu cho lái xe lùi xe vào phía bên trong cổng để không đổ đá ra ngoài đường chứ không hề có ý ra hiệu cho lái xe lùi húc đổ trụ cổng. Vậy mà bà Sự lại làm đơn trình báo và công an lại cáo buộc chị Tâm, anh Tiệp và anh Tuân là hủy hoại tài sản của của bà ý – Thật vô lý”.
Luật sư Hùng cho biết thêm: “Chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Với trách nhiệm của luật sư, trong vụ án này tôi thấy cần thiết phải có sự chỉ đạo kịp thời từ Thủ tướng Chính phủ mới có thể tránh để oan sai người vô tội nên đã làm Đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc điều tra lại toàn bộ sự việc”.
Luật sư chỉ ra nhiều nội dung mấu chốt của vụ án chưa được xem xét khách quan?
Trước phiên xét xử, thông tin đến cơ quan báo chí, luật sư Đào Việt Hà là luật sư bảo vệ cho Bùi Thị Thanh Tâm và luật sư Vũ Tuyến Hùng là luật sư bảo vệ cho Nguyễn Văn Tiệp đều đã có văn bản đề nghị HĐXX, Tòa án nhân dân huyện Kim Bôi triệu tập những người có liên quan đến việc xác định quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất nơi xảy ra sự việc ngày 06/05/2022 tại thửa đất số số 42, tờ bản đồ 08, diện tích 1.505 m2 tại xóm Nà Bờ, xã Sào Báy và những người liên quan đến việc xác định tài sản bị hủy hoại, đối tượng hủy hoại và xác định định giá tài sản bị hủy hoại trong vụ án để có cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật để làm căn cứ xét xử đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tuy nhiên, HĐXX đã không triệu tập những người liên quan đến phiên xét xử nên tại phiên xét xử các luật sư đã đề nghị dừng phiên tòa nhưng HĐXX vẫn tiến hành xét xử. Bà Bùi Thị Mai Linh – Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa nêu lý do: “Tại phiên tòa đã có mặt các nhân chứng nên bác bỏ yêu cầu triệu tập thêm người của các luật sư”.
Lý giải cho việc tại sao phải yêu cầu tòa triệu tập thêm người đến phiên xét xử, luật sư Đào Việt Hà nêu rõ tại Tòa: “ Thứ nhất: Phiên xét xử cần có mặt của ông Bùi Văn Hiển, là người có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất số 42, tờ bản đồ 08, diện tích 1.505 m2 tại xóm Nà Bờ, xã Sào Báy bởi thời điểm vụ án “Hủy hoại tài sản” xảy ra trên đất của ông; Thứ hai: Cần có mặt của các ông Bùi Văn Tường – Chủ tịch UBND xã Sào Báy; Công chứng viên Tạ Văn Thành – Văn phòng công chứng Đại Nam và Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Kim Bôi để làm sáng tỏ hơn việc mua bán, chuyển nhượng QSD đất thửa đất số 42, tờ bản đồ 8 giữa chị Hường và ông Hiển là hợp pháp, bởi trong hồ sơ vụ án có nội dung chuyển nhượng này với 09 loại giấy tờ hợp pháp mà Cơ quan CSĐT thu thập được, tuy nhiên trong Kết luận điều tra và Cáo trạng lại không thể hiện quan điểm rõ ràng về việc có công nhận tính hợp pháp của việc chuyển nhượng này hay không?”.
Thửa đất số 42, tờ bản đồ 8 ở xóm Nà Bờ, xã Sào Báy là tài sản hợp pháp của gia đình ông Bùi Văn Hiển tại thời điểm xảy ra sự việc |
Tại phiên tòa, đại diện VKSND huyện Kim Bôi đã công bố cáo trạng. Phần kết luận cáo trạng nêu: Do mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 42, tờ bản đồ số 08, địa chỉ tại xóm Nà Bờ - Sào Báy, Bùi Thị Thanh Tâm cho rằng thửa đất này bố của Tâm (ông Bùi Văn Hiển) đã mua lại từ chi Bùi Thị Hường là con của bà Bùi Thị Sự, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã sang tên ông Hiển, vì vậy Tâm đã nhiều lần đến nhà bà Sự yêu cầu bàn giao lại đất và tài sản trên đất cho gia đình Tâm sử dụng theo uỷ quyền của ông Hiển, tuy nhiên phía chị Hường cho rằng bản thân không được bán quyền sử dụng thửa đất này cho ông Hiển mà chỉ làm hợp đồnguỷ quyền nhờ vay ngân hàng giúp, phía gia đình bà Sự cũng cho rằng không được bán thửa đất này cho ai nên không đồng ý bàn giao lại thửa dất cho gia đình Tâm, sau đó gia đình bà Sự còn cho xây sửa nhà, công, tường bao, lợp mái sân để sử dụng, Tâm đã yêu cầu dừng thi công nhiều lần nhưng phía gia đình bà Sự không nghe mà còn tiếp tục cho xây sửa nhà, nên Tâm đã tức giận mua đá hộc đổ vào cổng nhà bà Sự để ngăn cản lối đi của thợ, dẫn đến thùng xe chở đá va chạm vào trụ cổng làm hư hỏng tài sản trị giá thiệt hại là 4.358.590 đồng (bốn triệu ba trăm năm mươi tám nghìn năm trăm chín mươi đồng).
Trong vụ án trên Bùi Thị Thanh Tâm, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Tuân đều là những người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Bùi Thị Thanh Tâm có hành vi chỉ đạo người khác lùi xe ô tô đổ đá hộc vào cổng nhà bà Bùi Thị Sự, mặc dù đã được gia đình bà Sự can ngăn và bản thân Tâm biết được việc lùi xe vào cổng nhà bà Sự sẽ gây hư hỏng những tài sản xe va chạm vào, nhưng Tâm vẫn cố tình chỉ đạo lùi xe đổ đá đến cùng, dẫn đến đổ cổng, tường bao và cong móp cột sắt chống mái sân là các tài sản của gia đình bà Sự cho xây dựng, thi công vào đầu nǎm 2022, gāy thiệt hại tài sản với tổng số tiền 4.358.590 đồng.
Nguyễn Văn Tuân có hành vi lái xe ô tô chở đá hộc đến nhà bà Sự, rồi trực tiếp lùi xe vào cổng nhà bà Sự để đổ đá theo sự chỉ đạo của Bùi Thị Thanh Tâm, dẫn đến thùng xe va chạm với trụ cổng làm hỏng cổng, tường bao và cong vênh cột sắt chống mái sân của gia đình bà Bùi Thị Sự.
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kim Bôi đã quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Kim Bôi để xét xử các bị can Bùi Thị Thanh Tâm, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Tuân về tội “ Hủy hoại tài sản” theo Khoản 1, Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật sư thông tin, trả lời câu hỏi của HĐXX về việc chỉ đạo khi chiếc xe tải lùi sát vào cổng, bị cáo có nhận thức được việc chỉ đạo lùi xe chở đá hộc vào cổng có thể gây đổ cổng, làm hư hỏng tài sản trên đất? Bị cáo Bùi Thị Thanh Tâm khai rằng, bị cáo có nhận thức được việc đó. Tuy nhiên, bị cáo Tâm lại cho rằng, bị cáo chỉ đạo đổ đá hộc vào thửa đất trên do bố đẻ của mình là ông Bùi Văn Hiển mua của Bùi Thị Hường (con bà Sự) là để bảo vệ tài sản do bố mình ủy quyền.
Trong khi đó, bị hại trong vụ án là bà Bùi Thị Sự khai, khi vụ việc xảy ra vào ngày 06/05/2022, gia đình bà mới biết thửa đất số 42 do gia đình bà sinh sống trong nhiều năm đã được chuyển nhượng cho ông Bùi Văn Hiển. Bà Sự cho rằng, bản thân và nhiều thành viên khác trong gia đình là đồng thừa kế chưa phân chia di sản, chưa ký bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc chuyển nhượng, mua bán thửa đất trên.
Luật sư Vũ Tuyến Hùng cho biết: Tại phiên xét xử tôi đã có ý kiến: “Cần khẳng định tính hợp pháp của việc mua bán chuyển nhượng giữa ông Hiển và chị Hường cũng như cần xác định rõ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Bùi Thị Sự khi ở trên thửa đất số 42, tờ bản đồ 8 thì HĐXX mới có thể công tâm luận tội được”. Theo ông Hùng, dựa trên quy định pháp luật về đất đai tại Điều 4,5 Luật Đất đai 2013 thì việc bà Sự về làm dâu và sinh sống ở tại thửa đất của bố chồng không có nghĩa là bà Sự được quyền sử dụng, chiếm giữ hay định đoạt tài sản này. Ngay cả khi bố mẹ chồng và chồng bà Sự mất, thì bà Sự cũng không phải đối tượng được hưởng thừa kế theo Điều 651, Bộ Luật Dân sự 2015. Hơn nữa, cho đến thời điểm xảy ra vụ việc “Hủy hoại tài sản”, cũng không có căn cứ nào chứng minh được việc bà Bùi Thị Sự có quyền quản lý, sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất này. Vì vậy, nếu HĐXX không căn cứ theo các quy định pháp luật, không làm rõ điểm vô lý trong Kết luận điều tra số 23 và Cáo trạng số 23, mà cũng đồng tình cho rằng bà Sự có quyền quản lý, sử dụng thửa đất số 42 thì đó là việc làm thiếu công tâm và có thể dẫn đến oan sai cho người vô tội. Hơn nữa, việc bà Sự biết đã biết Bùi Thị Hường đã bán thửa đất này cho ông Hiển mà cố tình chiếm đoạt để sử dụng và tự ý xây sửa lại cổng là hành vi cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trong phần hỏi - đáp, bị cáo Bùi Thị Thanh Tâm cũng yêu cầu bà Sự chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của mình đối với thửa đất số 42, nhưng bà Sự cũng không đưa ra được bằng chứng nào mà chỉ cho rằng việc này đã được cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Kim Bôi làm rõ.
Luật sư Đào Việt Hà trao đổi, tại phiên tòa ông cũng đề nghị đại diện Viện KSND đưa ra căn cứ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của bà Bùi Thị Sự. Tuy nhiên bà Bùi Thị Lương, đại diện Viện KSND huyện Kim Bôi tại phiên xử cũng chỉ đọc nội dung Cáo trạng là “tài sản bị hủy hoại được xác định là của bà Sự” chứ không hề đưa ra bằng chứng hay căn cứ chứng minh nào cho nội dung này.
Luật sư Đào Việt Hà chia sẻ với phóng viên là nội dung lời khai trong hồ sơ vụ án của bà Bùi Thị Sự với khai tại phiên tòa không trung thực và rất mâu thuẫn. Cụ thể, bà Bùi Thị Sự trả lời trước HĐXX: “Trước thời điểm xảy ra vụ việc hủy hoại tài sản, bà không hề biết và không được ai thông báo về việc thửa đất số 42 đã được chuyển nhượng. Đầu năm 2022, bà Sự bắt đầu xây dựng, sửa chữa lại cổng và tường rào của thửa đất số 42, bà đã đập tường rào cũ đi và xây lại tường mới. Trong quá trình sửa chữa, chị Tâm có đến ngăn cản và xảy ra sự việc như bà đã trình báo cơ quan công an”. Nhưng biên bản ghi lời khai lại tại Cơ quan CSĐT. Thể hiện tại BL 308, khi được hỏi nguyên nhân dẫn đến sự việc hủy hoại tài sản, bà Sự đã trả lời: “Từ khoảng tháng 02/2022 đến nay, chị Tâm có đến thông báo với gia đình tôi là thửa đất của gia đình đã được chị Hường chuyển cho ông Hiển và yêu cầu gia đình tôi di chuyển để bàn giao lại nhà và đất”; tại BL 316 bà Sự khai: “...Chị Tâm đến khoảng 03 lần. Do chúng tôi không biết việc chuyển nhượng thế nào nên gia đình không đồng ý giao đất theo yêu cầu của chị Tâm, sau đó gia đình tôi nhờ thợ xây sửa lại tường bao, trụ cổng và các hạng mục trong nhà, dẫn đến xảy ra sự việc”.
Về hành vi này của bà Sự, luật sư Hùng cho rằng bà Sự đã không trung thực trong lời khai của mình. Bà Sự hoàn toàn nắm rõ sự việc vì đã được bị cáo Tâm đến gặp và thông báo nhiều lần (như trong BL nêu trên), hơn nữa người chuyển nhượng đất cho ông Hiển là chị Hường lại là con đẻ của bà nên bà rất có điều kiện để hỏi con mình. Vì vậy, hơn ai hết bà là người nắm rõ nội tình vụ việc. Nếu bà Sự cảm thấy chỗ ở của mình bị xâm phạm như đã được thông báo trước, bà có quyền làm Đơn trình báo chính quyền để nhờ phân xử nhưng bà lại không làm điều đó. Hành động cố tình phá tường cũ, xây tường mới khi chưa xác định rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên thửa đất số 42 của bà Sự được cho là nguồn cơn, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa bà Sự và bị cáo Tâm mà các cơ quan tố tụng gọi là “tranh chấp”. Cho nên nếu xét về hành vi cấu thành tội phạm (khách thể, chủ thể, mặt khách quan và chủ quan của tội phạm) thì bà Sự mới cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ trái phép tài sản của ông Hiển theo quy định tại Điều 176, Bộ Luật hình sự 2015.
Luật sư Đào Việt Hà nêu rõ quan điểm pháp lý bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Bùi Thị Thanh Tâm: Sau khi làm các thủ tục mua bán, chuyển nhượng và nộp thuế thì ngày 25/03/2021 ông Bùi Văn Hiển được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi tại trang 4 GCNQSDĐ số BP00045.CN.02 từ tài sản có nguồn gốc của bà Bùi Thị Hường được thừa kế từ ông nội là Bùi Văn Ên. Nên tài sản này là tài sản hợp pháp của ông Hiển chứ không phài của bất kỳ ai khác. Việc cơ quan tố tụng xác định các tài sản trên thửa đất số 42 tờ bản đồ 08 là tài sản của bà Sự là không đúng. Các cơ quan tố tụng không xác định được nhà bà Sự ở đâu, bà sự có tài sản hợp pháp gì trên thửa đất số 42 tờ bản đồ 08 thì các cơ quan tố tụng không có cǎn cứ để chứng minh và chính bà Sự cũng không chứng minh được. Vào thời điểm này thì bà Sự và toàn bộ các thành viên trong gia đình là các con bà Sự đã không có bất kỳ một quyền nào để được tác động vào thửa đất số 42 tờ bản đồ 08 nữa kể cả quyền được đi lại trên thửa đất này nếu không được ông Hiển cho phép chứ đừng nói gì đến quyền thay mặt gia đình để xây dựng trái phép trên đất của ông Hiển. Từ các phân tích trên, cơ quan tố tụng không làm rõ được các vấn đề nên không thể khẳng định được ý chí chủ quan của chị Tâm là ý chí hủy hoại tài sản được. Do đó mặt chủ quan hành vi của Tâm không phải là hành vi hủy hoại tài sản nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do đó Bùi Thị Thanh Tâm không có tội hủy hoại tài sản. Để vụ án được xét xử khách quan, toàn diện, minh bạch, đúng pháp luật thì HĐXX nên trả hồ sơ để bổ sung các vấn đề về mặt chủ quan của tội phạm xem có phù hợp với hành vi của các bị cáo hay không để tránh kết án oan cho người vô tội.
Luật sư Hà cho biết thêm: “Phiên xét xử vụ án “Hủy hoại tài sản” xảy ra ngày 06/05/2022 tại xóm Nà Bờ, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi kéo dài từ đầu giờ sáng đến cuối giờ chiều ngày 26/09/2024 nhưng vẫn còn nhiều nội dung chưa làm rõ. Trước phần nghị án, cả ba bị cáo Bùi Thị Thanh Tâm; Nguyễn Văn Tiệp và Nguyễn Văn Tuân đều khẳng định họ vô tội và kêu oan tại tòa, HĐXX đã kéo dài thời gian nghị án và thông báo đến sáng ngày 30/09/2024 sẽ tuyên án. Hy vọng, HĐXX Tòa án nhân dân huyện Kim Bôi sẽ có phán quyết thật khách quan, công tâm”.