Bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp có phải là hành vi chính đáng?
Chị Bùi Thị Thanh Tâm là người bị cáo buộc về tội “Hủy hoại tài sản” xảy ra ngày 6/5/2022 tại xóm Nà Bờ - Sào Báy – Kim Bôi – Hòa Bình chia sẻ: “Năm 2021, bố tôi là ông Bùi Văn Hiển có mua một thửa đất của chị Bùi Thị Hường (thửa đất số 42, tờ bản đồ 8, diện tích 1.505 m2 đất ở lâu dài, mang tên ông Bùi Văn Ên được UBND huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cấp GCNQSDĐ số L728926 ngày 04/09/1998). Tại bìa thứ 4 của GCNQSDĐ thì năm 2018, chị Hường được nhận thừa kế thửa đất nêu trên của ông nội (tức ông Ên). Khi mua bán, bố tôi cũng đã kiểm tra kỹ thông tin trên GCNQSDĐ, thấy không có bất thường nên mới tiến hành các thủ tục mua bán, chuyển nhượng và đăng ký biến động sang tên chính chủ ghi trên bìa 4 của GCNQSDĐ tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Kim Bôi. Đến cuối năm 2021, gia đình tôi đến thửa đất định sửa sang lại thì thấy xuất hiện người lạ đang chiếm dụng đất nhà tôi, hỏi ra mới biết là bà Bùi Thị Sự. Bà Sự tự ý chiếm đoạt thửa đất này và một mực khăng khăng đây là đất của bà và bà không biết có sự mua bán, chuyển nhượng giữa bố tôi và chị Hường. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết bà Sự là mẹ chị Hường (bố chị Hường là con của ông Ên và đã mất năm 2017). Lúc này thấy tình hình phức tạp, bố tôi do sức khỏe yếu nên đã ra UBND Thị trấn Bo ủy quyền cho tôi toàn quyền quản lý thửa đất. Tôi đã nhiều lần gặp bà Sự và chị Hường để nói rõ đầu đuôi và đề nghị bà Sự rời khỏi thửa đất thuộc quyền sử dụng của bố tôi nhưng bà Sự không hợp tác. Cùng thời điểm này, bố tôi cũng làm đơn gửi UBND xã Sào Báy nhờ can thiệp để bảo vệ đất của mình nhưng cũng không có hồi đáp. Sự việc kéo dài đến giữa năm 2022 mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của chính quyền sở tại. Vậy nên bà Sự càng được đà, bà ấy cố tình sửa lại tường rào và cổng tại thửa đất nhà tôi như thách thức cả gia đình tôi và cả pháp luật. Vì bảo vệ tài sản của gia đình mình nên tôi đã gọi một xe chở đá vào để đổ đá chặn lối ra vào của thửa đất nhằm ngăn chặn bà Sự cố tình chiếm đoạt thửa đất của bố tôi. Khi xe lùi để đổ đá thì thành thùng xe đã chạm vào cột trụ cổng làm đổ nên bà Sự đã làm đơn trình báo sự việc. Công an huyện Kim Bôi tiếp nhận nguồn tin từ bà Sự và rồi thì tôi đang từ một người bảo vệ tài sản của chính gia đình mình lại trở thành bị cáo trong vụ án “Hủy hoại tài sản” và tới đây sẽ bị đưa ra xét xử”.
Chị Bùi Thị Thanh Tâm khẳng định với phóng viên là mình bị oan |
Chị Tâm cho biết thêm: “Trong quá trình hợp tác điều tra với các cơ quan có thẩm quyền, tôi đã nhiều lần trình bày: Tôi có quyền bảo vệ tài sản của mình; Bố tôi mua bán, chuyển nhượng đất đai hợp pháp; Tài sản của gia đình tôi bị xâm hại mà tại sao chính quyền và những cơ quan chức năng huyện Kim Bôi không bảo vệ? Tại sao lại bảo vệ bà Sự chỉ thông qua đơn trình báo một chiều từ bà ấy? Hơn nữa: rõ ràng thửa đất trên là tài sản của nhà tôi mà công an lại bảo là tài sản của bà Sự? Tôi yêu cầu họ đưa ra căn cứ pháp lý chứng minh thửa đất này là của bà Sự thì họ không chứng minh được nhưng vẫn cố tình “buộc tội” tôi với tội danh hủy hoại tài sản nhà bà Sự”. Những câu hỏi này, Báo PLVN kính đề nghị Tòa án nhân dân huyện Kim Bôi và các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Hòa Bình trả lời!
Để vụ án tránh bị oan sai, cần làm rõ thửa đất số 42, tờ bản đồ 8 ở xóm Nà Bờ, xã Sào Báy tại thời điểm xảy ra sự việc thuộc quyền sử dụng đất của ai? Tại sao lại có tới 05 bản kết luận định giá tài sản bị hủy hoại?
Để có thông tin khách quan, phóng viên đã có buổi làm việc cùng ông Bùi Văn Tường – Chủ tịch UBND xã Sào Báy, tại buổi làm việc, ông Tường cho biết: “Tôi biết sự việc tranh chấp QSD đất đối với thửa đất số 42, tờ bản đồ 8 giữa ông Bùi Văn Hiển và bà Bùi Thị Sự và cũng biết giao dịch chuyển nhượng QSD thửa đất này giữa ông Hiển và chị Bùi Thị Hường (con gái bà Sự), tôi được ký chứng thực hợp đồng chuyển nhượng”.
Theo tài liệu nhận được, vào ngày 14/06/2018 ông Bùi Văn Tường – Chủ tịch UBND xã Sào Báy có ký chứng thực văn bản phân chia di sản thừa kế cho gia đình chị Hường. Còn Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất giữa bà Bùi Thị Hường và ông Bùi Văn Hiển được thực hiện tại Văn phòng Công chứng Đại Nam địa chỉ số 17 đường Cao Bá Quát, tổ 4 phường Phương Lâm, TP Hòa Bình vào ngày 08/02/2021 và sau đó ngày 25/3/2021 đã được Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Kim Bôi sang tên ông Bùi Văn Hiển.
Thửa đất số 42, tờ bản đồ 8 ở xóm Nà Bờ, xã Sào Báy, Kim Bôi |
Trao đổi với phóng viên về vụ việc, luật sư Vũ Tuyến Hùng – Văn phòng Luật sư Tuyến Hùng thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Nói đến văn bản phân chia di sản thừa kế của gia đình ông Ên được UBND xã Sào Báy chứng thực, khi rà soát tên các thành viên trong hàng thừa kế gồm các con, cháu của ông Ên thì không thấy có tên của bà Bùi Thị Sự. Vậy căn cứ vào đâu để bà Sự tự ý chiếm dụng thửa đất nêu trên? Việc phân chia di sản thừa kế được thể hiện như sau: “Những người thừa kế đều đồng ý và thống nhất tài sản thừa kế của ông Bùi Văn Ên để lại là một phần quyền sử dụng đất (phần còn lại thuộc quyền sử dụng của các thành viên trong hộ gia đình ông Bùi Văn Ên). Những người thừa kế đồng ý tặng cho phần quyền sử dụng đất của mình và phần được hưởng thừa kế của ông Bùi Văn Ên cho bà Bùi Thị Hường”. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được ông Tường - Chủ tịch UBND xã Sào Báy chứng thực xác nhận ngày 14/06/2018 (số chứng thực 12/2018, quyển số 01/2016-SCT/HĐ,GD). Vậy mà không hiểu vì lý do gì, QSD đất này khi được chuyển nhượng cho chủ mới hợp pháp mà Chủ tịch UBND xã lại thờ ơ và không có quan điểm cũng như hành động bảo vệ người có tài sản hợp pháp – mặc dù họ đã nhiều lần gửi đơn?
Nói đến tài sản được cho là của bà Sự bị các bị cáo hủy hoại. Đó là trụ cổng, mái cổng được bà Sự tự ý xây sửa trên thửa đất mang tên ông Hiển. Khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, luật sư Hùng nhận thấy: Kết luận điều tra số 23/BKLĐT-ĐCSHS-KTMT của Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bôi ban hành ngày 28/05/2023 thể hiện tài sản này của bà Sự là không có cơ sở, bởi lẽ thửa đất mang tên ông Hiển và cho đến thời điểm xảy ra vụ việc, chưa có cơ quan nào phủ nhận GCN QSD này là bất hợp pháp. Luật sư cũng cho rằng, các bị cáo bị khởi tố không hề có động cơ hủy hoại tài sản vì mục đích của họ chỉ là bảo vệ tài sản của mình và ngăn chặn hành vi xâm chiếm của bà Sự.
Tại Kết luận điều tra số 23, tài sản được cho là bị hủy hoại đã có tới 05 lần được Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bôi yêu cầu Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự (gọi tắt là HĐĐG) huyện Kim Bôi và tỉnh Hòa Bình thực hiện. Đối với nội dung này, trong buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin với bà Hương - Chuyên viên phòng Tài chính huyện Kim Bôi, bà Hương cũng bày tỏ sự ngạc nhiên vì không hiểu tại sao tài sản bị hủy hoại chỉ có một mà lại phải định giá đến nhiều lần như vậy.
Với vai trò là thành viên tổ định giá tài sản thuộc HĐĐG huyện Kim Bôi, bà Hương cho biết: “Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự huyện Kim Bôi do ông Hưng - Trưởng phòng Tài chính huyện làm Chủ tịch Hội đồng, việc định giá và cho ra kết quả dựa trên yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an huyện. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, thì mỗi Hội đồng định giá chỉ được định giá một lần (01) đối với mỗi tài sản được yêu cầu định giá”.
Giải thích về việc tại sao cùng một tài sản được cho là đã bị hủy hoại của bà Sự trong vụ việc nêu trên mà HĐĐG huyện lại tham gia định giá tới hơn hai lần, bà Hương cho biết: “Đó là yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bôi, bản chất thì vẫn là ngần đó tài sản, nhưng chỉ điều chỉnh khác đi một chút, ví dụ như lần thứ nhất là định giá trụ cổng có chiều cao là 2,8m, nhưng ở lần thứ hai thì vẫn trụ cổng đó nhưng điều chỉnh lại chiều cao cho khác với lần định giá đầu”. Như vậy, với nhiều lần yêu cầu định giá, không biết Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bôi đang muốn hướng đến kết quả định giá tài sản được cho là đã bị hủy hoại như thế nào là đúng với tính chất vụ việc?
Theo luật sư, trong bản Cáo trạng số 23/CT-VKSKB ngày 26/06/2024 của Viện trưởng Viện Kiểm sát (VKS) Kim Bôi thì có tới bốn (04) kết quả định giá tài sản bị hủy hoại với kết quả khác nhau, cụ thể: Lần định giá thứ nhất của HĐĐG huyện Kim Bôi có kết quả là 4.368.731 đồng; Lần định giá thứ hai của HĐĐG tỉnh Hòa Bình có kết quả là 1.627.197 đồng; Lần định giá thứ ba của HĐĐG tỉnh có kết quả là 4.569.571 đồng; Lần định giá thứ tư của HĐĐG huyện Kim Bôi có kết quả là 4.358.590 đồng. Bị cáo Bùi Thị Thanh Tâm cho biết còn một lần định giá tài sản nữa có kết quả là hơn 1.900.000 đồng, nhưng không biết vì sao kết quả định giá này lại không được đưa vào Cáo trạng? Định giá nhiều như vậy, kết quả lại khác nhau, vậy căn cứ vào đâu để đưa ra kết quả đúng và phù hợp nhất với tình tiết vụ án? Trước câu hỏi này, bà Hương tuy là thành viên của HĐĐG huyện Kim Bôi nhưng cũng chưa thể trả lời được, bà cho biết: “Hội đồng định giá huyện cũng chỉ làm theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an huyện, việc họ có sử dụng kết quả của chúng tôi hay không thì chúng tôi cũng không hề được biết”.
Từ diễn biến vụ việc nêu trên, luật sư Hùng đã có bản luận cứ gửi Tòa án nhân dân huyện Kim Bôi thể hiện quan điểm: “Bị cáo Tiệp chỉ xi – nhan ra hiệu cho xe lùi mà cũng bị kết tội là rất vô lý. Bản kết luận có nhiều điểm thiếu khách quan, trong quá trình điều tra có nhiều biểu hiện không điều tra kĩ, không lưu giữ vật chứng. Rõ ràng GCNQSD đất mang tên ông Hiển mà lại xác định tài sản là của bà Sự - điều này hết sức vô lý, làm hoàn toàn sai lệch hồ sơ, không đúng bản chất của vụ án. Từ một chuyện rất nhỏ nhưng cố tình làm ra to chuyện để lấy thành tích trong công việc”.
Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số L728926 đã được chuyển nhượng cho ông Bùi Văn Hiển theo hồ sơ số 000845.CN.002 |
Trong buổi làm việc cùng phóng viên, khi được hỏi quan điểm về vụ việc, Bà Đinh Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện Kiểm sát (VKS) Kim Bôi cho rằng: “Vụ việc này có đầy đủ chứng cứ, có clip quay được hành vi bà này hô mấy cái thằng lái xe là chúng mày cứ đổ cổng đi, tội vạ đâu tao chịu”. Bà Hà cũng cho rằng: “Thửa đất mà chị Hường chuyển nhượng cho bố chị Tâm là không hợp pháp”.
Tuy nhiên theo luật sư, trong Kết luận điều tra và Cáo trạng đều không thấy đề cập đến việc chị Hường chuyển nhượng cho ông Hiển là bất hợp pháp và theo GCNQSD đất thì tên ông Hiển được Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Kim Bôi đăng ký biến động tại bìa 4 là đúng theo quy định của pháp luật.
Điều 164 Bộ Luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) quy định về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau: “1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật; 2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Như vậy, theo luật sư đối chiếu theo BLDS 2015 thì bị cáo Bùi Thị Thanh Tâm trong vụ án “Hủy hoại tài sản” nêu trên đã thực hiện đầy đủ các quyền của mình, vừa hành động ngăn chặn sự xâm chiếm tài sản của gia đình đối với bà Sự; vừa có đơn báo cáo chính quyền sở tại. Vậy tại sao lại không được các cơ quan tố tụng huyện Kim Bôi bảo vệ? Quan điểm của Luật sư cho rằng: “Kết luận điều tra và bản Cáo trạng vụ án này chưa thực sự công tâm, chưa đánh giá đúng bản chất sự việc và nếu không đánh giá khách quan lại sự việc thì sẽ có oan sai xảy ra”.
Liệu vụ việc có được nhìn nhận đúng bản chất để bảo vệ công bằng và lẽ phải hay không? Những người liên quan đến vụ án và công luận đang chờ đợi phiên xét xử công minh của Tòa án nhân dân huyện Kim Bôi vào ngày 26/9/2024.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.