Chất liệu để tạo dựng nên bản sắc văn hóa
Tham dự hội thảo có GS. TS Lại Quốc Khánh, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; PGS. TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN;… cùng nhiều học giả uy tín trong nước và nước ngoài, các nhà nghiên cứu, đại diện một số cơ quan khoa học và quản lý trong lĩnh vực du lịch và văn hóa.
“Di sản và Du lịch từ tiếp cận Nhân học và liên ngành” là diễn đàn học thuật để thảo luận các vấn đề cấp bách, đa chiều về mối quan hệ giữa di sản và du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển bền vững. Hội thảo bao gồm các phiên thảo luận chuyên sâu với các chủ đề: Khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu liên ngành về di sản và du lịch; Diễn ngôn và thương thảo trong cộng đồng để phát triển du lịch; Những thiết chế nhà nước và cộng đồng nhằm trao truyền văn hoá; Di sản sống và động năng phát triển du lịch từ đô thị đến các cộng đồng dân tộc thiểu số; Di sản tín ngưỡng, sáng tạo truyền thống trong quảng bá di sản và du lịch bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS Lại Quốc Khánh, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh di sản là những gì quý báu nhất mà chúng ta thừa hưởng từ cha ông chúng ta. Nó có thể là tài nguyên thiên nhiên, là công trình văn hóa, là biểu đạt và phong tục tập quán. Nó chính là chất liệu để tạo dựng nên bản sắc văn hóa của chúng ta, nên từ lâu đã là tâm điểm của nghiên cứu nhân học. Hoạt động du lịch hình thành bởi sự dịch chuyển của các nhóm cư dân với nhu cầu giải trí tạo nên sự tiếp xúc văn hóa do đó cũng không nằm ngoài những truy vấn khoa học của ngành nhân học.
GS. TS Lại Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội thảo |
Đứng trước nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập thế giới, phát triển du lịch bền vững và công nghiệp văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong đó di sản văn hóa chính là nền tảng, nguồn lực, chất liệu quan trọng nhất cần phải được, sử dụng, khai thác, phát huy đúng cách. Điều 88 trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua 10 ngày trước (đúng vào ngày 23/11, Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam) đã nêu rõ là việc “sử dụng, khai thác di sản văn hóa cần bảo đảm các yêu cầu là phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; Góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế; góp phần phát triển bền vững; và tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”.
“Như vậy những cơ hội và thách thức đặt ra bởi công tác bảo tồn và phát huy di sản trong mối tương quan với phát triển du lịch nói riêng và phát triển bền vững nói chung của Việt Nam là những vấn đề thực tiễn cần có sự tham vấn của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế với các góc nhìn đa chiều và cách tiếp cận đa ngành để giải quyết các vấn đề mang tính học thuật làm nền tảng cho hoạch định và thực thi chính sách như mối quan hệ giữa các bên liên quan (quản lý nhà nước, du lịch và cộng đồng di sản), kinh tế di sản và du lịch, pháp lý, truyền thông,…Hội thảo tổ chức hôm nay nhằm quy tụ các nghiên cứu khoa học mới, cập nhật nhất về mối quan hệ giữa di sản và du lịch trong bối cảnh hiện nay, chỉ ra những tác động hai chiều của du lịch và di sản; những động năng của cộng đồng trong ứng phó với những biến đổi từ hoạt động du lịch; và chỉ ra những giải pháp nhằm phát huy di sản bền vững trong bối cảnh toàn cầu hoá với những bài học ở Việt Nam và trên thế giới” – GS Lại Quốc Khánh chia sẻ.
Giải pháp từ tiếp cận nhân học và liên ngành
Hội thảo đã nhận được 27 báo cáo toàn văn từ các học giả trong nước và quốc tế, tập trung vào chia sẻ kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề quan trọng sau: Xác định những tiếp cận lý thuyết mới, quan điểm lý luận và phương pháp nghiên cứu đương đại về du lịch và di sản; Cập nhật những kết quả nghiên cứu gần đây về tác động của du lịch với cộng đồng tộc người ở địa phương; nêu bật những vấn đề đặt ra trong việc sử dụng di sản như là một nguồn lực trong phát triển du lịch; thảo luận mối quan hệ quyền lực giữa các bên liên quan trong quản lý di sản và phát triển du lịch; Nghiên cứu so sánh sự phát triển du lịch di sản ở Việt Nam với các xu thế ở khu vực và trên thế giới; chỉ ra những xu thế mới trong phát triển du lịch di sản ở Việt Nam và trên thế giới; Chỉ ra những thách thức và các giải pháp trong quản lý di sản nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch và quản lý du lịch di sản; Chỉ ra các vấn đề về quản lý di sản thế giới và du lịch ở Việt Nam và trên thế giới; Chỉ ra những vấn đề trong quản lý di sản và du lịch trong bối cảnh khủng hoảng (y tế, biến đổi khí hậu…);…
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo |
Một số báo cáo đáng chú ý như: Vận động di sản địa phương để phát triển du lịch sinh thái ở miền núi phía Bắc Việt Nam: Công cụ hóa, tái tạo và thương mại hóa bản sắc dân tộc của TS. Emmanuel Pannier, Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD), Pháp; Đàm phán về tính xác thực trong du lịch di sản: Nghiên cứu trường hợp không gian di sản sống của người Chăm tại Ninh Thuận của PGS. TS. Quảng Đại Tuyên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Hai bên cùng thúc đẩy: Phân tích mô hình du lịch mới tại thành phố biên giới Trung -Việt: Nghiên cứu trường hợp thành phố Đông Hưng, Phòng Thành Cảng, Quảng Tây của GS. Vương Bách Trung, Đại học Dân tộc Quảng Tây; Mối quan hệ giữa di sản với du lịch ở miền núi phía Bắc hiện nay của TS. Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa – Du lịch; Đi tìm giải pháp đổi mới bảo tồn di sản văn hoá Quan họ: Bảo tàng sinh thái và du lịch cộng đồng của TS. Đinh Thị Thanh Huyền, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN;…
|
Trong đó phải kể đến “Đàm phán về tính xác thực trong du lịch di sản: Nghiên cứu trường hợp không gian di sản sống của người Chăm tại Ninh Thuận” của PGS. TS. Quảng Đại Tuyên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Nghiên cứu này khám phá quá trình đàm phán về tính xác thực trong du lịch di sản ở cộng đồng người Chăm, tỉnh Ninh Thuận, tập trung vào hai không gian văn hóa đặc biệt: không gian thiêng và không gian cộng đồng. Những phát hiện này cung cấp những hiểu biết quý giá cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch với tầm quan trọng của việc tôn trọng ranh giới văn hóa khi phát triển du lịch ở cộng đồng dân tộc thiểu số.
PGS. TS. Quảng Đại Tuyên phát biểu tại Hội thảo |
Hay là báo cáo Du lịch trải nghiệm “Di sản đời thường” tại đô thị Hà Nội của TS Nguyễn Vũ Hoàng. Qua góc nhìn Di sản đời thường để phân tích một số khu dân cư tại Hà Nội, tác giả chỉ ra những giá trị văn hóa của yếu tố không chính thức và thường bị bỏ qua, tập trung vào cách con người định hình, sử dụng và ý nghĩa hóa không gian và thực hành đời thường.
TS Nguyễn Vũ Hoàng phát biểu tại Hội thảo |
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và làm rõ khái niệm di sản không chỉ gắn với các giá trị văn hóa – lịch sử truyền thống mà còn bao gồm các yếu tố đời thường, đương đại. Du lịch, trong quan hệ với di sản, cần được nhìn nhận từ cả góc độ kinh tế, văn hóa và xã hội. Đồng thời, nghiên cứu các mối quan hệ đa chiều giữa bảo tồn di sản, phát triển du lịch và cộng đồng địa phương. Từ đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp từ tiếp cận nhân học và liên ngành: Kết hợp nhân học, lịch sử, kinh tế, quản lý du lịch và các ngành liên quan nhằm phát triển bền vững, bảo tồn giá trị di sản trước các thách thức như thương mại hóa, biến đổi khí hậu, và xung đột lợi ích.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Với tiếp cận Nhân học và liên ngành, hội thảo hứa hẹn một hệ thống các báo cáo khoa học và tư vấn chính sách có chất lượng khoa học, có ý nghĩa thực tiễn góp phần phân tích, đánh giá lý giải thấu đáo hơn các vấn đề di sản gắn với du lịch ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hội thảo không chỉ là dịp để trao đổi học thuật, mà còn là cơ hội để thúc đẩy xây dựng mạng lưới hợp tác chặt chẽ, mở ra những hướng nghiên cứu và ứng dụng mới. Sau hội thảo, những báo cáo có chất lượng tốt sẽ được chọn lọc hướng tới nâng cấp chất lượng để xuất bản trên một số chuyên đề tạp chí chuyên ngành dân tộc học/nhân học.