Hòa Bình: Cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

(PLM) - Ngày 14/02/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 250/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước.
Hòa Bình: Cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Kinh tế tỉnh Hòa Bình “bứt phá” vào năm 2025

Đề án xác định mục tiêu tổng quát của tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 là cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cân đối giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, phấn đấu sau năm 2025 phát triển theo chiều sâu. Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư.

Đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm tận dụng các lợi thế của địa phương; các ngành, sản phẩm có đóng góp giá trị cao cho nền kinh tế và giá trị gia tăng cao, có hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động. Gắn kết tăng trưởng nhanh với tiến bộ xã hội, bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể của cơ cấu lại kinh tế là thiết lập các điều kiện nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu đưa Hòa Bình đạt trình độ phát triển kinh tế ở mức trung bình của cả nước với các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm 2021-2025 tăng từ 9% trở lên; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 8%/năm; đến năm 2025 đạt 140 triệu đồng/lao động; Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021-2025 giảm 2,5-3%/năm.

Theo Đề án, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đến cuối năm 2025 chiếm khoảng 54%. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Theo Đề án, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đến cuối năm 2025 chiếm khoảng 54%. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; đến cuối năm 2025, công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 54%, dịch vụ chiếm khoảng 27%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 15%, thuế sản phẩm chiếm khoảng 4%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng; Tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng đạt 40%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng (bằng khoảng 32% GRDP), bình quân hàng năm tăng 8,2%. Phấn đấu trong 5 năm, tỉnh Hòa Bình thu hút được 280 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 1.000 triệu USD.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phấn đấu hệ số ICOR trong giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 4,5-5.

Nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh thông qua tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thông qua tăng bậc và cải thiện các chỉ số thành phần; phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tăng tối thiểu 3 bậc chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI).

Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.

Đề án cũng xây dựng định hướng về chất lượng tăng trưởng, cơ cấu kinh tế; định hướng cơ cấu lại kinh tế gắn với tăng trưởng các ngành; định hướng chuyển dịch cơ cấu theo vùng; cơ cấu đầu tư công và phân bổ ngân sách nhà nước; định hướng thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Người dân xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc duy trì và phát triển nuôi cá lồng tạo việc làm và thu nhập ổn định. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Người dân xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc duy trì và phát triển nuôi cá lồng tạo việc làm và thu nhập ổn định. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung vào: Thống nhất về tư tưởng chỉ đạo và triển khai thực hiện. Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Cơ cấu lại các ngành kinh tế, tập trung nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của ngành kinh tế. Nâng cao giá trị sản xuất rừng, chăm lo đời sống người trồng, bảo vệ, phát triển rừng. Chuyển dịch cơ cấu theo vùng.

Phát triển kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao

Để bắt kịp cuộc cách mạng khoa học công nghệ, ngoài sự nỗ lực từ mỗi doanh nghiệp, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp, như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ; chính sách cho phép doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ; miễn, giảm, thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền sử dụng đất; thuê đất đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình cũng tiến hành rà soát và thẩm định, cho ý kiến vào 64 dự án công nghệ đầu tư trên địa bàn, nhằm loại bỏ những công nghệ lạc hậu, gây nguy hại sức khỏe con người và tài nguyên, môi trường. Tỉnh Hòa Bình đã thực hiện hỗ trợ 10 doanh nghiệp tham gia chợ công nghệ và thiết bị.

Ngoài ra, tỉnh xây dựng Sàn giao dịch công nghệ online của tỉnh để cập nhật, đăng tải dữ liệu về giải pháp công nghệ và sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Những cơ chế, hỗ trợ thiết thực giúp nhiều doanh nghiệp thụ hưởng và bứt phá vươn lên, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Toàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp khoa học công nghệ, 21 tổ chức khoa học công nghệ. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã làm chủ được nhiều công nghệ cao và lưu giữ, chuyển giao các sản phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ tại tỉnh Hòa Bình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh, người dân. Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động phối hợp với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ để thúc đẩy hoạt động Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, nhằm thiết lập, quản lý và vận hành Trạm Khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform) tại tỉnh. Hoạt động này sẽ giúp phục vụ và hỗ trợ khai thác thông tin sở hữu trí tuệ, kịp thời tư vấn, cung cấp các dịch vụ về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tỉnh cũng cho phép sử dụng tên địa danh và phê duyệt bản đồ để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Một số sản phẩm tiêu biểu được sử dụng tên địa danh là: Sản phẩm du lịch Bản Lác Mai Châu, Rượu Mai Hạ của huyện Mai Châu, Lợn bản địa Lạc Sỹ của huyện Yên Thuỷ, Miến dong Cao Sơn của huyện Đà Bắc, Gà Lương Sơn, Khoai Lang Phú Cường; Cơm lam Mường Động Kim Bôi…

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh đã làm chủ được nhiều công nghệ cao và lưu giữ, chuyển giao các sản phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh đã làm chủ được nhiều công nghệ cao và lưu giữ, chuyển giao các sản phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Tỉnh đã ban hành 11 văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Căn cứ vào văn bản, cơ quan chức năng đã tổ chức, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và ra thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở, hồ sơ công bố hợp chuẩn cho các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng đã hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức tập huấn, tư vấn chuyển đổi áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN từ phiên bản ISO 9001:2008 sang phiên bản 9001:2015 cho sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố công bố áp dụng phiên bản 9001:2015; 100% Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng, công bố áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO.

Thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải thiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ quản lý tiên tiến, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở, tem truy suất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh. Đẩy triển khai chương trình hợp tác về khoa học công nghệ giữa tỉnh với thành phố Gimje và Quận Ulju của Hàn Quốc; hợp tác với Đại học Lâm nghiệp.

Tỉnh Hòa Bình cũng đã tạo điều kiện cho một số tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tham dự, trình diễn một số ứng dụng công nghệ mới, có khả năng tiếp cận với thị trường của tỉnh. Đẩy là cơ sở cho doanh nghiệp trên địa bàn có cơ hội trao đổi, giao lưu và phát triển khoa học và công nghệ.