Chăm con người dưng
Phải tận mắt chứng kiến những việc chị làm thì tôi mới hiểu tại sao nhiều người lại bảo chị “khùng”. Chị là Phạm Thị Vui ở xóm 9 (xóm Ao Bèo), xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Suốt nhiều năm qua chị tình nguyện chăm sóc đứa con nuôi nằm liệt giường với tình thương của một người mẹ ruột. Về đến Hà Thượng, hỏi chị Vui có người con nuôi là Hảo không ai là không biết. Họ biết đến chị bởi tấm lòng Bồ Tát của chị dành cho người con nuôi không may bị liệt đó.
Được biết, người con nuôi của chị Vui cũng ở cùng xã tên là Phạm Văn Hảo (sinh năm 1988) đã bị liệt nhiều năm nay, cũng từ đó chị là người duy nhất chăm sóc cho em từ miếng ăn, giấc ngủ. Được biết, ban đầu Hảo chỉ là người làm thuê cho gia đình chị Vui nhưng thấy Hảo ngoan ngoãn lại thiếu thốn tình cảm, bố mẹ đều đã mất nên chị Vui quyết định nhận làm con nuôi.
Thế nhưng, cuộc đời không ai đoán được chữ ngờ. Không lâu sau đó Hảo bị tai nạn gãy cột sống và đứt tủy sống dẫn đến bị liệt nửa người phía dưới. Nhà Hảo chẳng còn ai, bố mẹ đều mất hết, chị gái thì đã đi lấy chồng cũng không thể lo cho Hảo, vợ chồng chị Vui lại tất bật vay mượn tiền bạc cho Hảo đi chữa ở Hà Nội nhưng cũng không kết quả. Chữa Tây y không được chị Vui lại cho Hảo đi chữa đông y hơn 3 tháng ở tận Định Hóa nhưng bệnh tình không giảm.
Thế rồi, chị Vui đành đưa Hảo về nhà nuôi và chăm sóc. Thấy chị Vui làm vậy, ban đầu gia đình chồng chị cũng phản đối nhưng chị đã thuyết phục gia đình rằng: “Đã nhận làm con thì dù một tiếng mẹ cũng vẫn là mẹ”.
Chị Phạm Thị Vui và người con nuôi Phạm Văn Hảo. |
“Tôi thuyết phục chồng con mãi rồi cũng được. Khi Hảo chưa bị liệt, hai vợ chồng tôi cùng đi làm nhưng khi mang Hảo về nhà chăm, tôi phải ở nhà chăm con, chỉ mình chồng tôi đi ra ngoài lo kinh tế cho cả gia đình. Hảo không thể đi lại mà nằm bất động, mọi sinh hoạt cá nhân cũng không thể tự làm. Hảo sống ở nhà tôi được hơn một năm thì sức khỏe yếu hẳn nên Hảo xin về nhà để nếu có nhắm mắt xuôi tay cũng ở chính ngôi nhà của mình. Chiều theo con, tôi đưa con về và hàng ngày mang cơm qua cho con và giúp con làm vệ sinh cá nhân” - chị Vui tâm sự.
Chị bảo rằng, suốt 5 năm qua chị đi lại giữa hai nơi như con thoi không biết mệt mỏi. Gần đây, gia đình người chú ruột của Hảo ở ngay cạnh suy nghĩ lại nên đã nhận nấu cơm và mang sang cho Hảo nên chị không phải nấu cơm mang qua nữa mà chỉ gửi tiền ăn cho cháu và giúp cháu làm vệ sinh cá nhân. Giờ đây cơ thể Hảo đã nhiều chỗ bị thối chảy máu, thương con chị cũng đành chịu vì tiền bạc gia đình chị cũng chẳng còn .
Phải tận mắt chứng kiến những công việc hàng ngày của chị chúng tôi mới thấu hiểu sự vất vả và lòng thương yêu của chị dành cho người con nuôi của mình. Công việc hai nhà làm chị đi lại cả ngày, vừa ở nhà chăm con ruột còn nhỏ lại đạp xe hơn 7 cây số sang nhà người con nuôi. Có lẽ cũng chỉ có chị mới đủ tình thương để chăm sóc cho Hảo mà thôi.
“Hàng ngày làm vệ sinh cho con, tôi đau lòng lắm, nhìn những vết thương lở loét mà tôi xót xa. Nó không do tôi rứt ruột đẻ ra nhưng tôi thương nó như con đẻ của mình. Do nằm lâu ngày thịt bị phân hủy nên hễ động vào là chảy máu, mùi hôi thì nồng nặc. Hàng xóm, anh em họ hàng không ai dám lại gần. Nhưng nếu vì vậy mà không vệ sinh cho con hàng ngày thì tôi áy náy lắm. Mình có chăm cho con tốt thì nó mới khỏe mạnh mà sống thêm, chứ nếu giờ mà không vệ sinh sạch sẽ, nhiễm trùng cũng chết sớm thôi ” - chị Vui nghẹn ngào.
“Sống là phải cho đi chứ đừng đòi nhận lại”
“Sống là cho đi chứ đừng đòi nhận lại chính là phương châm sống của tôi cũng là động lực để cho tôi làm công việc không giống ai này”. Đó là lời giải thích của chị cho việc mà chị đang làm. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết kinh tế gia đình chị cũng không mấy khá giả. Nhà 5 miệng ăn chưa tính đến Hảo nằm liệt giường mà chỉ trông chờ vào mỗi người chồng đi làm thuê ở mỏ than. Nhiều người khi biết đến chị và việc làm của chị thấy cảm phục nhưng cũng vẫn bảo chị khùng.
Chị Vui tâm sự: “Nhà tôi có 5 miệng ăn mà chỉ có chồng tôi đi làm, còn tôi ở nhà chăm sóc người con nuôi. Nhiều lần không có tiền gửi cho Hảo tôi đã phải đi vay nóng hàng xóm nên họ mới bảo tôi khùng. Đứa con lớn của tôi đang học đại học ở Hà Nội cũng phải đi làm thêm chứ tôi không thể chu cấp cho cháu như những con nhà khác”.
Chị bảo: “Tôi thương Hảo còn hơn con ruột của mình, tôi biết nói ra ít người tin nhưng đó là sự thật. Tôi biết Hảo sống được ngày nào hay ngày ấy, mà sống hay không cũng là do tôi mà thôi, tôi không nuôi nó, chăm sóc nó thì chả có ai nuôi. Nhưng dù ai nói gì tôi cũng không quan tâm, tôi sống và làm những việc tôi cho là đúng. Khùng cũng chẳng sao”.
Nghe những tâm sự của chị mà tôi ứa nước mắt. Ở đời đúng là luôn có những chuyện ta tưởng chỉ có trong những câu chuyện cổ tích mà thôi. Bà tiên hay ông bụt không thể có thực ở ngoài đời nhưng khi gặp chị thì tôi tin. Dù không phải là tiên hay là bụt, nhưng ở chị có tấm lòng của một vị Bồ Tát.
Sống và dạy con cái phương châm sống như vậy nên người con gái lớn của chị đã tham gia các hoạt động từ thiện từ khi học lớp 8. “ Tôi luôn dạy các con sống là phải cho đi, có lẽ vì vậy mà con tôi hiểu những việc làm của tôi. Nó không đòi hỏi tôi mà còn giúp tôi chăm sóc Hảo. Đứa con gái lớn của tôi đi làm từ thiện nhiều lắm. Nó về còn bảo tôi: “Mẹ chăm anh Hảo đã là gì, còn nhiều người tốt lắm mẹ à. Mẹ phải chăm anh ấy tốt vào mẹ nhé, con ủng hộ mẹ”. Được con cái và gia đình ủng hộ, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Có thể tôi luôn cho đi nhưng tôi lại được nhận lại từ chính những người thân trong gia đình” - chị Vui cho biết.
Tâm sự với chúng tôi, chị cũng cho biết thêm điều lo lắng nhất lúc này của chị chính là người con nuôi. “Tôi lo nhất lúc này chính là phải làm sao vừa lo cho con chu đáo vừa phải dành dụm tiền để lo hậu sự cho con. Tôi biết nó chả sống được bao lâu nữa đâu”. Nói đến đây chị bật khóc, giọt nước mắt của một bà mẹ thực sự lo cho người con của mình.